Ông Phan Ngọc Thọ tham gia “Ngày chủ nhật xanh” cùng thanh niên dọn rác ở biển Thuận An - Ảnh: NGỌC MINH
Ông Phan Ngọc Thọ trò chuyện với Tuổi Trẻ về "hậu trường" của những việc làm đáng chú ý này.
Tăng trưởng: nhanh công nghệ, bền vững văn hóa
* Thưa ông, nhiều người thắc mắc sao đến nay Huế vẫn chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn, những "sếu đầu đàn", để tạo sự đột phá, thay đổi kinh tế Huế?
- Huế chưa có hạ tầng tốt để có sức hấp dẫn mạnh nhà đầu tư. Thế mạnh của Huế về di sản nên phải chịu những quy định rất khắt khe để bảo tồn. Vì vậy, bài toán lợi nhuận của các dự án rất khó giải, nhất là các dự án trong nội thành, ở gần các di sản. Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư tìm hiểu kỹ hơn điều kiện ở Huế, và khi Đà Nẵng lấp đầy không gian đầu tư, sẽ là thời cơ cho Huế.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng của Huế đã bắt đầu được đầu tư tốt hơn, như nhà ga T2 sân bay Phú Bài vừa khởi công, bến số 2 cảng Chân Mây hoàn thành trong năm 2020, Khu công nghiệp Phú Bài hoàn thành mở rộng trên 400ha...
Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương là điều kiện quan trọng để Huế thu hút những nhà đầu tư lớn. Khi Huế có cơ chế, chính sách đặc thù thì nhà đầu tư cũng sẽ hưởng được lợi thế đó. Hệ thống hạ tầng, kỹ thuật sẽ được nâng cao chất lượng. Nhà đầu tư nào cũng cần sân bay tốt, đường bay thuận lợi, bến cảng lớn...
Tất nhiên, đó là điều kiện quan trọng, nhưng không phải không có thì không thu hút được đầu tư. Với nhà đầu tư lớn, họ còn đòi hỏi điều kiện khác biệt nữa, và điều kiện đó tự thân Huế phải nỗ lực tạo ra.
Huế là đô thị di sản đặc sắc của Việt Nam - Ảnh: LÊ HUY HOÀNG HẢI
Lối sống thanh lịch, cốt cách nho nhã của người Huế, hay nói rộng ra là văn hóa Huế, đã tạo nên sự bình yên, hạnh phúc. Nhưng qua thời gian và những biến động của đời sống, điều đó đã nhiều phần bị phai nhạt. Vì vậy, tôi mới chú trọng việc phục hồi và bảo tồn giá trị này.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ
* Phát động chương trình Ngày chủ nhật xanh, chủ nhật nào ông cũng đi nhặt rác; ông dự giờ học đạo đức, giáo dục công dân và chỉ đạo phục hồi cốt cách Huế đã bị phai nhạt qua thời gian... Có người thắc mắc: Chủ tịch tỉnh thường chú trọng đến việc phát triển kinh tế với những kế hoạch lớn lao, rồi phê duyệt dự án, khởi công công trình..., nhưng ông chăm chú nhiều đến việc bảo vệ môi trường, trật tự xã hội, đạo đức lối sống...
- Nói tôi không quan tâm đến kinh tế là không đúng. Tôi vẫn đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế lên hàng đầu. Nhưng điều tôi quan tâm là phải tạo một môi trường đầu tư thật tốt, một giá trị khác biệt để thu hút nhà đầu tư lớn đến Huế. Làm sao để nhà đầu tư thấy rằng Huế không chỉ là vùng đất có tiềm năng và cơ chế đặc thù để họ lựa chọn đầu tư, mà còn là nơi mang lại cho họ cuộc sống hạnh phúc, với một xã hội bình yên, môi trường thiên nhiên trong lành. Một quốc gia, một doanh nghiệp khi đã phát triển lớn mạnh thì cần đến sự bền vững. Văn hóa là nền tảng của sự bền vững đó.
Lối sống thanh lịch, cốt cách nho nhã của người Huế, hay nói rộng ra là văn hóa Huế, đã tạo nên sự bình yên, hạnh phúc. Nhưng qua thời gian và những biến động của đời sống, điều đó đã nhiều phần bị phai nhạt. Vì vậy, tôi mới chú trọng việc phục hồi và bảo tồn giá trị này. Đó cũng là một thiết chế quan trọng mà Huế cần xây dựng để phục vụ nhà đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế là mệnh lệnh của cuộc sống. Chúng tôi vẫn đối diện mỗi ngày với đòi hỏi bức bách đó, nhưng chúng tôi vẫn kiên định không tăng trưởng bằng mọi giá. Tăng trưởng của Huế là tăng trưởng xanh, vì Huế đã xác định phát triển theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường. Tăng trưởng nhanh trên nền tảng công nghệ và tăng trưởng bền vững trên nền tảng văn hóa.
Ông Thọ nói chuyện với các hộ dân sẽ di dời khỏi nơi cư trú tạm bợ trên kinh thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Ông Thọ vận động tiểu thương chợ Đông Ba dùng bao bì giấy thay cho nilông - Ảnh: NGỌC MINH
Không chạy theo danh hiệu hão huyền
* Thưa ông, Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết riêng cho việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Như vậy, sau Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là địa phương thứ năm được trung ương tạo lập cơ chế riêng để phát triển. Nhiều người cho rằng đó là "bửu bối" mà Thừa Thiên Huế mong chờ từ bao nhiêu năm nay.
- Qua 10 năm thực hiện kết luận 48 năm 2009 của Bộ Chính trị, mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc trung ương vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính là do tỉnh vẫn chưa đạt được những tiêu chí về quy mô dân số, mật độ dân cư, tốc độ tăng dân số.
Đó là những tiêu chí về quy mô đô thị nhưng đó lại không phải là mục tiêu phấn đấu của Huế. Vì Huế là đô thị di sản, đô thị sinh thái, dân số càng đông, mật độ dân cư càng cao thì càng gia tăng áp lực lên di sản, cảnh quan, môi trường. Mô hình đô thị của Huế không phải là nhà cao, đường lớn, những khu công nghiệp sầm uất, mà Huế là đô thị di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Dù Huế có nhiều tiềm năng nhưng quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ là do chưa có cơ chế phù hợp để phát triển.
Vì vậy Bộ Chính trị đồng ý phải tìm cho Huế con đường phát triển phù hợp với tính đặc thù và đã ban hành nghị quyết 54-NQ/TW (ngày 10-12-2019) xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng văn hóa Huế và theo tiêu chí đặc thù của đô thị di sản.
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn người dân Thượng thành đi xem nơi ở mới - Video: NHẬT LINH
* Có ý kiến cho rằng cứ để đô thị phát triển tự nhiên, tích tụ năng lượng đến khi lớn mạnh thì tự khắc thành đô thị trung ương. Không phải cứ phong cho nó danh hiệu đô thị trực thuộc trung ương thì nó thành trung ương. Ông trả lời thế nào với quan điểm này?
- Quả thật điều người dân quan tâm vẫn là chất lượng cuộc sống, là việc làm để nâng cao thu nhập, là phố phường đẹp đẽ, giao thông hiện đại, chứ dân không quan tâm đô thị loại gì, trực thuộc tỉnh hay trung ương... Nhưng muốn có những điều đó thì phải có nguồn lực, phải có vị thế, cơ chế, chính sách thuận lợi.
Hiện nay Thừa Thiên Huế vẫn là tỉnh, nên vị thế rất thấp. Nếu đánh giá theo giá trị di sản, văn hóa thì Huế phải có vị thế cao. Nếu xếp theo quy mô cấp tỉnh, Thừa Thiên Huế đứng thứ 20-30; nhưng nếu là đô thị trung ương thì Huế là thành phố thứ sáu của quốc gia. Khi có vị thế cao sẽ có cơ chế, chính sách thuận lợi mới có đủ điều kiện để thu hút đầu tư, bảo tồn di sản, phát triển đô thị, người dân mới có nhiều việc làm hơn, có cuộc sống tốt hơn.
Vì vậy, quan điểm của tôi là phải dung hòa. Phải tích tụ nội lực, nhưng đồng thời phải tìm kiếm điều kiện khách quan thuận lợi, Huế mới phát triển nhanh được. Chúng tôi không chạy theo danh hiệu hão huyền nào cả.
Ông Phan Ngọc Thọ cùng người dân ở thị trấn A Lưới trồng hoa làm đẹp xóm làng - Ảnh: NGỌC MINH
Ông Thọ tặng vé số cho người dân nghèo đang sống trên kinh thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH
* Thưa ông, nhiều người bình luận rằng kế hoạch ông Thọ đặt ra rất hay, nhưng để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có thời gian, trong khi thời gian của ông còn lại không nhiều (ông Thọ sinh năm 1963). Vậy các kế hoạch đã lập sẽ ra sao sau khi ông nghỉ hưu?
- Quan điểm của tôi là người lãnh đạo phải hướng đến hạnh phúc của dân. Khi hướng đến người dân sẽ không còn tư duy nhiệm kỳ. Những gì tôi đã làm sẽ được những người kế tục thực hiện. Khi họ hướng về người dân thì họ sẽ làm như tôi, thậm chí tốt hơn tôi.
Quả thật tư duy nhiệm kỳ là vấn đề đang gây bức xúc xã hội. Tôi tin rằng nếu người lãnh đạo đặt mục tiêu phục vụ người dân thì rào cản nhiệm kỳ không còn nữa. Người này không làm nữa thì người khác cũng làm như vậy thôi.
Ông Thọ tặng quà tết và chuyện trò với người đạp xích lô - Ảnh: NGỌC MINH
* Đầu năm 2019, ông Phan Ngọc Thọ phát động Ngày chủ nhật xanh, kêu gọi người dân cùng du khách "Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế đẹp hơn!". Tháng 4-2019, xây dựng đề án "Huế - thành phố 4 mùa hoa".
* Tháng 5-2019, ban hành chỉ thị "Chống rác thải nhựa và túi nilông sử dụng một lần".
* Đầu năm học mới 2019-2020, ông Thọ gửi thư cho giáo viên, phụ huynh và học sinh toàn tỉnh, kêu gọi: "Hãy cùng thực hiện Giấc mơ Huế - vì một Huế yên bình, hạnh phúc và phát triển". Tháng 10-2019, ông dự giờ môn đạo đức và giáo dục công dân ở trường tiểu học và THCS, nhắc nhở nhà trường và giáo viên dạy học sinh về cốt cách, lối sống của người Huế.
* Tháng 10-2019, ông Thọ mời người dân đang sống "treo" trên di tích Kinh thành Huế đến xem nơi ở mới tại khu quy hoạch Hương Sơ.
* Cũng tháng 10-2019, ông Thọ đã gặp đại diện phụ nữ Huế và các chuyên gia để bàn thực hiện "Ngày hội áo dài" hằng năm.
* Ngày 6-1-2020, ông Thọ gặp mặt, tặng quà tết cho những người đạp xích lô ở Huế và nhắc họ nâng cao ý thức để làm đẹp hình ảnh du lịch Huế...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận