23/02/2017 21:41 GMT+7

Chủ tịch hiệp hội vận tải: 'Taxi bị trói, Uber, Grab được thả lỏng'

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam ví von như vậy giữa điều kiện kinh doanh của taxi và xe sử dụng ứng dụng Uber, Grab.

Các doanh nghiệp taxi cho rằng taxi truyền thống bị trói chặt, còn xe Uber, Grap lại thả lỏng - Ảnh: Nam Trần
Các doanh nghiệp taxi cho rằng taxi bị trói chặt... - Ảnh: Nam Trần

Tại hội thảo "Đổi mới quản lý hoạt động taxi đảm bảo công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi của hành khách đi taxi" do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức ngày 23-2, nhiều doanh nghiệp taxi khẳng định xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab có cách thức hoạt động tương đồng với taxi, nhưng taxi bị quản lý quá chặt, còn xe Uber, Grab không bị kiểm soát.

Tính thuế thiếu công bằng?

Theo ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM, từ năm 2010 tới nay, số lượng taxi bị khống chế ở mức 11.000 xe nhưng cơ quan chức năng lại cấp phù hiệu xe hợp đồng cho trên 20.000 xe từ 9 chỗ trở xuống, phần lớn những xe này sử dụng ứng dụng Uber, Grab để kinh doanh. Vì vậy, năm 2016 sản lượng, doanh thu của taxi ở TP.HCM giảm từ 10% trở lên.

Theo các hiệp hội taxi, taxi phải gánh nhiều loại thuế, phí, có hai loại thuế khá cao là VAT 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.

Hiện nay, Công ty Uber hưởng 20% doanh thu của một chuyến đi, đối tác sử dụng ứng dụng Uber chở khách hưởng 80% doanh thu.

Vì vậy, Bộ Tài chính áp thuế VAT 3% doanh thu mà Uber được hưởng tại Việt Nam thì mức thuế Uber phải nộp chỉ là 0,6% so với tổng doanh thu chung.  

Còn đối tác sử dụng ứng dụng Uber cũng áp thuế VAT là 3% thì chỉ nộp thuế VAT bằng 2,4% trên tổng doanh thu chung.

“Cách tính thuế trên không chỉ thiếu công bằng giữa taxi và Uber mà còn gây thất thu cho ngành thuế.

Năm 2016, doanh nghiệp taxi ở TP.HCM nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng thuế, phí. Với cách tính trên dành cho Uber, liệu Nhà nước thu được bao nhiêu tiền thuế? Trên thực tế, tổng số xe hoạt động Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi?"- ông Hỷ đặt câu hỏi và kiến nghị nên áp thuế VAT cho doanh nghiệp kinh doanh xe hợp đồng Uber, Grab 5%. 

Taxi bị trói chân trong cuộc chiến không cân sức

Dẫn chứng về taxi phải chịu cảnh trói chặt bởi các điều kiện kinh doanh, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết taxi đang phải tuân thủ 13 điều kiện ngặt nghèo như: bãi đỗ, giấy phép tần số, logo, bảng giá, đồng phục, chứng chỉ tập huấn, bảo hiểm xã hội, khống chế số lượng từ năm 2011 tới nay, không được đi vào đường cấm, niên hạn xe taxi chỉ được 8 năm…

​Trong khi đó, xe chở khách dùng ứng dụng Uber, Grab không cần bất cứ điều kiện ràng buộc gì và tùy ý gia tăng số lượng. Taxi bị kiểm soát giá cước nhưng xe Uber, Grab lại không bị quản lý, tùy ý tăng giá vào giờ cao điểm. 

Theo ông Bình, như vậy vô hình trung cơ quan quản lý nhà nước hạn chế hoạt động kinh doanh của taxi nhưng lại buông lỏng với xe Uber, Grab.

Ông Bình đề nghị xe Uber và Grab cần phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi. Đồng thời tạm dừng đề án thí điểm loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử như đang thực hiện với Grab để đánh giá lại.

Theo ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt (Vinasun Corp), về bản chất Uber, Grab giống như taxi.

Uber và Grab quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giá bán, quyết định thực hiện chương trình khuyến mại cho khách hàng chứ không phải là chủ xe sử dụng các ứng dụng Uber, Grab. Như vậy, Uber và Grab thực chất là một công ty kinh doanh điều hành taxi thông qua việc nhượng quyền thương mại cho các cá nhân tham gia trên cơ sở kết nối khách hàng thông qua smartphone.

Nhưng với danh nghĩa công ty công nghệ, Uber, Grab đã lách luật hiện hành để giành nhiều lợi thế mà taxi bị trói chân trong cuộc chiến không cân sức. 

Xem xét truy thu thuế với Uber, Grab

Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết sẽ tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp để báo cáo với Chính phủ, các bộ ngành liên quan.

Ông Thanh đề nghị quản lý vận tải với loại hình xe hợp đồng Uber, Grab cũng phải được đăng ký và chấp thuận kinh doanh vận tải. Phải cấp phù hiệu và có logo, tên, địa chỉ doanh nghiệp dán ở hai bên cửa xe đúng như xe kinh doanh theo quy định về xe hợp đồng.

Ông Thanh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp taxi cũng phải áp dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí, nâng chất lượng dịch vụ và đưa ra giá cước hợp lý để cạnh tranh trong xu thế mới.

Theo ông Thanh, Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam sẽ làm việc với Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính xem cách tính thuế Uber. Ông cho rằng Nhà nước thất thu rất lớn với loại hình xe hợp đồng Uber, Grab.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên