Ông Nguyễn Quang Thiều nói nếu để mất 1 mùa chữ là mất 9 mùa người - Ảnh: T.ĐIỂU
Một buổi ra mắt sách trang trọng khác thường vừa được Vinabook tổ chức tại Hà Nội ngày 25-3 với sự tham dự của các giáo sư sử học, các nhà văn, nhà thơ có tiếng, các lãnh đạo thư viện tỉnh… nhằm chào mừng Ngày sách Việt Nam (21-4) sắp tới.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ về tầm quan trọng của sách, đọc sách, giáo dục văn hóa, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cho trẻ em.
Ông kể, làng Chùa quê ông (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) có một bức tường chép những câu thơ ca về cuộc sống, trong đó có một câu của những người nông dân làng Chùa: "Mất 1 mùa chữ, mất 9 mùa người".
Ông Thiều giải thích ý nghĩa của câu "danh ngôn" của người nông dân làng Chùa: Nếu chúng ta đánh mất văn hóa trong 1 thời đại thì chúng ta sẽ mất nhân tính trong 9 thế hệ tiếp theo.
Theo ông, đây chỉ là một cách nói mang tính ước lệ nhưng nó cho thấy tính quan trọng, sự nguy hiểm của việc đánh mất văn hóa.
Và nhà thơ đang lo lắng trước việc trẻ em Việt Nam ngày nay được chăm sóc rất tốt về dinh dưỡng nhưng lại không được chăm sóc tốt về tâm hồn.
Buổi sáng ông bắt gặp những đứa trẻ ngồi ăn sáng với những thiết bị di động trong tay, miệng mở ra như một hệ thống điện tử để nuốt thức ăn, nhưng mắt và tâm trí thì dán chặt vào màn hình điện thoại.
Một chuyện đáng suy nghĩ khác, một lần ông đến thăm thành phố Boston (Mỹ), một ngày, một ngôi trường ở đây náo loạn vì tiếng còi báo động do những đứa trẻ phát hiện một tổ chim có những con chim non bị chết vì lý do gì đó. Tiếng còi báo động hôm ấy trở thành tiếng còi báo động trong lòng ông về cách xây dựng nhân cách, nhân tính và tâm hồn cho những đứa trẻ ở Việt Nam.
"Khi một đứa trẻ biết yêu một con chim, một cái cây thì tự khắc nó sẽ yêu một con người", ông Thiều nói.
Nhưng trong khi những trẻ em Mỹ rung còi báo động vì một tổ chim bị chết, ở Việt Nam, như báo chí đưa tin vài năm trước, trẻ em được một cô giáo giảng bài về phép tính trừ bằng cách đưa bàn tay xòe 5 ngón lên và nói nếu cắt đi 1 ngón tay thì bàn tay còn bao nhiêu ngón.
"Một bài học báo động kinh hoàng về sự vô cảm, phi nhân tính, phi mỹ học được truyền dạy cho những đứa trẻ. Trẻ lớn lên với những bài toán, bài văn như vậy thì chúng sẽ trở thành những đứa trẻ ghê gớm", chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.
Một chuyện khác, hơn 20 năm trước, ông cùng một nhóm sinh viên làm khảo sát để xem trong các gia đình Việt Nam đang nói ngôn ngữ gì thì thấy 90% những đứa trẻ lớn lên trong ngôn ngữ thực dụng của ông bà, cha mẹ, anh chị chúng chứ không phải lớn lên trong thứ ngôn ngữ của tâm hồn. Trong những ngôi nhà, cha mẹ, ông bà chỉ nói chuyện buôn bán, được thua, tranh chấp, quyền chức.
Ông Thiều cho rằng những đứa trẻ sống trong toàn bộ ngôn ngữ thực dụng ấy để lớn lên thì tinh thần thực dụng ấy ngấm vào tâm hồn chúng, khi bước ra đời chúng sẽ hành động theo ngôn ngữ thực dụng đó.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói các bà mẹ Việt Nam là những nhà dinh dưỡng xuất sắc của thế giới, họ dựng lên một thực đơn rất tốt cho thân xác của con em họ nhưng hầu như rất ít người biết làm thực đơn cho con xem gì, nghe gì, nói gì… để nuôi dưỡng tâm hồn cho con mình.
Khẳng định nhiệm vụ đầu tư trí tuệ và tâm hồn cho trẻ nhỏ là rất quan trọng, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói việc in sách, viết sách, đọc sách, truyền bá về sách mang ý nghĩa văn hóa rất lớn.
Nhắc lại câu "danh ngôn" trên bức tường làng Chùa, ông Thiều nói: "Nếu chúng ta làm mất văn hóa 1 mùa thì chúng ta sẽ không thể gặt được mùa người trong 9 thế hệ tiếp theo".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận