17/12/2018 09:37 GMT+7

Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia

HÀ BÌNH thực hiện
HÀ BÌNH thực hiện

TTO - Đó là đề xuất của ông Lê Long Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP.HCM - khi chứng kiến sự kỳ diệu của bóng đá kết nối hàng chục triệu trái tim Việt trong đêm đăng quang của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018.

Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia - Ảnh 1.

Trẻ em chơi bóng đá ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia, văn hóa cổ vũ bóng đá cũng sẽ được hình thành một cách văn minh như khán giả xếp hàng trật tự vào sân, nhặt rác trên khán đài sau khi trận đấu kết thúc.

Ông LÊ LONG SƠN

Đó là đề xuất của ông LÊ LONG SƠN - tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP.HCM - khi chứng kiến sự kỳ diệu của bóng đá kết nối hàng chục triệu trái tim Việt trong đêm đăng quang của đội tuyển VN tại AFF Cup 2018.

Ông Sơn chia sẻ:

- Tối 15-12, khi tuyển Việt Nam ghi bàn thắng, tôi cũng như bao người khác sung sướng hò hét. Ngay lúc ấy, tôi nghĩ bóng đá là môn thể thao kỳ lạ ở Việt Nam, bởi nó có thể gắn kết triệu tấm lòng chung một hướng.

Tôi đặt câu hỏi cho chính mình: Tại sao không biến bóng đá thành môn thể thao quốc gia? Nếu tận dụng được tinh thần dân tộc, cùng một lòng tập trung đưa bóng đá thành môn thể thao quốc gia thì hiệu quả có được sẽ vô cùng to lớn.

Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia - Ảnh 3.

Ông LÊ LONG SƠN

Huy động tổng lực quốc gia

* Hiệu quả đó là gì, thưa ông?

- Chiến thắng của đội tuyển khiến mọi người cảm xúc dâng trào. Một trong những vấn đề quan trọng nhất của con người là cảm hứng. Cảm xúc càng cao thì mọi việc trong cuộc sống sẽ tích cực và vận hành nhanh. Đây là cảm xúc tích cực.

Thêm vào đó, bóng đá huy động được tổng lực quốc gia, kể cả người Việt ở nước ngoài. Chính phủ có thể tận dụng hai nguồn năng lượng tích cực này để thực hiện những việc như sau:

Thứ nhất, phát triển bóng đá trong các trường học. Tôi sống ở Nhật 23 năm, thấy hầu hết học sinh phổ thông Nhật Bản sau giờ học luyện tập thể thao rất nhiều.

Đưa bóng đá vào học đường ngoài việc cho học sinh rèn luyện sức khỏe cũng có thể phát hiện những lứa cầu thủ chuyên nghiệp như Quang Hải, Xuân Trường, Đình Trọng...

Thứ hai, khi chúng ta phát triển bóng đá thành môn thể thao quốc gia, thành nền công nghiệp bóng đá, cầu thủ nước ngoài sẽ vào Việt Nam thi đấu. Ngược lại, cầu thủ Việt Nam cũng sẽ ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn.

Khi bóng đá cuốn hút như thế, người dân sẽ chi tiền nhiều hơn cho môn thể thao này và kinh tế sẽ phát triển, vận hành rất nhanh. Từ đó, vị thế của Việt Nam trên thế giới không phải là vùng trũng nữa, mà ở vị thế cao hơn.

Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia - Ảnh 4.

Các em học sinh ở một trường tiểu học tại TP.HCM tham gia chương trình baóng đá học đường do HFF phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

* Nhưng có ý kiến cho rằng nước ta hiện nay có nhiều vấn đề phải lo cho đời sống dân sinh hơn là tập trung cho bóng đá?

- Đúng là kinh tế chúng ta đang phát triển và người dân có nhiều lo âu, bức xúc về ngập lụt, môi trường sống. Bóng đá làm cho người dân cảm thấy hạnh phúc hơn, có động lực tích cực hơn để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

Cũng cần nói thêm Hàn Quốc hiện nay tự hào về ngành công nghiệp, các tập đoàn của họ như Samsung một phần nhờ Chính phủ Hàn Quốc trước đây đầu tư vào điện ảnh để truyền bá ra thế giới.

Hàn Quốc phát triển điện ảnh để phát triển công nghiệp. Người Hàn dùng điện ảnh thì chúng ta dùng bóng đá.

Ở Đông Nam Á, Singapore phát triển theo hướng công nghệ cao và trở thành cảng trung chuyển của thế giới. Malaysia theo hướng phát triển về điện tử, giáo dục. Thái Lan theo công nghiệp lắp ráp ôtô.

Việt Nam có thể dùng bóng đá để kích thích tinh thần dân tộc, nâng tầm ảnh hưởng và vai trò của mình. Bởi bóng đá làm kinh tế vận chuyển, trung tâm thu hút tài lực cho kinh tế và cho cả quốc gia.

Chọn bóng đá là môn thể thao quốc gia - Ảnh 5.

Từ trái qua: bầu Thắng, HLV Park Hang Seo và bầu Đức hội ngộ tại Chu Lai (Quảng Nam) ngày 16-12 - Ảnh: T.V.

Xây dựng nền công nghiệp bóng đá Việt Nam

* Với thể thao học đường, thực tế cho thấy ở nước ta hiện nay để mỗi trường học có một sân bóng sẽ rất khó khăn?

- Khi bóng đá thành môn thể thao quốc gia, Chính phủ nên có chính sách dành riêng quỹ đất cho thể thao và trường học bắt buộc phải có sân bóng đá.

Cần nghiên cứu cách tổ chức bóng đá ở Nhật. Họ có giải học sinh cấp III toàn quốc rất chuyên nghiệp. Các cầu thủ quốc gia của Nhật lớn lên từ các giải đấu đó. Kinh phí giải này do ngân sách nhà nước cùng các tập đoàn, công ty đóng góp thêm.

Ngoài việc nâng cao thể lực, tạo sự hưng phấn mỗi ngày đến trường, các em còn được học những cách ứng xử fairplay trong bóng đá, những quy tắc và luật lệ, tinh thần thượng võ của thể thao sẽ làm cho các em phát triển toàn diện về mặt tri thức và con người văn hoá.

* Ông có lạc quan quá không khi kỳ vọng chúng ta sẽ chinh phục World Cup trong mười năm tới?

- Sau 10 năm, chúng ta lại đăng quang ở Đông Nam Á. Nếu có sự đầu tư, tính toán kỹ lưỡng, chúng ta sẽ vươn đến tầm thế giới.

Ở Đông Nam Á, chúng ta phải vượt ra "ao làng" bằng cách đưa ra các quy định, từ đó các địa phương, ban ngành, nhà hảo tâm đầu tư cho bóng đá. Mọi người sẽ chung tay để tạo ra nền công nghiệp bóng đá ở Việt Nam.

Ở nước ta, bóng đá không tốn nhiều chi phí như những môn khác. Làm sao cho trẻ em chơi bóng đá phát triển cơ thể, đưa các công ty thực phẩm vào tham gia tăng cường thể chất cho người Việt Nam lên.

* Ông cũng cho rằng chúng ta nên có một bài hát riêng cho việc cổ vũ bóng đá?

cdv

Người hâm mộ thể hiện tình yêu với bóng đá, với đội tuyển bằng cách xuống đường ăn mừng khi tuyển VN giành chức vô địch AFF Cup 2018 đêm 15-12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

- Đúng thế. Chúng ta nên phát động trên toàn quốc các nhạc sĩ viết bài hát cho môn bóng đá. Không cần phải dài nhưng thể hiện tinh thần dân tộc, thượng võ, thể thao, rất đặc trưng, mạnh mẽ, hùng hồn.

Chẳng hạn Nhật Bản có điệp khúc "Nippon chachacha, Nippon chachacha, Nipon chachacha" cứ như vậy từ đầu đến cuối trận.

Xem trận Việt Nam với Malaysia, tôi phát hiện chúng ta không có ca khúc để kết nối sự đồng lòng, tạo một uy lực. Mấy chục ngàn cổ động viên trên sân khi đội nhà thắng thì cổ vũ rất sung, nhưng cầu thủ đá hỏng lại "ồ" lên làm cầu thủ lúng túng hơn.

Ông Phạm Xuân Nguyên (cựu chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội):

Nên tập trung phát triển bóng đá

xn

Chúng ta có quyền tự hào và vui mừng trước thành tích đội tuyển lần thứ hai vô địch AFF Cup. Nhưng từ đó mà định nâng bóng đá lên thành một thứ "quốc" gì đó như "quốc hoa, quốc phục" thì cần phải xem lại.

Tại sao? Vì chúng ta chỉ mới ăn theo bóng đá, chứ chưa thực sự làm bóng đá chuyên nghiệp sâu rộng, bền gốc. Tâm lý "ăn xổi ở thì" rất nặng cả trong giới chơi bóng, làm bóng và coi bóng. Sân chơi bóng đá phổ cập không có.

Thể thao học đường, trong đó có bóng đá, không được chú trọng và đầu tư. Liên đoàn Bóng đá thì nhiều bất cập, bê bối, đến một người có công nhất với thành quả hôm nay của đội tuyển là "bầu" Đức cũng bị gạt ra.

Sau mười năm từ lần đầu vô địch (2008), nếu không có những người làm bóng đá biết nhìn xa trông rộng như ông bầu này thì lấy đâu ra kết quả và niềm vui hôm nay. Mà những người như thế đang là ít và thầm lặng. Và còn nhiều điều khác nữa.

Theo tôi, nâng cúp hôm nay thì cứ vui đã. Việc nên làm là ta hãy lo phát triển bóng đá bền gốc rộng khắp.

Ông Đoàn Minh Xương (phụ trách chương trình phát triển bóng đá học đường LĐBĐ TP.HCM):

Cần chăm sóc bóng đá học đường

xuong

Bóng đá hoàn toàn có thể trở thành môn thể thao quốc gia vì rất đông người VN yêu bóng đá. Bạn cũng đã thấy hình ảnh của hàng triệu CĐV VN đổ xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển nhà tại AFF Cup 2018.

Sức lan tỏa của bóng đá quá lớn, không chỉ nuôi dưỡng mà còn có thể kích thích toàn dân tham gia.

Tuy nhiên, để nó trở thành môn thể thao quốc gia là một chặng đường rất dài.

Tôi được giao trách nhiệm phụ trách chương trình phát triển bóng đá học đường do HFF (LĐBĐ TP.HCM) và Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp thực hiện.

Chương trình này có từ niên học 2013-2014. Ban đầu, có khoảng 1.500 em cấp 1 tham gia, đến nay con số tập luyện thường xuyên lên đến hơn 10.000 học sinh của 184 trường cấp 1, hơn 3.000 học sinh của 66 trường cấp 2.

Nhìn con số ngày càng tăng lên chúng tôi vui mừng, nhưng cũng chạnh lòng khi mới có 30% trường cấp 1 trên toàn thành tham gia chương trình. Cơ sở vật chất cùng HLV giáo dục thể chất, HLV bóng đá quá thiếu thốn là rào cản của chương trình.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất để bóng đá trở thành môn thể thao quốc gia là chúng ta phải coi trọng phát triển bóng đá học đường. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để hai ngành TDTT và giáo dục ngồi lại với nhau cùng hoạch định phát triển bóng đá học đường.

Ông Nguyễn Văn Dũng (cựu tuyển thủ bóng đá VN):

Phải đi từng bước

dung

Năm 2018 đã chứng kiến thành công vang dội của bóng đá VN ở nhiều đấu trường, đó là giành vị trí á quân VCK U-23 châu Á, vào bán kết Asiad, vô địch AFF Cup 2018.

Đây là thời điểm thích hợp nhất để đưa bóng đá tiếp cận gần gũi hơn với người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh, bạn trẻ đam mê bóng đá.

Chúng ta hoàn toàn có thể biến bóng đá thành môn thể thao quốc gia với điều kiện phải đi từng bước.

Bạn thấy đấy, ở những đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM có những trường học giờ ra chơi học sinh không có chỗ chơi, lấy đâu ra sân bóng?

Ngoài ra, còn là điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa.

K.B. - S.H. ghi

Môn thể thao quốc gia ở các nước

Một số quốc gia trên thế giới từ lâu đã xác định môn thể thao quốc gia của mình. Thông thường những môn này do chính người dân ở quốc gia sáng tạo ra gắn liền với yếu tố lịch sử, con người và văn hóa.

Ví dụ muay Thai là môn thể thao quốc gia của Thái Lan. Pencak silat là môn quốc võ của Indonesia, đồng thời cũng được xem là môn thể thao quốc gia.

Ở Argentina, bóng đá rất phát triển và được yêu thích nhưng từ năm 1953, Argentina xác định pato (trò thi đấu trên lưng ngựa, kết hợp các yếu tố của polo và bóng rổ) mới là môn thể thao quốc gia.

Trong khi đó, taekwondo được xem là môn thể thao quốc gia của Hàn Quốc. Tương tự, môn sumo ra đời từ cách đây khoảng 1.500 năm được xem là môn thể thao quốc gia ở Nhật Bản.

H.D.

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về đề xuất chọn bóng đá làm môn thể thao quốc gia?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bóng đá kết nối yêu thương Bóng đá kết nối yêu thương

TTO - Trái bóng lăn ở sân Mỹ Đình, cuộc chiến bắt đầu cho chiếc cúp vô địch, hàng triệu cổ động viên cả nước hò reo tiếp sức cho những chàng trai trẻ. Niềm vui ấy lan tỏa vào cả mọi ngõ ngách của cuộc sống.

HÀ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên