Câu chuyện khi được chia sẻ trên mạng xã hội mới đây lập tức thu hút sự chú ý của nhiều người.
Do vợ tham lam hay tại chồng ích kỷ?
Cô gái chia sẻ cặp đôi kết hôn được hơn 2 năm. Cô ở nhà chăm con vì chồng mở công ty riêng. Vài tháng trước, họ bàn chuyện mua nhà. Cô vô tình nghe được cuộc điện thoại của chồng nhờ ba chồng đứng tên.
"Tôi không dám nói gì, vì nghĩ đó là tiền anh ấy làm ra, muốn để ba mẹ ảnh vui thì để ba đứng tên cũng không sao. Tôi tự trấn an như vậy".
Tuy nhiên, cô gái sụp đổ khi phát hiện anh chồng đang làm theo tư vấn của bạn bè, để ba mẹ đứng tên nhà rồi sang tên cho anh theo cách cho riêng. Như vậy tài sản sẽ không dính líu đến người vợ dù đang trong thời kỳ hôn nhân.
Đến lúc này, cô làm ầm lên, và chuyện mua nhà hoãn lại. Vợ khóc, anh chồng cũng xin lỗi dỗ dành và... dắt cô đi mua quà để tạ lỗi. Còn cô gái không hết buồn và không quên được cách cư xử của chồng.
Có nhiều ý kiến đưa ra, đa số cho rằng suy nghĩ và hành động của người chồng quá ích kỷ, tính toán với vợ khi nghe lời bạn xúi giục, lén lút nhờ ba ruột đứng tên rồi sang lại cho anh theo diện cha mẹ tặng riêng tài sản cho con. Như vậy, nếu thành công, căn nhà mà hai vợ chồng dự định mua sẽ được coi là tài sản riêng của chồng dù được mua trong thời kỳ hôn nhân.
Đến nay, cái quan trọng nhất là chồng có dẫn đi mua nhà và cùng đứng tên hai vợ chồng hay không thì… chưa biết.
"Con cái là của chung, mà tài sản có được sau khi kết hôn lại đòi độc lập", một cư dân mạng ngán ngẩm.
Một số ý kiến khác thì cho rằng người vợ đang tham lam, muốn giành tài sản trong khi cô không đóng góp gì, tiền mua nhà là công sức lao động của chồng kiếm ra, muốn dùng thế nào thì tùy ý.
Nên thỏa thuận rõ khi lập quỹ chung và riêng
Ông bà xưa có câu "của chồng, công vợ". Trong đời sống hôn nhân, cả hai vợ chồng đều có trách nhiệm đóng góp, bằng cách này hoặc cách khác.
Trường hợp này, cô vợ dù không đi làm nhưng đã góp sức bằng việc ở nhà chăm con, nội trợ, quán xuyến nhà cửa, không thể nói là chẳng đóng góp gì, chỉ đợi chồng nuôi.
Đồng cảm với người vợ trong bài, một cô vợ khác chua chát kể lại trường hợp của mình. Sau khi kết hôn, chồng cô khởi nghiệp và thất bại nhiều lần trước khi gây dựng được một công ty có thu nhập đủ xoay xở. Bản thân cô ở nhà chăm con và trở lại đi làm khi con hai tuổi. Rồi dịch bệnh ập đến, cộng thêm con vào lớp 1 gặp một số vấn đề nên cô phải nghỉ làm, ở nhà với con.
Cuối năm ngoái, cô dự định sau Tết đi làm lại thì vợ chồng trục trặc và quyết định ly hôn. Tài sản chung gồm một căn chung cư cả nhà đang ở, một ô tô. Ngoài ra, người chồng giấu vợ để hùn với anh chị ruột mua vài mảnh đất nhưng anh không đứng tên.
Anh này còn giúp anh rể trả nợ cờ bạc vài trăm triệu và không đòi lại. Quá trình chung sống, người vợ cũng đóng góp 100 triệu đồng tiền riêng để phụ chồng góp vào tiền xây nhà ở quê cho ba mẹ chồng.
Đến khi ly hôn, người vợ nuôi con, còn chồng cô từ chối chia đôi tất cả tài sản, chỉ chia gần một nửa giá trị căn chung cư.
"Chồng mình bảo tiền toàn là anh ấy kiếm, chứ mình có đi làm mấy đâu. Rồi bảo là đất đai anh ấy không đứng tên nên có ra tòa mình cũng không được chia.
Mình biết là nếu muốn tranh giành thì có thể thuê luật sư làm việc, mà cảm thấy quá thất vọng về con người ấy. Trả nợ cho kẻ cờ bạc thì không tiếc, nhưng với vợ con thì tính toán thiệt hơn như vậy", người vợ chia sẻ.
Từ câu chuyện trong bài, không ít ý kiến nhận định cả hai vợ chồng đều có thể có quỹ riêng và quỹ chung, những tài sản nào sẽ thuộc tài sản chung, tùy thỏa thuận mỗi nhà.
Tuy nhiên, trước khi quyết định kết hôn, kế hoạch chi tiêu, quản lý tài chính, việc nhà và chăm sóc con cái sẽ phân chia thế nào nên được cả hai bàn bạc rõ ràng. Thậm chí có thể lập tờ cam kết để tăng độ chắc chắn, cũng như phòng rủi ro cho đôi bên.
Bạn nghĩ sao về tình trạng vợ/chồng nhờ ba mẹ, anh chị đứng tên giúp tài sản nhằm mục đích không phải chia nếu vợ chồng ly hôn? Vợ/chồng có nên lập quỹ riêng mà không cho người kia biết? Chuyện vợ/chồng ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con cái để nửa kia yên tâm lo kinh tế gia đình có nên được tính công lao, thậm chí tính lương?
Mời bạn chia sẻ câu chuyện, lời khuyên về hòm mail hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận