Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Văn Thiều - chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết tăng trưởng kinh tế của tỉnh sáu tháng đầu năm vẫn tiếp tục phát triển khá, tốc độ tăng trưởng đạt 6,93%, đứng thứ 3/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong những năm qua, Bạc Liêu thường xuyên đứng trong nhóm ba địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của vùng.
Vượt khó từ hạ tầng với "bốn không"
Thưa ông, tại các diễn đàn ông thường nói Bạc Liêu gặp bất lợi với "bốn không", nhờ đâu tỉnh luôn có những bước phát triển ấn tượng bất chấp những bất lợi này?
Bạc Liêu rất thiếu về mặt hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với "bốn không" (không cảng biển, không sân bay, không đường sắt, không đường cao tốc).
Đường bộ cao tốc mà Chính phủ đang triển khai cũng chỉ đi qua địa bàn tỉnh vỏn vẹn 7km và nằm sâu ở huyện Hồng Dân, cách trung tâm TP Bạc Liêu 40km.
Rõ ràng khi không có đường cao tốc thì việc phát triển các khu công nghiệp là khó khăn, các doanh nghiệp muốn đến Bạc Liêu đầu tư mà "bốn không" như trên thì khó, chưa kể chi phí logistics cũng cao hơn so với các tỉnh khác.
Dù khó khăn như thế nhưng lãnh đạo tỉnh xác định không than vãn cái khó nữa mà phải tìm ra giải pháp bứt phá ở lĩnh vực khác tỉnh có lợi thế bù vào.
Vì vậy tỉnh xác định đi lên từ năm trụ cột là thế mạnh của tỉnh mình gồm: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm chủ lực là con tôm, lúa gạo; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện khí); phát triển du lịch; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh.
Ông có thể nói rõ hơn về những trụ cột này, đâu là lĩnh vực ưu tiên của tỉnh?
Từ đầu nhiệm kỳ này, chúng tôi xác định tiếp tục phát triển kinh tế xã hội của tỉnh dựa trên năm trụ cột, và có giải pháp cho từng trụ cột.
Nhưng nguồn lực cho thực hiện cùng một lúc năm trụ cột thì không đảm bảo nổi, nên chúng tôi xác định ưu tiên phát triển trụ cột về năng lượng tái tạo, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia; tiếp đến là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hai trụ cột này chúng tôi sẽ phát huy mạnh mẽ.
Sở dĩ tỉnh dồn lực cho hai trụ cột đầu tiên này vì chúng tôi xác định không làm dàn trải, mà có trọng tâm trọng điểm và đây cũng là hai lĩnh vực đóng góp rất lớn cho ngân sách và góp phần vào tăng trưởng bền vững của Bạc Liêu thời gian qua và sắp tới.
Sẽ thay “tư lệnh” sở, ngành nếu không biến chuyển về PCI
Dù có những bước phát triển ấn tượng nhưng Bạc Liêu cũng đang là địa phương thuộc nhóm cuối bảng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
Năm 2020 Bạc Liêu đứng 63/63 về PCI, đến năm 2021 đứng thứ 55/63, nhưng tới năm 2022 lại tụt đứng 61/63. Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo, thành lập tổ công tác để làm việc với các ngành, các lĩnh vực có liên quan chỉ số thấp, từ nay đến cuối năm 2023 phải có chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên, tôi cũng xin lưu ý chỉ số PCI không đánh đồng với môi trường đầu tư. Khi anh phát phiếu cho doanh nghiệp họ có quan tâm hay không? Nếu người ta quan tâm thật sự thì đánh giá đúng, còn để đánh giá cho qua chuyện, cho rồi thì họ giao cho thư ký hoặc người phụ trách đánh giá.
Mà phiếu này rất khó, mình là cán bộ công chức nhìn vào còn khó đánh giá, nếu doanh nghiệp không hiểu về tình hình chính trị, kinh tế thì không bao giờ đánh giá đúng được.
Vì vậy, tôi nói với các cán bộ của tỉnh là chúng ta đừng nghĩ chủ quan đánh giá môi trường đầu tư của mình bằng chỉ số PCI như vậy rồi buồn, không có động lực thì không được.
Đây là sân chơi, quan trọng nhất là môi trường đầu tư có thật sự chuyển biến hay không, có thu hút được doanh nghiệp hay không.
Các doanh nghiệp đến đầu tư tại Bạc Liêu đã chứng minh điều đó. Doanh nghiệp muốn đầu tư thì cứ đến gặp doanh nghiệp đã đầu tư tại Bạc Liêu thì sẽ rõ.
Tôi lấy ví dụ năm 2021 trong khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra phức tạp như thế, vì sao 7 nhà máy điện gió vẫn thi công, đưa vào hoạt động đúng thời hạn trước 31-11-2021 để hưởng giá FIT của Chính phủ? Không có nhà máy nào bị bỏ lại, chứng tỏ môi trường đầu tư Bạc Liêu tốt. Trong lúc khó khăn, chính quyền vẫn tạo điều kiện vừa làm vừa phòng chống dịch.
Vậy tỉnh sẽ làm gì để cải thiện những vấn đề này trong thời gian tới, thưa ông?
Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tôi đã chỉ đạo đối với các ngành có liên quan tới chỉ số thành phần thấp, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lĩnh vực đó.
Nếu chỉ số không cải thiện sẽ làm việc với ngành, thậm chí giám đốc sở ngành không quyết liệt thì giám đốc sẽ bị điều chuyển công tác.
Chúng tôi quyết liệt làm để tăng thứ hạng vào nhóm 30 - 40, chứ không tham vọng đứng trong top 10 cả nước bởi mình chạy thì người ta cũng chạy mà xuất phát điểm của tỉnh lại thấp.
Bài học lắng nghe nhân dân
Một trong những dấu ấn nhiệm kỳ này của ông là tỉnh Bạc Liêu đã xử lý được nhà nằm chắn ngang đường Võ Văn Kiệt ở trung tâm TP Bạc Liêu tồn tại trong suốt 4 nhiệm kỳ (20 năm) khiến dư luận bức xúc?
Khi xem xét các vụ giải phóng mặt bằng khó khăn toàn tỉnh, chúng tôi có ngồi lại xem xét kỹ việc hai hộ dân có nhà nằm chắn ngang đường vì sao giải phóng mặt bằng không được thì thấy có lỗi do cơ quan nhà nước. Ở đây là thu hồi đất sai vị trí, sai thửa, nên cưỡng chế không được.
Đặc biệt, trước đây tỉnh thu hồi cả diện tích, hộ ông Đỗ Thành Hưng đòi cả trăm tỉ đồng thì tiền đâu mà bồi thường? Nay tôi xem kỹ lại thấy rằng chỉ cần giải phóng một phần để làm đường, phần còn lại không cần thu hồi mà giao cho ông Hưng sử dụng.
Sai thì chính quyền sửa, không thu hồi hết diện tích đất mà chỉ giải phóng mặt bằng làm đường, còn lại hộ ông Hưng được tái định cư tại chỗ, chính quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vậy nên vụ việc được giải quyết theo hướng nhẹ nhàng, ông Hưng đồng ý tự tháo dỡ nhà và công trình, bàn giao mặt bằng để làm đường.
Còn hộ dân còn lại, chúng tôi sẽ làm, cố gắng giải quyết trong tháng 9 này. Hộ này phải thu hồi hết diện tích và phải bồi thường với giá mới, tạo điều kiện cho dân, thu hồi đất ở thời điểm nào thì bồi thường theo giá thời điểm đó để có lợi cho dân.
Vậy bài học rút ra cho chính quyền từ vụ việc này là gì, thưa ông?
Qua hai vụ việc này tôi nhận thấy khâu giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng nên phải làm thận trọng, phải làm đúng quy định, chặt chẽ, nhất là khâu kiểm đếm và ra các quyết định thu hồi đất phải cho đúng người, đúng tên hộ, đúng vị trí.
Khi có vấn đề khó khăn xảy ra, đích thân người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, của thành phố phải tham gia, nghiên cứu giải quyết sớm, nếu đúng ý rồi thì người ta sẽ chấp hành tốt thôi. Mình tuyên truyền, thuyết phục có lý, có tình thì người ta sẽ chấp hành tốt.
Bài học sâu xa là không bỏ cuộc, phải kiên trì lắng nghe dân, khi càng khó khăn thì lãnh đạo tỉnh phải tỉnh táo, càng phải quyết liệt mới giải quyết được.
Sẽ tổ chức Festival muối Bạc Liêu
Thưa ông, vừa qua tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã đặt vấn đề nghề muối của Bạc Liêu rất có tiềm năng, nhưng chưa có giải pháp để phát triển, vì thế đời sống của diêm dân còn rất khó khăn?
Nghề làm muối Bạc Liêu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm, quyết định đầu tư 100 tỉ đồng xây dựng hạ tầng vùng muối.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đề án phát triển muối Bạc Liêu trong thời gian tới để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào đây.
Với đề án này, chúng tôi định hướng vừa phát triển du lịch từ nghề muối, vừa khai thác muối Bạc Liêu, làm sao cho bà con diêm dân sống được bằng nghề muối.
Ngoài ra còn có chính sách tín dụng, sẽ quy hoạch vùng muối ở Bạc Liêu một cách bài bản đa dạng sản phẩm và kết hợp du lịch.
Dự kiến từ nay tới cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 sẽ tổ chức Festival muối. Qua Festival muối sẽ tuyên truyền, quảng bá thương mại về muối nhiều hơn để người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước biết muối giá trị thế nào, muối không chỉ dừng lại ở gia vị cho bữa ăn mà còn có muối trị bệnh... Có đề án và làm bài bản, tôi nghĩ muối Bạc Liêu sẽ phát triển và diêm dân sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận