06/04/2023 10:54 GMT+7

Chủ tịch UBND TP Hội An: Gìn giữ Hội An lớn hơn chuyện tấm vé

Trước "bão" dư luận về việc thu phí tham quan phố cổ Hội An, chiều 5-4 Chủ tịch UBND TP Hội An NGUYỄN VĂN SƠN đã có cuộc trò chuyện với báo Tuổi Trẻ.

 Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao - ẢNH: QUANG ĐỊNH

Theo ông Sơn, việc thu phí vào Hội An được thực hiện từ lâu chứ không phải chuyện mới. Do một số cách giải thích, truyền thông đưa thông tin ra chưa đầy đủ nên dẫn đến sự hiểu lầm. Ông nói:

- Tôi khẳng định việc tăng cường quản lý mua vé sẽ không có gì ảnh hưởng tới bà con ra vào. Mọi người cứ ra vào bình thường như lâu nay. Chắc chắn sẽ có sự cân đối, điều chỉnh vừa lòng tất cả mọi người.

Chuyện mua vé tham quan phố cổ Hội An đã làm từ lâu

* Có thể hiểu thế nào về chuyện Hội An "tăng cường quản lý ra vào để giám sát mua vé"?

- Việc mua vé tham quan phố cổ Hội An được thực hiện từ hàng chục năm trước, chứ không phải trong kế hoạch mới đây. Lâu nay về nguyên tắc đã đi du lịch và vào khu vực 1 của Hội An thì phải mua vé, khách quốc tế 120.000 đồng và khách trong nước 80.000 đồng.

Để kiểm soát vé, Hội An lâu nay cũng duy trì các quầy vé. Nhân viên có nhiệm vụ đứng tiếp đón, hướng dẫn mọi người vào mua vé chứ không hề ép buộc gì. Nhưng đa số khách quốc tế dù đi đơn lẻ hay theo đoàn đều tới mua vé để vào tham quan. Khách trong nước thì tỉ lệ mua rất ít, đâu chừng 10%.

Kế hoạch lần này của Hội An không phải là việc ép mọi người mua vé. Bản chất là mình tổ chức phân luồng, quản lý chặt hơn để nâng cao ý thức đóng góp cho di sản Hội An đối với các công ty lữ hành, các khách du lịch đi theo đoàn.

Dư luận phản ứng là dĩ nhiên, người ta thích Hội An nên mới phản ứng, là vì Hội An nói không rõ. Hiện kế hoạch mới chỉ đưa ra, từ nay đến ngày thực hiện (15-5) còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có lấy ý kiến cư dân phố cổ, các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan báo chí...

Ông Nguyễn Sự (nguyên bí thư, nguyên chủ tịch UBND TP Hội An)

* Như vậy là lâu nay việc kiểm soát đã diễn ra lỏng lẻo?

- Không hẳn là lỏng lẻo, nhưng thực tế thì việc mua vé tại Hội An chủ yếu là khuyến khích, bà con (khách du lịch nội địa) nào ghé mua thì tốt không mua thì thôi chứ không ai ép vào. Hội An là đô thị mở, là tài sản chung nên mọi người đều có quyền được vào tham quan và đóng góp cho trùng tu di sản. Nhưng thực tế là có rất nhiều công ty lữ hành đã lợi dụng việc nới lỏng đó để trốn tránh trách nhiệm mua vé cho du khách.

Nguyên tắc đã du lịch đến Hội An thì phải có phần kinh phí vào tham quan khu phố cổ. Nhưng rất nhiều công ty du lịch đến Hội An đưa khách đi lòng vòng, tham quan nhiều nơi nhưng lại không vào phố cổ. Khách dù đến Hội An nhưng thực tế lại không được tham quan khu phố cổ dẫn đến hiểu sai về Hội An, làm hình ảnh du lịch phố cổ méo mó.

Thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp tính chi phí mua vé cho du khách khi đặt tour nhưng khi đưa khách tới thì lại không mua vé cho họ. Khách đi vào phố cổ cứ lang thang rồi không biết đi đâu, tham quan ở đâu, không có hướng dẫn viên.

Kế hoạch lần này là nhằm chấn chỉnh lại việc đó.

Chủ tịch UBND TP Hội An NGUYỄN VĂN SƠN

Chủ tịch UBND TP Hội An NGUYỄN VĂN SƠN

Chủ yếu tăng cường ý thức mua vé với du khách tham quan phố cổ Hội An

* Như vậy là chỉ khách du lịch mới phải mua vé vào khu vực 1 phố cổ?

- Đúng! Nếu không phải khách du lịch thì bà con ra vào thoải mái. Người tới thăm thân nhân, ma chay cưới hỏi, người đi làm việc trong khu phố cổ, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng hay tất cả mọi người nếu chỉ đi vào để có việc riêng, uống ly cà phê, uống ly nước, thưởng thức không khí thì không phải mua vé.

* Nhưng làm sao biết được đâu là khách du lịch, đâu là người đi dạo chơi một chút rồi về?

- Chúng tôi đang chuyển đổi số, kết hợp với một số giải pháp khác để giải quyết việc này. Mình chủ yếu tăng cường ý thức mua vé với khách du lịch, để họ thấy được đóng góp cho bảo tồn di sản. Nếu thực sự có nhiều người cố tình trốn tránh thì cũng chấp nhận vì mục tiêu gìn giữ di sản, cốt cách của Hội An lớn hơn chuyện tấm vé.

* Vì sao giá vé khách nước ngoài 120.000 đồng/lượt mà khách trong nước chỉ 80.000 đồng, sao không áp dụng một giá?

- Giá vé đi liền với số điểm di tích tham quan. Mỗi điểm di tích có biểu phí 20.000 đồng, khách quốc tế có sáu nơi để tham quan trong khu phố cổ, tương ứng 120.000 đồng. Còn người Việt Nam tham quan bốn điểm, tương ứng với 80.000 đồng. Sở dĩ có sự khác nhau là vì một số điểm di tích đã quá quen thuộc với người Việt rồi nên khách nội địa chỉ tham quan bốn điểm.

Ngoài tổng phí tham quan đã tính phí thì Hội An là một quần thể di sản, một không gian rộng lớn, khi khách vào thì được trải nghiệm toàn bộ không gian đó, cộng với các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu.

* Theo ông, vé 80.000 đồng tham quan di sản văn hóa thế giới như Hội An là nhiều hay ít?

- Không thể có một sự đánh giá chính xác nào vì Hội An là quần thể di sản văn hóa thế giới, trên thế giới không có nhiều. Giá trị chiều sâu văn hóa, đời sống là vô cùng lớn. Nhưng giá vé tham quan ở phố cổ từ lâu được ấn định thấp nhất trong nhiều nơi tương quan trên cả nước, dù vật giá thay đổi dữ dội nhưng tới nay phí tham quan vẫn giữ nguyên. Chi phí duy trì, bảo tồn một quần thể kiến trúc là vô cùng tốn kém, nói "Hội An lấy di tích nuôi lại di tích" là vậy.

Người nước ngoài bình luận gì?

Sau khi đọc thông tin trên Tuoi Tre News (phiên bản tiếng Anh của báo Tuổi Trẻ), một số bạn đọc nước ngoài cũng "9 người 10 ý".

"Tôi không chắc mình sẽ ủng hộ việc này. Nếu mục đích làm vậy là để giảm tải do số lượng du khách quá đông thì có thể đây là một việc tốt. Tuy nhiên, những người bán hàng rong và các cơ sở kinh doanh sẽ cảm thấy như thế nào đây?", bạn đọc Lynne Meddaugh bày tỏ ý kiến. Bạn đọc Jim Te Pas cũng đồng tình: "Các chủ cửa hàng đã phải trả nhiều tiền để thuê mặt bằng rồi và giờ còn bị mất khách nữa".

Tuy nhiên cũng có người đồng tình, như bạn đọc Darren Ryding: "Tôi không thấy có vấn đề gì. Barcelona, Venice và Amsterdam cũng có thuế thành phố đó thôi". Cũng có ý kiến cho rằng đây là ý tưởng hay. "Ý tưởng hay, giúp có được một phân khúc du lịch cao cấp hơn, những người sẽ chi tiêu nhiều hơn và mang lại cho các nhà bán lẻ ở Hội An giá trị tốt hơn", Rob Lock bình luận.

NHÃ XUÂN

100% tiền vé dùng vào việc giữ gìn, tôn tạo phố cổ Hội An

Về việc tiền vé tham quan được sử dụng như thế nào, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: "100% tiền vé được quay lại dùng vào việc giữ gìn, tôn tạo phố cổ. Hội An không phải danh thắng tự nhiên mà là quần thể kiến trúc cổ, bị ngập lụt mỗi năm. Mỗi nhà cổ một lần sửa chữa tốn 5-7 tỉ đồng, gỗ thì phải nhập ngoại, ngói âm dương...

Toàn bộ tiền đó đều lấy từ nguồn vé. Rồi chi phí dọn dẹp môi trường, vận hành hệ thống phòng chữa cháy, tiền trích lại cho các nhà cổ tư nhân, hỗ trợ trùng tu cho các nhà cổ tư nhân. Một tấm vé khách mua khi vào Hội An được chia năm xẻ bảy, trong đó có nhà cổ tư nhân như Tấn Ký mỗi tháng thu bình quân 1 tỉ đồng từ tiền vé tham quan trích lại".

Theo ông Sơn, cao điểm nhất là năm 2019 Hội An thu được 220 tỉ đồng vé tham quan. Toàn bộ tiền dành trùng tu, làm đẹp cho phố cổ. Hội An không lấy vào ngân sách và cũng không thể lấy ngân sách để "nuôi" phố cổ. Một số thời điểm khó khăn như vài năm qua, khi tiền vé bán không đủ chi, Hội An phải rót ngân sách chi ngược trở lại.


Hội An báo cáo Cục Di sản việc soát vé vào phố đi bộHội An báo cáo Cục Di sản việc soát vé vào phố đi bộ

Sáng 6-4, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết đang hoàn tất báo cáo gửi Cục Di sản văn hóa liên quan việc soát vé tham quan phố cổ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên