28/07/2019 19:53 GMT+7

Chống Doping: Cuộc đua tuyệt vọng

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Gần tròn một năm, Quách Thị Lan cuối cùng cũng nhận được thứ xứng đáng thuộc về cô - tấm HCV 400m rào Asiad 2018, sau khi đối thủ Kemi Adekoya bị phát hiện sử dụng doping.

Chống Doping: Cuộc đua tuyệt vọng - Ảnh 1.

Quách Thị Lan (trái) từng nhiều lần bại trận trước Adekoya - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Suốt 5 năm qua, Adekoya trở thành nỗi ám ảnh với Quách Thị Lan bởi tốc độ đáng sợ của cô, cũng như những gian dối về doping.

Công nghệ phòng chống doping luôn đi sau

Sinh ra và lớn lên ở Nigeria, nữ VĐV 26 tuổi này thuộc làn sóng các VĐV châu Phi nhập tịch để thi đấu cho những nước giàu có vùng Trung Đông: Adekoya bắt đầu đại diện cho tuyển điền kinh Bahrain từ năm 2014. 

Đẳng cấp ở tầm quốc tế của cô là không phải bàn cãi. Vậy nên Quách Thị Lan chỉ có thể "than trời trách phận" khi chẳng may đụng độ VĐV nhập tịch này ở các cự ly 400m từ Asiad 2014 cho đến 2018.

Năm 2014, Lan thua Adekoya sít sao ở nội dung 400m (52,06 giây so với 51,59 giây). Đến năm 2018, cô bị đối thủ gốc Nigeria này bỏ xa hoàn toàn ở nội dung 400m rào dù về nhì (55,3 giây so với 54,48 giây). 

Nhưng thời điểm đó đã có những điều tiếng về chuyện Adekoya sử dụng doping. Cuối cùng, sau 11 tháng, Adekoya bị Cơ quan liêm chính điền kinh (AIU) xác nhận dương tính với chất cấm stanozolol. 

Nữ VĐV gốc Phi bị cấm thi đấu 4 năm và tước sạch mọi thành tích tính từ ngày 24-8-2018 - bao gồm tấm HCV 400m rào ở Asiad 2018. Như vậy, Quách Thị Lan trở thành người chiến thắng chung cuộc.

Những khoản tiền thưởng bù đắp cho Lan là chuyện hiển nhiên. Nhưng ngay cả như thế cũng không thể bù đắp cho thực tế là Quách Thị Lan không bao giờ có thể tận hưởng đầy đủ vinh quang chiến thắng mà những VĐV trực tiếp giành HCV - dù gian lận như Adekoya - có được. 

Một ví dụ: hầu như dân mê đua xe đạp nào cũng biết 7 chiếc áo vàng của Lance Armstrong ở Tour de France, nhưng khi cuarơ người Mỹ bị tước sạch danh hiệu vì doping, có ai quan tâm đến người về nhì sau anh?

Quách Thị Lan vẫn còn may mắn khi cô nhận lại tấm HCV chỉ sau 1 năm chờ đợi. Năm 2016, làng VĐV thế giới rúng động khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công bố hàng loạt mẫu thử của các VĐV tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 và London 2012 dương tính với doping. 

Chỉ riêng kỳ Olympic 2008, có đến 50 VĐV bị tước huy chương. Tức phải 8 năm chờ đợi, những người xếp sau họ mới được trả lại công bằng.

Tiến sĩ Vũ Công Lập, chuyên gia trong lĩnh vực y sinh của VN, từng nhận định về vấn nạn này: "Có một cuộc chiến giữa công nghệ doping và công nghệ phòng chống doping. Theo giới khoa học, công nghệ phòng chống doping đi sau công nghệ doping cả chục năm. 

Rất nhiều khoa học gia đã nghi ngờ Armstrong lạm dụng các loại thuốc như một cách sử dụng doping, nhưng họ chưa thể chứng minh được vào lúc đó. Họ giữ lại các mẫu xét nghiệm của Armstrong và mất nhiều năm sau đó mới có thể chứng minh được anh này sử dụng doping".

Viện Nghiên cứu y tế Mỹ (NCBI) cũng thừa nhận điều này trong các tài liệu về doping. "Công nghệ doping ngày càng đa dạng hóa và tinh vi. 

Rất nhiều nhà khoa học lao vào cuộc đua phát minh ra những phương pháp doping mới, và sự thật là họ luôn đi trước những người tìm cách phát hiện doping" - NCBI viết. Quãng thời gian các VĐV dự Olympic 2008 cũng như Armstrong bị phát hiện sử dụng doping cũng gần với mốc "10 năm" mà tiến sĩ Vũ Công Lập nói.

Vừa thiếu kinh phí vừa thiếu minh bạch

Càng ngày các tổ chức chống doping thế giới càng tìm ra nhiều trường hợp sử dụng doping, nhưng liệu điều này đồng nghĩa với việc công nghệ doping đang thụt lùi? 

"Nếu bạn nghĩ vậy, tôi tin bạn đang nằm trong số những người lạc quan ít ỏi của thế giới" - nhà báo Sean Ingle của The Guardian viết. Càng có nhiều vụ doping bị phanh phui chỉ chứng tỏ số lượng VĐV sử dụng doping đã tăng gấp nhiều lần trong vài thập niên qua.

Một trong những nguyên nhân chính khiến công nghệ phòng chống doping luôn đi sau là kinh phí. Nhiều người thường hỏi, tại sao Tổ chức Phòng chống doping thế giới (WADA) và IOC không tăng cường việc lấy mẫu thử trên VĐV ở nhiều giải đấu hơn, nhưng các hoạt động như thế thường rất tốn kém. 

Ngân sách hoạt động mỗi năm của WADA chỉ là 32 triệu USD (một nửa do chính phủ các nước chi trả, một nửa từ ngân sách của IOC) - rất ít ỏi nếu so với tổng số tiền đầu tư vào việc tìm kiếm các loại thuốc "tăng cường thành tích" mới.

Chỉ riêng việc phải sử dụng vốn nhà nước đã cho thấy mặt bất lợi của WADA. Điều đó thông cảm được, vì việc làm minh bạch, trong sạch giải đấu chẳng hề tạo ra nguồn thu nào. Trong khi đó, sự nghiệp vinh quang, hình ảnh chiến thắng của các VĐV ngôi sao mang giá trị thương mại rất lớn. 

Công nghệ doping là để hỗ trợ cho những người giành chiến thắng, vì thế tất nhiên ngân sách của nó cũng lớn hơn nhiều so với việc phòng chống doping.

Vài năm gần đây WADA cũng bị chỉ trích dữ dội vì sự thiếu minh bạch trong một số trường hợp, điển hình là nghi án doping của cuarơ người Anh lừng danh Christopher Froome.

Cuối năm 2012, VĐV xe đạp từng 3 lần giành áo vàng chung cuộc Tour de France này tưởng như sắp trở thành một tượng đài sụp đổ giống Armstrong khi Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI) tuyên bố điều tra việc Froome sử dụng salbutamol quá nhiều.

Salbutamol là một loại thuốc chữa bệnh hen suyễn, chưa đến mức bị cấm nhưng WADA giới hạn liều lượng sử dụng ở mức 1.000 nanogram/ml. Mẫu nước tiểu Froome tham dự giải Vuelta a Espana hồi tháng 9-2012 cho thấy anh sử dụng salbutamol ở mức 2.000 nanogram. 

Cuộc điều tra ngay lập tức làm dậy sóng cộng đồng thể thao thế giới. Nhưng rồi sau một thời gian dài, cuộc điều tra của UCI khép lại sau khi dành cho Froome cùng đội đua Sky nhiều cơ hội giải thích, rằng việc cuarơ này sử dụng salbutamol quá liều là bởi bệnh hen suyễn của anh trở nặng. 

Đông đảo các cuarơ trên thế giới rất tức giận với kết luận này. Đáng nói hơn, năm 2018, Froome mất áo vàng Tour de France. Phải chăng việc phải sử dụng salbutamol đúng liều lượng trở lại đã khiến phong độ của anh giảm sút?

Nhiều người liên tưởng vụ sử dụng salbutamol quá liều của Froome với vụ Maria Sharapova sử dụng chất cấm meldonium với mục đích chữa bệnh tim. 

Trong thời đại công nghệ doping ngày càng tinh vi, những loại chất cấm thường "núp bóng" các loại thuốc chữa bệnh khiến việc sử dụng doping càng khó phát hiện. Thậm chí khi đã bị phanh phui, các VĐV vẫn có thể giải thích hoặc xin giảm án vì lý do bệnh lý.

Armstrong, Sharapova hay Adekoya đã không thoát được những cuộc điều tra doping, nhưng chắc chắn rất nhiều người (và ngày càng nhiều hơn) may mắn hơn họ. Quách Thị Lan có lẽ vẫn phải mãi chạy thi với… doping trên đường đua điền kinh - một trong những môn thể thao có số lượng VĐV sử dụng chất cấm nhiều nhất.

Trong lịch sử các kỳ Olympic mùa hè, Bắc Kinh 2008 và London 2012 là hai kỳ đại hội tồi tệ nhất về tình trạng sử dụng doping. Bắc Kinh 2008 có tổng cộng 81 VĐV bị phát hiện dương tính với các chất cấm, trong đó có 50 người giành huy chương.

London 2012 có 113 VĐV bị phát hiện sử dụng doping, 37 trong số này giành huy chương. Quốc gia bị tước nhiều huy chương nhất vì doping là Nga (11 HCV, 21 HCB và 11 HCĐ). Còn môn thể thao có nhiều trường hợp sử dụng doping nhất là điền kinh - với cả thảy 19 HCV từng bị tước bỏ.

Kình ngư Trung Quốc Sun Yang khiến đường đua xanh Kình ngư Trung Quốc Sun Yang khiến đường đua xanh 'dậy sóng' quanh câu chuyện doping

TTO – Lùm xùm quanh câu chuyện sử dụng doping, Sun Yang đang khiến cho làng bơi lội thế giới dậy sóng những ngày qua. Thậm chí, cụm từ "kẻ gian lận doping" được báo chí Úc sử dụng dày đặc khi nói về kình ngư Trung Quốc này.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên