29/11/2020 06:35 GMT+7

Chọn ngành học có việc ổn định hay theo sở thích?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - "Không chỉ riêng em mà rất nhiều bạn đều mong muốn có được một công việc ổn định hơn là chọn công việc theo sở thích. Trong những năm tới, ngành nào là lý tưởng nhất?".

Chọn ngành học có việc ổn định hay theo sở thích? - Ảnh 1.

Học sinh đặt câu hỏi trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu chiều 28-11 - Ảnh: D.Phan

Đó là thắc mắc của Trương Gia Bảo (học sinh lớp 11A2 Trường THPT Châu Thành) đặt ra với thầy cô ban tư vấn trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu chiều 28-11. 

Buổi tư vấn thu hút gần 3.000 học sinh khối 11, 12 trên địa bàn TP Bà Rịa và các địa phương lân cận tham dự. Các cô cậu học trò liên tục giơ tay đặt câu hỏi cho thầy cô về lựa chọn ngành nghề, kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhu cầu nhân lực ở địa phương, cả nước trong những năm tới ở từng lĩnh vực.

Tuổi trẻ phải ước mơ, khát vọng

Trương Gia Bảo nói thêm: "Trên thực tế em thấy để tìm được việc làm ổn định vô cùng khó khăn, trong khi hiện tại em chưa biết được mình thích ngành nào cả. Với mong muốn có được một công việc thật ổn định, em dự tính chọn ngành học nào đó để sau này được làm việc cho các cơ quan nhà nước".

Chia sẻ với Trương Gia Bảo, TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trải lòng với một người ở tuổi 17, 18 cần phải biết ước mơ, có hoài bão và có khát vọng. 

Nếu một người không thích công việc của mình thì chắc chắn họ sẽ không có sự đầu tư, không sáng tạo trong công việc và không có khát vọng vươn lên. Những người tài năng thường không chấp nhận chọn công việc mang tính ổn định mà mình thật sự không yêu thích.

"Nếu tôi là các bạn, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi thứ để lựa chọn công việc theo sở thích và đam mê của mình. Tôi sẽ làm giàu bằng chính năng lực và sở thích của tôi. Khi các bạn làm việc mình yêu thích mới dễ thành công, thậm chí có thể chấp nhận thất bại để thành công. 

Tôi khuyên em là một người trẻ phải dám làm và dám chịu. Người trẻ nên chọn công việc theo sở thích, phù hợp với năng lực của chính mình, phải luôn nỗ lực và biết phấn đấu vươn lên để đi đến thành công" - TS Hạ nói.

Nói về việc xác định sở thích, ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - marketing, cho hay những doanh nhân thành công đều nói "hãy làm việc bằng đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn". 

Theo ông Châu, thực tế hiện nay học sinh rất khó để có thể sớm tìm được sở thích của mình đối với ngành nghề nào. Do đó, các bạn trẻ cũng đừng nên quá lo lắng khi đến 18 tuổi mà vẫn chưa biết mình phải làm gì, thích gì.

"Các bạn cần phải trải nghiệm, tự khám phá bản thân, xác định được đam mê để có thể có quyết định tốt hơn cho tương lai của mình. Hãy tự tìm hiểu thông tin về tất cả các ngành mà bạn biết, đọc thật nhiều về chúng và thử làm một công việc nào đó có liên quan đến nó xem bạn có cảm thấy thích nó không, nếu mỗi ngày đều làm công việc ấy thì sẽ như thế nào... Với niềm yêu thích công việc thì mọi khó khăn cũng trở nên dễ dàng với bạn" - thầy Châu khuyên.

Chọn ngành học có việc ổn định hay theo sở thích? - Ảnh 2.

Gần 3.000 học sinh dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu chiều 28-11 - Ảnh: Duyên Phan

Đa dạng ngành nghề cho tương lai

Về những ngành nghề lý tưởng trong tương lai, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho biết đó là những ngành trong lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, CNTT. 

"Đây là những lĩnh vực của kỷ nguyên số. Thực tế mấy năm nay các ngành CNTT, trí tuệ nhân tạo thu hút rất đông thí sinh nên điểm chuẩn rất cao. Bên cạnh đó còn có một số ngành có nhu cầu nhân lực rất cao là cơ khí, chế tạo máy. Nếu chọn những ngành học này chắc chắn có cơ hội việc làm cao" - thầy Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho biết nếu lo lắng về việc làm thì nên chọn ngành nghề mà xã hội có nhu cầu nhân lực lớn, có thể làm việc trong các cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tổ chức quốc tế... 

"Các em nên suy nghĩ để hiểu được chính mình, để nhận biết được mình thích làm gì. Các em nên chọn những ngành có nhu cầu nhân lực đa dạng, thậm chí có thể tự tạo công việc, sống được với nghề mình học và còn có thể làm chủ, tạo ra việc làm cho người khác" - thầy Hùng nói.

Còn theo ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng phụ trách phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, ngành học đa dạng nghề nghiệp hiện nay là ngành luật. Nếu chọn học ngành luật, sinh viên ra trường có thể làm luật sư, công chứng, thừa phát lại, các cơ quan nhà nước (các sở ban ngành), tòa án, viện kiểm sát, thi hành án... 

"Theo học ngành luật, các em có thể sống được với nghề của mình, mở doanh nghiệp, công ty tư vấn luật... chắc chắn không sợ thất nghiệp" - thầy Hiển nói thêm.

Sáng nay 29-11, tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Bình Thuận

Buổi tư vấn thứ hai của Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 sẽ tiếp tục diễn ra tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã La Gi, Bình Thuận) vào sáng 29-11. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Các chuyên gia tại chương trình sẽ tư vấn cho thí sinh về ngành nghề, chương trình đào tạo, việc làm, cơ hội du học, học bổng cũng như chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên theo học tại trường...

Ông Nguyễn Văn Ba (phó giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu):

Lựa chọn nghề nghiệp quyết định tương lai

127466709_293882495287567_3610549315125110512_n 1(read-only)

Những năm qua, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã hỗ trợ tích cực cho ngành giáo dục và rất thiết thực đối với học sinh, phụ huynh.

Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tương lai của mỗi người. Mặc dù thời gian qua học sinh đã được tư vấn nhưng vẫn còn nhiều em chọn nghề theo phong trào, cảm tính, không có sự chuẩn bị chu đáo khi chọn ngành nghề. Do đó nhiều em học xong thất nghiệp, thậm chí bắt đầu lại từ đầu bằng một công việc mới, một hướng đi khác xa hoàn toàn con đường ban đầu mình đã chọn. Do đó, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công và định hướng tương lai của học sinh.

Theo nghề gì để 4 năm nữa không thất nghiệp? Theo nghề gì để 4 năm nữa không thất nghiệp?

TTO - Theo nghề gì để 4 năm nữa không thất nghiệp? Nhiều thí sinh thắc mắc với ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ phối hợp các đơn vị tổ chức.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên