Ổng Nguyễn Quang Thiều chia sẻ các nhà văn càng cần phải là những người biết hướng tới sự cảm thông, chia sẻ, tha thứ, thấu hiểu - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong bài phát biểu, ông Thiều cho biết ngay sau khi đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã lập hộp thư điện tử riêng của chủ tịch hội, chuyên nhận các góp ý, phê bình với cá nhân chủ tịch hội và ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam để từng bước lắng nghe, điều chỉnh hoạt động cho tốt hơn.
Tới nay ông đã nhận gần 300 thư. Trong đó có ý kiến phê phán, dạy dỗ, bảo ban, thậm chí nổi giận với ông nhưng ông vẫn lắng nghe nghiêm túc, chân thành. Ông Thiều gửi lời cảm ơn những hội viên đã viết thư cho ông dù để chia sẻ, động viên hay góp ý phê phán, nổi giận.
Ông nói mình đã 65 tuổi nhưng mới là "cậu bé 1 tuổi đầy khiếm khuyết" với tư cách là chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy "1 tuổi và đầy khiếm khuyết" nhưng "cậu bé ấy đã bắt đầu những bước đi đầu tiên trên mảnh đất của Tổ quốc mình, biết lắng nghe, rung động, biết ơn và biết khát vọng".
Về trường hợp quyết định kết nạp Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội Nhà văn Việt Nam trước đó gây phản ứng gay gắt trong một số hội viên, ông Thiều khẳng định các hội đồng chuyên môn và ban chấp hành hội khi bỏ phiếu kết nạp hội viên mới đã làm việc với sự nghiêm túc, chân thực và đặt vấn đề chuyên môn cao nhất, dựa trên điều lệ, quy chế, sự quyết định tập thể.
Việc Nguyễn Hữu Hồng Minh bị phản ứng do bài thơ Lỗ thủng lịch sử viết từ 19 năm trước, thực ra chính ông cũng từng phản đối bài thơ đó. "Nhưng 19 năm đã trôi qua, một phần đời quan trọng của đời người đã trôi qua. Quá khứ không bao giờ quên nhưng không lấy đó để làm thành những vấn đề của hiện tại" - ông Thiều nói.
Vì vậy mà hội đồng văn xuôi đã bỏ phiếu gần như 100% cho Nguyễn Hữu Hồng Minh, sau đó là ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam bỏ phiếu.
Một số nhà văn được kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông nói thêm, nếu chỉ soi nhìn quá khứ thì đất nước ta ngày nay không thể kết nối được với kẻ thù từng xâm lược, giết hại nhân dân ta. Các nhà văn lại càng cần là những người biết hướng tới sự cảm thông, chia sẻ, tha thứ, thấu hiểu.
Ông Thiều cho rằng câu chuyện kết nạp hội viên lần này khiến các nhà văn phải suy nghĩ nhiều hơn, không phải chuyện kết nạp một người vào hay không mà câu chuyện làm sao các nhà văn tìm được sự đồng thuận tốt nhất, sự chia sẻ, để đánh giá tốt nhất một con người đã làm được trong hiện tại và tương lai.
Phát biểu tại buổi lễ, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tạo điều kiện để các cây viết trẻ phát huy tài năng, các nhà văn phải đi đầu trong hội nhập với quốc tế để quảng bá hình ảnh nước Việt Nam giàu có về văn hóa để bạn bè thế giới hiểu, yêu, tin tưởng Việt Nam hơn.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (bìa trái) và ông Nguyễn Quang Thiều (bìa phải) trao giải cho các tác giả, dịch giả, nhà phê bình nhận giải thưởng Hội Nhà văn năm 2021 - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà văn Lê Văn Nghĩa được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam
Tại buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng hằng năm cho tác phẩm Một ví dụ xoàng của Nguyễn Bình Phương (hạng mục văn xuôi), tác phẩm lý luận phê bình của tác giả Trương Đăng Dung có tên Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa, tác phẩm dịch Châu Phi nghìn trùng cho dịch giả Hà Thế Giang.
Hạng mục văn học thiếu nhi được trao cho tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Ngoài ra, năm nay hội còn trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng cho nhà thơ Mai Hường và Huệ Triệu ở TP.HCM vì những hoạt động thiện nguyện của các chị khi TP.HCM căng mình chống dịch giữa năm 2021. Sáng 21-2, chủ tịch hội Nguyễn Quang Thiều sẽ vào TP.HCM để trao giải cho hai nữ nhà thơ và gia đình cố nhà văn Lê Văn Nghĩa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận