Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (thứ tư từ trái sang) và các chuyên gia thăm trạm y tế ở tỉnh Quảng Ngãi nhân ngày mở đầu tháng tiêm chủng năm 2017 Ảnh: Thúy Anh |
Cách đây vài tháng, có một đồng nghiệp hỏi tôi về nhận định đối với việc nên hay không nên tiêm văcxin. Sẽ không có gì lạ nếu như đồng nghiệp đó không làm trong ngạch y tế dự phòng vì tôi đã quá quen với những câu hỏi như vậy.
Lần này, một đồng nghiệp làm dự phòng đã có kinh nghiệm trên 5 năm lại cảm thấy so đo trong việc đưa con đi tiêm hay tư vấn tiêm văcxin cho trẻ khác, và tất cả cũng là vì đọc được những thông tin trên các trang diễn đàn mạng về anti văcxin (chống tiêm văcxin).
Anti văcxin và hàng ngàn trẻ tử vong
Thực ra, khái niệm anti văcxin không mới, từ năm 1998, tiến sĩ Andrew Wakefield cùng đồng nghiệp đã xuất bản trên tạp chí The Lancet một bài báo cho rằng văcxin phòng bệnh sởi có khả năng gây ra rối loạn phát triển ở trẻ, mà hậu quả cuối cùng là chứng tự kỷ. Sau đó, ông này tiếp tục cho đăng bài báo thứ hai vào năm 2002 khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa văcxin sởi và tự kỷ.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nhanh chóng tập trung nghiên cứu, hơn ngàn công trình khoa học được thực hiện đều bác bỏ nội dung hai bài báo này.
Vậy nhưng, một số trang mạng vẫn tiếp tục thổi phồng quan điểm của Wakefield. Không ít bậc cha mẹ đặt niềm tin vào đó, họ sợ hãi văcxin phòng sởi. Khắp nước Anh, tỉ lệ tiêm chủng giảm đột ngột, bệnh sởi tự nhiên tăng vọt, dịch chính thức bùng phát từ năm 2004, đỉnh điểm vào năm 2012.
Phong trào phản đối văcxin được nhân rộng, như đã xảy ra ở nước Mỹ. Siêu mẫu, diễn viên, người dẫn chương trình nổi tiếng Jenny McCarthy có con trai mắc chứng tự kỷ được phát hiện từ năm 2005. Jenny cũng cho rằng chính văcxin sởi là thủ phạm, nên năm 2007 cô đã phát động chiến dịch truyền thông tẩy chay tiêm phòng.
Nhiều bậc phụ huynh đã nghe theo Jenny McCarthy. Hậu quả là dịch sởi sau nhiều năm vắng bóng ở Mỹ đã bắt đầu quay trở lại. Đến năm 2010 thì dịch bùng phát và tăng gấp 3 lần vào năm 2013. Con số 128.044 trẻ mắc bệnh sởi và 1.336 trẻ tử vong khắp nước Mỹ đã thức tỉnh Jenny McCarthy, để cô phải đính chính lại tất cả những sai lầm mà chính cô gây ra.
Con voi bị nhét vừa lỗ kim
Đã có một tổng kết về phản ứng của xã hội đối với vấn đề của văcxin. Theo đó, khi bệnh còn lan tràn, người ta quan tâm nhiều đến gánh nặng bệnh tật và tỉ lệ tiêm chủng tăng rất cao, nhưng khi bệnh đã giảm đến mức rất thấp mà chưa đạt mức thanh toán, người ta quan tâm nhiều đến phản ứng sau tiêm, kể cả phản ứng do bản chất văcxin hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
Khi đó phong trào phản đối văcxin sẽ làm tỉ lệ tiêm giảm và kéo theo đó là dịch bệnh. Chỉ khi dịch bệnh quay lại thì phong trào phản đối văcxin tự nó sẽ xẹp xuống, nhường chỗ cho những nỗ lực nâng cao tỉ lệ và chất lượng tiêm chủng đến khi bệnh được loại trừ hoàn toàn và không phải dùng văcxin đó nữa.
Gần đây, sau khi các vụ dịch đã lắng xuống, anti văcxin lại có chỗ để trỗi dậy. Người ta dễ quên những thành tựu mà tiêm chủng mang lại như thanh toán bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005, giảm số mắc sởi 3.010 lần, giảm số mắc ho gà 844 lần, giảm số mắc bạch hầu 410 lần... để hùa vào nói xấu văcxin và tiêm chủng.
Điều này khiến tôi nghĩ nhiều đến hình ảnh một con voi (thành tựu của tiêm chủng) bị nhét vừa một lỗ kim (một vài phản ứng lẻ tẻ khi sử dụng văcxin).
Một điều nữa là sự ngây ngô và tâm lý đám đông mỗi khi bàn luận về các khía cạnh xấu (nghĩ là xấu) của một vấn đề. Những quan điểm mang hướng bảo vệ cho văcxin và tiêm chủng mở rộng nhanh chóng bị nhấn chìm trong những câu mạt sát, chửi bới.
Trong một số trường hợp, họ đưa ra những lập luận “rất khoa học” với minh chứng rõ ràng là các công trình đăng tải trên tạp chí uy tín, như trường hợp năm 2016, tạp chí Frontiers in Public Health đã cho đăng công trình nghiên cứu của tác giả Anthony R. Mawson, đề cập mối liên quan giữa tiêm chủng và dị ứng, cùng các rối loạn về tăng trưởng thần kinh.
Dù bài báo này đã được gỡ xuống bởi sai lầm trong cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu nhưng nó vẫn được dùng như một chiêu bài chứng minh cho sự không an toàn của văcxin. Và các bà mẹ tiếp tục chuyền tay nhau với những khẳng định “chắc như đinh” là chuyên gia này, giáo sư kia đã thừa nhận để cộng đồng chung tay phản đối văcxin và ủng hộ khuynh hướng sống tự nhiên của họ.
Trẻ em phải được tiêm chủng
Trong một lần trả lời trên truyền hình, tôi cũng đã nhấn mạnh, khuynh hướng tự nhiên không cần văcxin và tiêm chủng sẽ may mắn nếu như dịch bệnh đã hoàn toàn được khống chế hoặc được một cộng đồng lớn với miễn dịch bảo vệ vây quanh. Đứa trẻ tự nhiên đó sẽ vô hình trung được bảo vệ.
Nhưng hãy nghĩ, khi không có miễn dịch cộng đồng như vậy, những trẻ không được bảo vệ sẽ trực tiếp gặp nguy cơ phơi nhiễm với bệnh. Khi ấy, dịch lan rộng kèm theo hàng trăm trẻ tử vong như những gì ta thấy trong vụ dịch sởi năm 2014 sẽ là bài học đắt giá cho những bà mẹ vẫn còn mơ mộng về sống thuận theo tự nhiên và tẩy chay tiêm chủng.
Theo luật các bệnh truyền nhiễm đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, mọi trẻ em đều phải được tiêm chủng phòng bệnh, bởi không chỉ phòng cho bản thân mà còn phòng cho cả cộng đồng, phòng cho những trẻ không thể có cơ hội tiêm chủng do mắc các bệnh tự miễn, không đủ sức khỏe để tiêm văcxin.
Về nguyên tắc, mọi người có quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm văcxin, nhưng nhiều nơi như tỉnh Hòa Bình đã làm được việc là chỉ khi có xác nhận tiêm chủng đầy đủ thì trẻ mới được đi học. Điều này đảm bảo sự an toàn cho trẻ vì môi trường học đường là môi trường tập trung rất dễ cho dịch bệnh bùng phát.
Các nước tiên tiến trên thế giới đã vượt xa chúng ta hàng trăm năm về công nghệ, phong trào chống văcxin cũng có trước chúng ta nhiều thập kỷ, nhưng tại đó họ đã được thực tế chứng minh về tác hại của việc anti văcxin. Hãy để những đứa trẻ chưa được bảo vệ bằng văcxin ở nhà, tránh xa trường học và những nơi có hoạt động công cộng là những gì đa số người Mỹ quan niệm.
Có người đã nói những đứa trẻ mất đi trong vụ dịch sởi năm 2014 cảnh tỉnh chúng ta hiểu đúng về anti văcxin và góp phần nâng cao lại tỉ lệ tiêm chủng có xu hướng xuống dốc, những đứa trẻ đó hi sinh không vô ích. Chúng tôi không muốn dịch lại xảy ra và cướp đi sinh mạng những đứa bé vô tội như vậy. Mỗi chúng ta hãy có trách nhiệm hơn với những phát ngôn, những sự tham gia vô ý thức vào những diễn đàn đi ngược lại xu hướng toàn cầu |
Ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế): Không có quy định phạt... Trào lưu chống văcxin là một trào lưu nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến những thành quả như thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và nỗ lực tiến đến loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam. Ở một số quốc gia, trẻ chưa tiêm chủng thì không được vào học trường công. Ở Việt Nam tiêm chủng là bắt buộc và nghị định về tiêm chủng cũng yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng trước khi trẻ vào mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, Việt Nam không có quy định phạt nếu gia đình không cho trẻ đi tiêm chủng, mà coi đây là một chương trình y tế công cộng nhiều ý nghĩa và vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, nhằm bảo vệ trẻ khỏi bị lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang lưu hành ở Việt Nam cũng như toàn cầu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận