Phóng to |
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, để chống thất thu thuế, ngành thuế và hải quan phải chống quyết liệt ngay từ bên trong nội bộ - Ảnh: Thuận Thắng |
Đánh giá thực trạng vi phạm về thuế và hải quan, tại hội nghị tổng kết mới đây giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết tỉ lệ này khá cao và đang có xu thế phát triển ở nhiều lĩnh vực. Theo ông Tuấn, số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hiện nay vào khoảng 480.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp thường xuyên có doanh số kê khai thuế chỉ khoảng 390.000 đơn vị. Như vậy, khoảng 50.000 - 55.000 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động. Đây cũng là nhóm có rủi ro, gây thất thu ngân sách rất lớn.
125 doanh nghiệp chuyển giá Hiện nay, theo ông Tuấn, Tổng cục Thuế vừa kết thúc công tác thanh tra rà soát nhằm chống chuyển giá tại 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, ngành thuế đã phát hiện 125 đơn vị có hoạt động chuyển giá. Như vậy, tỉ lệ vi phạm là rất cao. Có những doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lỗ gần 900 tỉ đồng. Trong khi đó, số thu ngân sách đến thời điểm này 10 tháng ước đạt 618.290 tỉ đồng, chỉ bằng 75,8% dự toán. Trong đó, hai nguồn thu chính là thu nội địa ước đạt 406.050 tỉ đồng, bằng 74,4% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 115.160 tỉ đồng, bằng 69,2% dự toán. |
Ông Tuấn dẫn chứng: “Qua quá trình thanh tra, kiểm tra ở cơ quan thuế, mỗi năm chúng tôi mới thanh tra, kiểm tra được 20%, tương đương 11.000-12.000 doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2012, cơ quan thuế đã truy thu cho ngân sách tới 12.600 tỉ đồng, còn chín tháng đầu năm nay là 8.500 tỉ đồng. Tỉ lệ như vậy là rất cao, rất đáng lo ngại”.
Nguyên nhân của tình hình nêu trên, theo ông Tuấn, là do một bộ phận doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của chính sách khuyến khích đầu tư, thành lập doanh nghiệp, hóa đơn chứng từ... Song ông Tuấn cho rằng muốn phòng chống thất thu thuế, ngành thuế, hải quan cần phòng chống từ bên trong. Qua tổng kết thì có trên 6% các vụ việc vi phạm lĩnh vực thuế và hải quan đều có liên quan đến lực lượng bên trong. Bên cạnh đó, hiện có tình trạng một lực lượng cán bộ thuế, hải quan không làm trong ngành nữa mà chuyển sang làm dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp. Do có chuyên môn sâu về thuế, hải quan nên họ đã làm những gì có lợi nhất cho doanh nghiệp.
Để đảm bảo thu đúng thu đủ, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Thái Quang, phó trưởng ban quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), nhận định ngành thuế và hải quan cần phải bắt tay chặt chẽ với nhau. Hiện hai ngành vẫn chưa kết nối các số liệu với nhau nên có những lỗ hổng lớn khiến một số doanh nghiệp lợi dụng. Như thời gian gần đây, cơ quan hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp làm giả hồ sơ giấy tờ xuất khẩu rồi nộp cho cơ quan thuế để trục lợi nhiều tỉ đồng tiền hoàn thuế.
Cụ thể, ông Quang nói nếu chương trình phần mềm quản lý tờ khai đối với xuất nhập khẩu của ngành hải quan kết nối với chương trình phần mềm hoàn thuế của ngành thuế, nhiều tỉ đồng tiền thuế đã không bị chiếm đoạt. Vì khi kiểm tra thông tin của hải quan, thấy doanh nghiệp không xuất khẩu lô hàng nào thì làm sao họ có thể được hoàn thuế.
Bên cạnh đó, để đảm bảo giám sát được hoạt động của tất cả doanh nghiệp, ông Tuấn nhấn mạnh ngành thuế và hải quan cần đổi mới phương thức, phương tiện hiện đại thực hiện quản lý rủi ro, phân loại doanh nghiệp. Vì mỗi loại doanh nghiệp có một loại rủi ro riêng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường chuyển giá... Trong số 480.000 đơn vị đang hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan thuế phải xây dựng được hồ sơ của từng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm pháp luật...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận