07/12/2015 10:10 GMT+7

Oan sai do bức cung, nhục hình

TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)
TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)

TT - Sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được trả tự do sau 10 năm thụ án tù oan từng làm rúng động dư luận thì nay lại càng sửng sốt hơn với vụ ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Huỳnh Văn Nén ngồi giữa cha và ông Nguyễn Thận, hai người đã có công trong 17 năm đi kêu oan cho ông - Ảnh: Quang Định
Ông Huỳnh Văn Nén ngồi giữa cha và ông Nguyễn Thận, hai người đã có công trong 17 năm đi kêu oan cho ông - Ảnh: Quang Định

Ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) mới được minh oan sau gần 18 năm thụ án tù oan, mà lại oan liên tiếp trong cả hai vụ án. Oan sai do đâu?

Không hẹn mà gặp, khi trả lời câu hỏi ấy, cả ba vị khách mời tham dự bàn tròn “Giải pháp phòng tránh oan sai” do Tuổi Trẻ tổ chức gồm thẩm phán Trương Việt Toàn (phó chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội), TS Nguyễn Văn Điệp (trưởng khoa kiểm sát, Học viện Tư pháp) và luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đều cho rằng: “Oan sai bởi con người”.

Chạy theo thành tích

* Rất nhiều nguyên nhân đã được phân tích, nhưng cứ một vụ án oan sai xảy ra, người ta lại đặt câu hỏi: Nguyên nhân do đâu?

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng oan sai nhiều do hệ thống pháp luật. Pháp luật của chúng ta ngày càng hoàn thiện theo sự phát triển của kinh tế - xã hội.

Mọi hoạt động làm oan người vô tội đều do con người gây nên. Con người ở đây có thể là do năng lực, nhận thức của những người tiến hành tố tụng. Họ rất coi thường việc bảo đảm quyền con người, trách nhiệm trong công việc không được cao, có thể nói là cẩu thả.

Điển hình là hai vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Huỳnh Văn Nén bị oan. Chúng tôi không được tiếp xúc hồ sơ nhưng qua báo chí phản ánh thì vụ án có rất nhiều mâu thuẫn mà cả điều tra viên, kiểm sát viên đều chưa đề cao tinh thần trách nhiệm khi thực thi công vụ.

TS Nguyễn Văn Điệp: Tôi cũng cho rằng nguyên nhân làm oan người vô tội là do yếu tố con người. Đó là những người thực thi nhiệm vụ, áp dụng pháp luật trong các cơ quan tố tụng như: cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án.

Một số trường hợp họ rất tắc trách, cẩu thả, cửa quyền, chạy theo bệnh thành tích, muốn nôn nóng lập chiến công để được khen. Ví dụ như điều tra viên Cao Văn Hùng trong vụ ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Hùng được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng khen vì phá được cả hai vụ án. Việc điều tra nhanh gọn, đánh án thắng lợi để lập thành tích trong trường hợp này dẫn đến làm oan ông Nén. Khi làm việc, họ chưa biết đau nỗi đau của người dân mà chỉ nhìn một phía.

Về nguyên nhân khách quan dẫn đến oan sai, tôi cho rằng bắt nguồn từ yếu tố chủ quan là xây dựng pháp luật.

Pháp luật phải luôn thay đổi, phải đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Sự bình đẳng trong tranh tụng giữa luật sư và kiểm sát viên đã có chưa, tôi cho rằng chưa có, ngay cả vị trí ngồi kiểm sát viên cũng muốn ngồi cao hơn luật sư một bậc.

* Ở lĩnh vực nào khi có sự kiện xảy ra, chúng ta cũng xác định vấn đề then chốt là con người, nhưng có giải pháp nào cụ thể cho vấn đề con người hay không?

TS Nguyễn Văn Điệp: Tôi cho rằng sắp tới vấn đề đạo đức của người làm án phải được đưa vào chương trình học tập và đào tạo. Trình độ chuyên môn phải ngày càng được nâng cao chứ không chỉ có việc đào tạo chuyên tu, tại chức, từ xa.

Nhiều trường hợp vì quan hệ gia đình mà được đưa vào các cơ quan tố tụng, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ nên rất dễ dẫn đến oan sai.

Khi sai rồi thì lấy cái sai nọ sửa cái sai kia, cơ quan điều tra làm sai thì viện kiểm sát lại cố gắng lấy cái sai của mình để sửa cái sai của cơ quan điều tra, rồi tòa án lại lấy sai của mình để sửa cái sai cho hai cơ quan trước, như vậy sẽ dẫn đến việc oan sai rất lâu, rất sâu mà điển hình là hai vụ oan sai của ông Nén và ông Chấn.

Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

“Tôi nghĩ rằng khâu đào tạo, tuyển dụng của chúng ta có vấn đề. Từ đào tạo tuyển dụng đến nhận thức của người tiến hành tố tụng rất yếu kém, dẫn đến cách làm việc quan liêu

Thẩm phán Trương Việt Toàn

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Sở dĩ tôi nhấn mạnh yếu tố con người bởi hệ thống pháp luật dù có hoàn thiện đến mấy, dù có thường xuyên thay đổi nhưng nếu không có những người áp dụng pháp luật chuẩn mực thì pháp luật không được thực thi nghiêm túc.

Tôi lấy ví dụ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 là bộ luật rất hay, rất hoàn thiện nhưng vì nó quá hoàn hảo nên không phù hợp với những người tiến hành tố tụng của bộ luật đó.

Nào là đưa ra tiền phạt, giấy báo giấy gọi, biên bản thu thập tài liệu chứng cứ... Quay trở lại Bộ luật tố tụng hình sự cũng vậy.

Ngoài ra, tôi cho rằng yếu tố đào tạo, tuyển dụng của chúng ta có vấn đề. Từ đào tạo tuyển dụng đến nhận thức của người tiến hành tố tụng rất yếu kém, dẫn đến cách làm việc quan liêu. Họ tự cho mình những quyền nhất định mà không có chế tài nào ràng buộc nên làm việc rất cẩu thả.

Luật sư Bùi Đình Ứng: Có lẽ đã đến lúc phải đưa vấn đề đạo đức vào chương trình đào tạo các chức danh tố tụng. Ví dụ như tôi đã từng được học về ngành điều tra, nhưng môn đạo đức chưa đưa vào chương trình đào tạo.

Tôi học cùng anh Cao Văn Hùng, anh Hùng học khoa điều tra Đại học An ninh, đó là nôi đào tạo những con người xuất sắc. Được đào tạo chính quy, tại sao họ vẫn mắc sai lầm? Có lẽ vì thành tích nên dẫn đến sai lầm không thể khắc phục được nữa.

Tại sao phải bức cung, nhục hình?

* Quốc hội vừa thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) với nhiều quy định tiến bộ như: bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, bắt buộc phải ghi âm ghi hình hoạt động hỏi cung... Theo các ông, các quy định mới này liệu có giúp hạn chế phần nào oan sai do người tiến hành tố tụng gây nên?

Luật sư Bùi Đình Ứng: Quốc hội bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa là sự tiến bộ, được nhiều cơ quan ủng hộ. Tuy nhiên, cá nhân tôi có suy nghĩ hơi khác. Thủ tục đó, tờ giấy đó không phải nguyên nhân cản trở mà do quan điểm, ý thức của người tiến hành tố tụng cản trở luật sư.

Nếu ta bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa rồi nhưng vẫn không tạo điều kiện cho luật sư tiếp xúc với bị can thì bản chất sự việc vẫn không thay đổi.

Tôi từng ngồi một vụ án ở Bắc Giang, khi ra tòa bị cáo khai bị bức cung nhục hình. Tòa hỏi có chứng cứ gì không?

Bị cáo nói cái ghế trong phòng hỏi cung có máu của tôi, mỗi lần bị đánh tôi đều lén quết vết máu vào gầm ghế. Nhưng tình tiết đó bị cáo không dám nói trước vì sợ vật chứng bị tiêu hủy. Chúng ta đặt câu hỏi tại sao cứ phải dùng bức cung, nhục hình? Vì để bị can, bị cáo nhận tội.

Bộ luật hình sự quy định “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Sao chúng ta không bỏ đi quy định này, dứt khoát đừng lấy lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ buộc tội.

Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

“Không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì tất nhiên sẽ dẫn đến oan sai. Mà đã sai rồi thì lấy cái sai nọ sửa cái sai kia, cơ quan điều tra làm sai thì viện kiểm sát lại cố gắng lấy cái sai của mình để sửa cái sai của cơ quan điều tra, rồi tòa án lại lấy sai của mình để sửa cái sai cho hai cơ quan trước

TS Nguyễn Văn Điệp

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Ở góc độ tòa án, tôi không khẳng định bức cung, nhục hình là phổ biến nhưng khi làm việc, tôi cũng thường đặt dấu hỏi tại sao phải dùng bức cung, nhục hình?

Bởi một lẽ duy nhất theo nhận thức của tôi thì điều tra viên rất yếu kém năng lực và chạy theo bệnh thành tích, nhanh chóng muốn phá án.

Họ muốn làm đẹp cho cá nhân mình nhưng nhận thức, năng lực chuyên môn thì rất yếu kém. Luật đã quy định rồi, không cần thiết phải coi lời khai nhận tội của bị cáo là chứng cứ buộc tội.

Điều tôi mong muốn hơn vẫn chưa được đề cập là hệ thống trại giam phải được tách khỏi sự quản lý của cơ quan điều tra. Hai cơ quan này phải hoàn toàn độc lập để đảm bảo tính toàn diện, khách quan trong quá trình điều tra.

TS Nguyễn Văn Điệp: Bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung là sự tiến bộ. Nhưng họ có ghi âm ghi hình hay không, ghi âm thế nào, cơ chế thế nào lại thuộc về vấn đề là con người.

* Theo các ông, biện pháp nào quan trọng nhất để phòng tránh oan sai?

Thẩm phán Trương Việt Toàn: Tôi rất trăn trở trước câu hỏi này. Biện pháp đầu tiên, theo tôi, là hoàn thiện hệ thống pháp luật từ khâu nhận thức đến hành động. Hệ thống pháp luật cần nêu cao quyền năng và chế tài cho điều tra viên, thẩm phán trong quá trình điều tra xét xử. 

Tôi rất tâm đắc khi dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định thẩm phán được quyền tiếp cận với vụ án ngay từ đầu, khi hành vi phạm tội xảy ra. Một trong những quyền đó là phê chuẩn các lệnh tạm giam, tạm giữ.

Bởi khâu cuối cùng tôi phải chịu trách nhiệm thì khâu đầu tiên tôi phải được biết. Khâu đầu tiên tôi không biết gì cả mà cuối cùng tôi phải chịu trách nhiệm thì đó là bất cập.

Bên cạnh đó, phải nâng cao năng lực của cán bộ tiến hành tố tụng. Luật sửa đổi đến đâu đi chăng nữa mà chưa được nâng cao năng lực của người áp dụng thì không có ý nghĩa gì cả.

Ảnh: Nguyễn Khánh
Ảnh: Nguyễn Khánh

“Giống như việc anh thợ mộc đẽo đi đẽo lại, lớn thì anh đẽo cho nhỏ, bé thì anh dán keo thêm cho lớn vừa khuôn. Đừng biến những người tiến hành tố tụng thành những anh thợ mộc

Luật sư Bùi Đình Ứng

Luật sư Bùi Đình Ứng: Ở đây, cần phải phân biệt giữa oan và sai. Sai thì nhiều lắm: tội nặng thành nhẹ, nhẹ thành nặng. Cùng một tính chất vụ việc, tòa này xử theo tội danh này, còn tòa khác xử theo tội danh khác. Nếu tổng kết cái sai thì nhiều lắm. Còn cái oan thì phải chia sẻ mới biết.

Một đề nghị khác của tôi là đừng biến những người tiến hành tố tụng thành những anh thợ mộc. Có những vụ án kéo dài đến 4-5 năm, hồ sơ trả đi trả lại, trả tái trả hồi mà vẫn kéo dài mãi.

Việc trả hồ sơ là để tìm chứng cứ, nhưng chứng cứ không tìm được, tòa án vẫn đưa ra xét xử và bị cáo vẫn bị kết án vì một tội danh nào đó.

Vì vậy, chúng ta cần phải có cơ chế rõ ràng là trả hồ sơ như thế nào. Khi nào tòa trả hồ sơ, nếu anh không điều tra bổ sung được theo yêu cầu của tôi, tôi sẽ tuyên bị cáo vô tội, khi đó anh phải chịu trách nhiệm.

TÂM LỤA thực hiện (tamlua@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên