Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải từng được dư luận chú ý khi bảo hành các gói thầu thi công mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trong 5 năm thay vì 2 năm theo quy định - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Theo quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa được bộ trưởng Bộ GTVT ban hành, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Quảng Bình) là nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án này theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 dài 49km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa, điểm cuối tại km54 trùng với điểm đầu dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, Khánh Hòa.
Đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được thiết kế 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc 80km/h trong giai đoạn đầu; giai đoạn hoàn chỉnh có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,2m, vận tốc 120km/h.
Tổng mức đầu tư giai đoạn đầu được cập nhật sau bước thiết kế kỹ thuật hơn 5.536 tỉ đồng, bao gồm nguồn vốn nhà đầu tư hơn 2.556 tỉ đồng, phần Nhà nước tham gia trong dự án hơn 2.979 tỉ đồng.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được đề nghị là nhà đầu tư trúng thầu dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với giá trị đề nghị trúng thầu (vốn góp của Nhà nước) 1.788 tỉ đồng, thấp hơn 12 tỉ đồng so với mức vốn góp 1.800 tỉ đồng trong hồ sơ mời thầu. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 2 năm và thu phí hoàn vốn trong thời gian 16 năm, 3 tháng 28 ngày.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh căn cứ quy định tại hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các quy định pháp luật có liên quan, phối hợp Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải rà soát nội dung dự thảo hợp đồng dự án trước khi trình Bộ GTVT tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng.
Theo quy định về thực hiện đầu tư các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, sau 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, nếu nhà đầu tư không thu xếp được vốn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chấm dứt hợp đồng, thu hồi dự án, không để kéo dài như các dự án BOT trước đây.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Do những khó khăn về huy động vốn đầu tư PPP nên Quốc hội đã chuyển 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây từ đầu tư PPP sang đầu tư công.
Còn 5 dự án thành phần theo hình thức PPP có 2 dự án đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không chọn được nhà đầu tư cũng vừa được Chính phủ kiến nghị Quốc hội chuyển sang đầu tư công, đang thi công.
Với 3 dự án thành phần PPP còn lại, có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt; 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu đoạn Nha Trang - Cam Lâm; 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Ngoài dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm đã chọn được nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, Bộ GTVT đang xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu để chọn nhà đầu tư đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận