17/09/2016 00:01 GMT+7

Chọn chồng bằng trái tim

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TTO - Năm 22 tuổi, có cả tuổi trẻ và nhan sắc, chị Tạ Thị Lương (sinh năm 1982) có nhiều sự lựa chọn nhưng cuối cùng lại chọn lấy anh Đỗ Đại Dương (sinh năm 1969), một người liệt nửa người và hơn chị 13 tuổi!

Gia đình hạnh phúc của anh Dương, chị Lương - Ảnh: Hoài Nam
Gia đình hạnh phúc của anh Dương, chị Lương - Ảnh: Hoài Nam

Chị Lương và anh Dương có hai cô con gái xinh xắn. Kết quả này không những là “kỳ tích” mà còn là minh chứng mạnh mẽ tình yêu giữa hai người.

Quyết tâm đến với người mình yêu

“Tôi quen anh Dương thông qua một người bác họ ở gần nhà anh. Bác thường rủ tôi qua nhà anh chơi, tôi có gặp anh Dương nhưng không có ấn tượng gì đặc biệt, cũng không xem anh là người khuyết tật. Chúng tôi nói chuyện thấy hợp rồi tình yêu đến lúc nào không biết. Năm năm sau, khi tôi nói với gia đình về quyết định sẽ lấy anh Dương, cả nhà phản đối vì lo cho tương lai của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định lấy anh”, chị Lương kể.

Dù bị liệt hơn 20 năm và phải ngồi xe lăn nhưng qua dáng ngồi vẫn thấy anh Dương có thể hình cao lớn, vạm vỡ. Trước khi xảy ra biến cố dẫn đến bị liệt, anh Dương cao hơn 1,8m, nặng gần 80kg và là học viên lái máy bay.

Gia đình anh Dương đang sống tại ngôi nhà trong khu dành cho cán bộ, nhân viên sân bay Gia Lâm cũ (giờ thuộc Q.Long Biên, Hà Nội). Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Dương tỏ ra hài lòng với cuộc sống hiện tại nhưng thấp thoáng đâu đó trên khuôn mặt vẫn thể hiện sự tiếc nuối năm tháng tuổi trẻ, bao mơ ước bỗng chốc vụt tắt vì một “tai bay vạ gió”.

Anh Dương kể vào năm 19 tuổi, tại đám cưới một người bạn mà anh tham dự đã xảy ra vụ xô xát giữa hai nhóm thanh niên. Dù không có mâu thuẫn với ai nhưng vì mặc áo giống người khác nên trong lúc đang lúi húi rửa tay, anh Dương bị chém oan hai nhát vào lưng. Những nhát chém oan nghiệt làm anh Dương đứt tủy sống dẫn đến bị liệt.

Hơn 10 năm điều trị, dù đi nhiều bệnh viện khác nhau và trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật nhưng đều không có kết quả gì. Tất cả nỗ lực của bác sĩ cũng chỉ để lấy những phần xương vỡ, máu tụ... nhằm giúp anh giảm thiểu thương tổn.

Đến năm thứ 11 sau tai nạn, vì chán chường cuộc sống quanh quẩn trong nhà và muốn tập luyện, anh Dương tham gia câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật ở gần nhà. Huấn luyện viên tại đây nhanh chóng thấy anh có năng khiếu nên đã mời anh thi đấu với hai bộ môn cầu lông và cử tạ.

Rồi cơ duyên đưa anh Dương tham gia thi đấu môn bóng bàn tại Para Games năm 2003, giành được giải thưởng cao. “Để Lương hình dung ra tương lai làm vợ người khuyết tật, tôi xin cho Lương làm tình nguyện viên tại Para Games. Tại đây, khi trông thấy cảnh một cặp người khuyết tật, ngồi xe lăn tựa đầu vào nhau, hay cảnh những cặp vợ chồng chăm sóc nhau ân cần, Lương tỏ ra rất xúc động. Sau giải đấu chúng tôi quyết định đám cưới.

Trước ngày cưới, tôi vẫn nói với cô ấy toàn điều xấu, không có điều gì tốt đẹp: Em suy nghĩ thật kỹ đi, lấy anh là em sẽ khổ vì có thể vài năm nữa là anh không ngồi được như thế này đâu mà phải nằm liệt suốt đời... Em có vượt qua được không? Cô ấy vẫn một mực nói là anh đừng lo, dù anh có nằm đấy thì đã có em”, anh Dương xúc động kể lại.

Trái ngọt qua những ngày gian nan

Nhiều năm chung sống, chị Lương yêu thương và chăm sóc anh Dương không lời than thở hay tỏ ra hối tiếc. Tuy nhiên, có đôi khi anh Dương nhận thấy vợ thoáng buồn, nhất là trong giai đoạn chạy chữa vô sinh.

Nhớ lại thời điểm ấy, anh Dương chia sẻ anh luôn hi vọng hai vợ chồng sẽ có những đứa con được tượng hình từ chính máu thịt của mình. May mắn, năm 2006, anh Dương gặp TS Lê Vương Văn Vệ, là chuyên gia về nam học, hiếm muộn lúc đó đang làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Khi đó, ông Vệ nói sẽ chữa được nhưng chưa thể thực hiện ngay, và động viên anh Dương chờ thêm vài năm. Ban đầu, anh Dương nghĩ những lời nói của ông Vệ nhằm mục đích động viên mà thôi nên không giữ liên lạc và cũng không chú tâm để ý. Tuy nhiên, một thời gian sau, chính ông Vệ là người chủ động tìm đến anh Dương.

Sau một loạt xét nghiệm đặc biệt, anh Dương được tiến hành lọc rửa tinh trùng và chọn được những tinh trùng tốt nhất để thụ tinh trong ống nghiệm. Lần thứ hai thụ tinh đã thành công, vào năm 2008 (sau 4 năm nỗ lực với hành trình “kiếm” con), anh chị chào đón bé gái đầu lòng - Phương Anh - trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Năm 2011, vì muốn có thêm con, anh chị đã tìm đến ông Vệ và được thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm lần nữa.

Lần này, chị Lương gặp vấn đề về buồng trứng, mang thai chưa đầy một tháng mà bụng trướng to vì ứ nước. Những tháng sau đó, khi thai lớn dần, nước từ trong khoang bụng chèn lên phổi và tim khiến chị khó thở và thường xuyên vào viện hút dịch. Thương con, thương chồng nên chị Lương cố gắng vượt qua. Tết năm 2012, gia đình anh Dương một lần nữa trải qua giây phút hạnh phúc tột bậc khi chào đón cô con gái thứ hai, Minh Ngọc.

Nhìn hai cô con gái kháu khỉnh đang chơi đùa, anh Dương nở nụ cười hạnh phúc, nhận thấy cuộc đời sau khi lấy đi ước mơ, năm tháng tuổi trẻ vẫn để dành cho anh những món quà tuyệt vời: là người vợ, hai đứa con và cả sự nghiệp thể thao đang gắn bó. Chị Lương cũng nhận mình may mắn vì đã chọn anh Dương và là người đứng sau sự thành công của chồng.

Anh Dương thường gặp các vấn đề nghiêm trọng về da như: trầy xước, loét, nhiễm trùng tại những vùng bị liệt, nhất là những khi buộc phải di chuyển hay vận động nhiều. Sau mỗi giải đấu, anh Dương mất 1-2 tháng phục hồi sức khỏe.

Trong giai đoạn này anh hay sốt cao, ớn lạnh do tình trạng nhiễm trùng gây nên. Những khi như vậy, chị Lương phải cáng đáng mọi việc từ việc nhà, chăm con và chăm sóc chồng ốm, làm hàng mã và bán hàng tại nhà.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên