09/12/2015 11:21 GMT+7

Chống bức cung, nhục hình, oan sai: Quan trọng là người thực hiện

ÁI NHÂN (luunhan@tuoitre.com.vn)
ÁI NHÂN (luunhan@tuoitre.com.vn)

TT - Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi với nhiều quy định tiến bộ hơn, tạo ra cơ chế để bảo đảm quyền con người, tránh bị bức cung, nhục hình, giảm oan sai.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) và con trai út thắp hương ông bà tổ tiên sau khi nghe tin được đền bù án oan sai với ông - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ

Tuy nhiên cơ chế ấy có được thực hiện, bảo đảm hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố, quan trọng nhất là con người tiến hành điều tra, tố tụng.

Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến đánh giá về những quy định tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này trong việc tránh bức cung, nhục hình, giảm oan sai, bảo đảm quyền con người.

* Tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh (trưởng khoa luật hình sự Đại học Luật TP.HCM):

Đủ cơ chế bảo đảm quyền người bị buộc tội

Tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh

Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi đã có nhiều thay đổi đáng kể phù hợp với xu thế tiến bộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Các thay đổi đó tập trung vào bảo đảm quyền của người bị buộc tội, thể hiện sự tôn trọng ngày càng cao hơn quyền của họ.

Trong đó, thay đổi đáng kể như để đảm bảo quyền được bào chữa, bảo vệ của người bị tạm giữ, tạm giam thì Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi đã bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Luật sư có thể tham gia ngay từ đầu khi người đó bị tạm giữ.

Trong khi trước đây, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa mất khoảng 3 ngày mà thời gian tạm giữ cũng chỉ 3 ngày (nếu không gia hạn tạm giữ). Quy định thay đổi sẽ giúp luật sư tham gia sớm, tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt; người bị tạm giữ; bị can; bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các điều 58, 59, 60, 61)... cũng giúp người bị buộc tội không bị bất lợi khi phải khai nhận tội.

Ngoài ra, quy định việc kiểm sát viên phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa... bảo đảm quyền gỡ tội của bị can, bị cáo là rất tốt. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan nhà nước.

Việc ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung cũng tạo ra cơ chế giám sát người tiến hành tố tụng.

Cơ chế ấy tránh được việc bức cung, nhục hình, đồng thời cũng bảo đảm tính khách quan, đáng tin cậy làm bằng chứng buộc tội. Từ đó cho thấy những thay đổi của luật là rất đáng kể, quyền người bị buộc tội có đủ cơ chế được đảm bảo.

Luật quy định đã tốt, đã tiến bộ, còn thừa hành phụ thuộc vào yếu tố con người. Luật quy định bảo đảm quyền của người bị buộc tội cao hơn, đồng thời cũng buộc trách nhiệm của cơ quan buộc tội ngày càng phải cao hơn. Đó là xu thế chung.

* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Sử dụng quyền im lặng để tự bảo vệ mình

Luật sư Bùi Quang Nghiêm

Quy định có ý nghĩa trong Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi là quyền im lặng của người bị tạm giữ, tạm giam quy định tại các điều 58, 59, 60, 61.

Người dân cần biết rằng Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi lần này đã cụ thể hóa một điểm rất quan trọng về quyền con người, đó là quyền im lặng khi bị tạm giam, tạm giữ.

Hiện nay, về chuyên môn điều tra của cán bộ điều tra, điều tra viên là tốt, không có gì nghi ngờ. Tuy nhiên quan trọng nhất là đạo đức nghề nghiệp của họ thì còn khó tin tưởng khi vẫn còn lỗi chủ quan, chạy theo thành tích... qua một số vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén.

Trong điều kiện như thế thì quyền im lặng được cụ thể hóa vào Luật tố tụng hình sự là điều rất quan trọng. Nó cung cấp cho người bị tạm giữ, tạm giam công cụ để ít nhất và đầu tiên nhất là tự bảo vệ mình khi bị bắt tạm giữ, tạm giam.

Ngay khi vừa bị bắt giữ cũng như trong quá trình tạm giam, điều tra thì nghi can, bị can có thể sử dụng quyền im lặng một cách hiệu quả nhất nếu bị điều tra viên dọa nạt, ép cung...

Các tổ chức đoàn thể, mặt trận, tổ chức chính trị, xã hội... cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho tất cả người dân để họ biết rằng mình có quyền im lặng khi bị tạm giữ, tạm giam.

Chỉ khi dân trí, hiểu biết được nâng cao thì người bị tạm giữ, tạm giam mới tự bảo vệ được mình. Đó là điều quan trọng nhất trước khi người bị tạm giữ, tạm giam nhờ đến sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức khác như luật sư.

Một quy định được bổ sung trong Luật tố tụng hình sự cũng rất có ý nghĩa là quy định ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung.

Việc ghi âm, ghi hình vẫn do con người (cơ quan điều tra, cơ quan giam giữ) thực hiện nên quy trình, cách thức thực hiện vẫn có thể bị tác động nếu cơ quan điều tra thiếu khách quan, vô tư.

* Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM):

Phải theo nguyên tắc suy đoán vô tội

Luật sư Tôn Thất Nghị
Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị

Khi đánh giá quyền con người; mức độ văn minh, dân chủ... của một quốc gia thông thường người ta đánh giá nền tư pháp nước đó nói chung hay các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự nói riêng.

Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và cụ thể hóa các cam kết của Việt Nam đối với công ước này vào Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi vừa qua.

Hàng loạt quy định mới được sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật hình sự nhằm hạn chế oan sai, chống lại bức cung, dùng nhục hình để bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Sự tiến bộ của Bộ luật tố tụng hình sự lần này thể hiện rất rõ nét ở nguyên tắc suy đoán vô tội, theo đó người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (điều 13).

Trách nhiệm của tòa án được nâng lên một tầm cao mới, tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng, luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ trước tòa án để rồi bản án, quyết định của tòa án là phải dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Điều này có nghĩa nếu bên buộc tội không đối đáp hoặc đối đáp không đúng, không đầy đủ các yêu cầu của luật sư, người tham gia tố tụng thì tòa án phải tuyên vô tội (điều 26).

Nếu vụ án ông Huỳnh Văn Nén được xét xử theo Bộ luật tố tụng hình sự mới thì rất có thể không xảy ra oan sai vì tòa án không được dùng lời nhận tội của ông Nén làm chứng cứ buộc tội ông do lời nhận tội này không những không phù hợp mà thậm chí mâu thuẫn với các chứng cứ khác vụ án (điều 98).

Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (điều 183).

Ngoài ra kiểm sát viên (các nước gọi là công tố) phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa (điều 322).

Những phân tích trên cho thấy nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc xuyên suốt của Bộ luật tố tụng hình sự, bảo đảm sự chặt chẽ quá trình điều tra, truy tố, buộc tội bị can, bị cáo.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải thay đổi, quán triệt quan điểm, tư tưởng ngay từ bước tố tụng đầu tiên dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội.

ÁI NHÂN (luunhan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên