Sáng 22-6, kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X đã thông qua hồ sơ quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Làm quy hoạch không quá cầu toàn nhưng không nóng vội
Thông tin thêm về một số vấn đề quan trọng tại quy hoạch TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại hội nghị thẩm định quy hoạch TP.HCM do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12-6, các thành viên hội đồng đã thông qua quy hoạch với 27/27 phiếu đồng ý với điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện.
Cụ thể là có 149 nội dung cần phải giải trình làm rõ đối với hồ sơ trình thẩm định và 18 nội dung đánh giá môi trường chiến lược. UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị tiếp thu, hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tại buổi báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch TP với tinh thần không quá cầu toàn nhưng không nóng vội. Quy hoạch phải đồng bộ với các quy hoạch quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và các quy hoạch của TP.
Ý kiến của đại biểu HĐND TP.HCM về đất tôn giáo, ông Mãi cho biết TP luôn tạo điều kiện đất đai để phát triển cơ sở tôn giáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động tôn giáo. Tương tự các khu chức năng khác, TP sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu kỹ để có điều kiện thực hiện tốt nhất.
Về tăng trưởng trong quy hoạch, TP.HCM xác định giai đoạn 2021-2030, TP.HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP 8,5-9%. Ông Mãi nhìn nhận đây là một thách thức với TP nhưng phải phấn đấu thực hiện, làm nền tảng để TP.HCM đạt tăng trưởng hai con số sau năm 2030.
Để làm được điều này, TP.HCM có kế hoạch thực hiện cụ thể, quyết định danh mục đầu tư trọng điểm, có giải pháp đột phá và bố trí nguồn lực xứng đáng để thực hiện.
Khi làm việc với Chính phủ, TP.HCM cũng đề ra việc cần có thể chế, chính sách phù hợp để TP huy động được các nguồn lực đầu tư phát triển. Đồng thời, TP sẽ tập trung tháo gỡ hiệu quả 9 nhóm điểm nghẽn đã đề ra. Ông Mãi cho rằng có như vậy TP.HCM mới có khả năng tăng trưởng hai con số sau năm 2030.
Phát triển công nghiệp, du lịch phân khúc tạo ra giá trị lớn
Về GDP đầu người, TP.HCM có công thức tính toán, phải đáp ứng được tăng trưởng, kiểm soát dân số và thực hiện các giải pháp đột phá. TP.HCM đặt mục tiêu phải là địa phương đầu tiên thực hiện đạt các chỉ tiêu quốc gia như năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, đến 2045 là nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao.
Về cơ cấu ngành kinh tế, ông Mãi cho biết TP.HCM phấn đấu đưa công nghiệp xây dựng lên 27% và đảm bảo cơ cấu ngành dịch vụ từ 60% trở lên. TP.HCM phát triển dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao, tập trung thực hiện Trung tâm tài chính quốc tế, phát triển công nghiệp văn hóa; công nghiệp công nghệ cao. TP.HCM vẫn xác định phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, nhưng chọn những phân khúc tạo ra giá trị lớn.
Về phân vùng đô thị, bên cạnh việc định hướng phát triển đô thị đa trung tâm, chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Thủ tướng có gợi ý mô hình "thành phố trong làng, làng trong thành phố" đối với TP.HCM.
Ông Mãi cho biết trong từng khu đô thị phải có yếu tố sinh thái. Rộng hơn nữa TP.HCM là đô thị đặc biệt nhưng cũng có vùng đệm nông thôn, đất dự trữ.
"Như thế tư duy thành phố trong làng, làng trong thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và cụ thể trong quy hoạch TP.HCM và quy hoạch chung", ông Mãi nói.
Phải đột phá
Tuy nhiên để thực hiện được các mục tiêu này, TP.HCM phải chọn ra những điểm trọng tâm và đột phá. Trong đó đột phá đầu tiên phải là thể chế, trong đó có thể chế quản trị đô thị lớn như TP.HCM. Đồng thời phải đột phá đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng số.
Còn về hệ thống đường sắt đô thị, hạ tầng khác chậm nhất đến năm 2035 phải đầu tư cơ bản.
Bên cạnh là đột phá thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển một số ngành mới như kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... Ngoài ra là đột phá trong chọn lựa đầu tư và huy động nguồn lực đầu tư.
"Thời gian qua, TP có nhiều cơ chế đặc thù nhưng chúng ta chưa khai thác tốt hết. Như nghị quyết 98 cho chúng ta đi vay tiền đầu tư trả dần, việc này chưa thực hiện đầy đủ, thời gian tới sẽ phát huy cơ chế này", ông Mãi nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có ý kiến TP.HCM phải vượt qua sự e dè hiện nay, có tư duy và tâm thế hành động mạnh mẽ, có sự thay đổi nhiều hơn nữa để TP.HCM luôn là địa phương năng động sáng tạo, tìm cách giải quyết.
Trong hồ sơ quy hoạch, TP.HCM đưa tầm nhìn đến năm 2050 là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người là 385-405 triệu đồng.
Về phương án phát triển các khu chức năng, TP.HCM hình thành khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái, Trung tâm tài chính quốc tế dự kiến bố trí tại trung tâm Thủ Thiêm hoặc Trường Thọ...
Về phương án giao thông, có 4 tuyến cao tốc gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01); cao tốc TP.HCM - Hoa Lư (Bình Phước) (CT.30); cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) (CT.31); cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT.33) và 5 tuyến quốc lộ gồm quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, quốc lộ 50B. Có 3 đường vành đai gồm 2, 3, 4...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận