Kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa X đã giám sát chuyên đề về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết 54 - Ảnh: HỮU HẠNH
Chiều 7-7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa X đã giám sát chuyên đề về tình hình triển khai thực hiện nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và nghị quyết số 25 của HĐND TP về triển khai thực hiện nghị quyết này.
Nên có luật đô thị đặc biệt
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho biết rất phấn khởi khi Quốc hội có nghị quyết 54, ông cho rằng mục đích cuối cùng của các cơ chế chính sách đặc thù vẫn là phát triển kinh tế - xã hội, có chính sách phát triển sát với thực tiễn của TP.
Tuy nhiên theo ông Quân, tính pháp lý của nghị quyết hạn chế về thời gian so với luật. Hiện có Luật tổ chức chính quyền địa phương, nên chăng có luật về đô thị đặc biệt để giúp TP giải quyết nhiều vướng mắc của TP.
Đại biểu Cao Thanh Bình phát biểu về việc thực hiện nghị quyết 54 - Ảnh: HỮU HẠNH
Còn theo đại biểu Cao Thanh Bình, mặc dù việc thực hiện nghị quyết 54 đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa được như mong muốn của TP. Ông Bình cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó dù là chính sách đặc thù nhưng quá trình thực hiện vẫn còn theo quy trình cũ, TP phải xin hướng dẫn của các bộ ngành trung ương.
Dù TP rất tích cực đeo bám, gửi nhiều văn bản nhưng các bộ ngành vẫn chậm hướng dẫn. Ông Bình cho rằng đây là vấn đề khó nhất của TP khi thực hiện nghị quyết 54, khiến việc giải quyết các bất cập không được làm sớm.
Ông Bình cho rằng TP cần mạnh dạn nhìn nhận những vấn đề chưa làm được để đề xuất những cơ chế phù hợp trong nghị quyết thay thế nghị quyết 54. Và nếu là chính sách đặc thù thì phải đặc thù với địa bàn TP.
Về vấn đề biên chế cho TP.HCM, theo ông Cao Thanh Bình, hiện nay cán bộ TP phải đảm nhiệm công việc rất lớn, có người mỗi ngày làm việc đến 9h tối, không có ngày nghỉ. Nhưng nếu TP thực hiện giảm biên chế theo quy định của trung ương thì "công việc sẽ giải quyết như thế nào?".
Ông Bình đề nghị TP cần rà soát chặt chẽ vấn đề biên chế dựa trên thực tiễn để đề xuất những chính sách tháo gỡ.
Ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - thông tin tại kỳ họp - Ảnh: HỮU HẠNH
Không đòi nhiều biên chế, nhưng phải đủ
Về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - nhìn nhận việc tổ chức thực hiện nghị quyết 54 có nhiều vấn đề phức tạp, đạt kết quả chưa như mong muốn. UBND TP sẽ có những tổng kết những mặt làm được và chưa làm được vào báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết 54, từ đó đề xuất nghị quyết mới thay thế.
Hiện TP đã thành lập Ban chỉ đạo về tổng kết nghị quyết 54 và đã có dự thảo nghị quyết mới. Trong tháng 7, TP sẽ tổ chức lấy ý kiến về các nhóm vấn đề gồm đầu tư, về ngân sách, đô thị, đất đai, tổ chức bộ máy, quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đến tháng 8 sẽ báo cáo Bộ Chính trị, trình thông qua Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Trước băn khoăn về việc nếu đến tháng 11 vẫn chưa có nghị quyết thay thế nghị quyết 54 thì những công việc thực hiện sẽ như thế nào, ông Mãi cho biết TP đã báo cáo lộ trình với Chủ tịch Quốc hội và nhận được sự ủng hộ. Nếu được thông qua, cuối năm sẽ có nghị quyết tiếp nối, còn nếu không sẽ có cơ chế để tiếp nối, không để bị đứt quãng.
Ông Mãi cũng nhìn nhận có sự hạn chế trong việc phân cấp cho TP. "Lúc ban đầu tiếp cận theo nghị quyết 54, việc này phân cấp cho TP, nhưng khi làm phải hỏi ý kiến các bộ, mà phải quy lại các quy định của pháp luật. Nên phân cấp thì phải giao điều kiện để thực hiện, đây là vấn đề cốt lõi mà TP sẽ đưa vào nghị quyết thay thế nghị quyết 54 trong thời gian tới", ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, TP sẽ đưa vào cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức và cơ chế cho Trung tâm tài chính vào nghị quyết thay thế nghị quyết 54.
Ông Phan Văn Mãi cho biết vừa rồi bộ trưởng Bộ Nội vụ làm việc với TP có nêu vấn đề chênh lệch biên chế của TP với quy định của trung ương. Thành phố sẽ có báo cáo đầy đủ dựa trên những phân tích từ thực tiễn để có những đề xuất cụ thể, hoàn thiện nửa đầu tháng 7 với tinh thần TP không đòi nhiều nhưng đủ, phù hợp để đảm đương công việc của TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận