20/07/2017 16:57 GMT+7

Chơi đồ hiệu - Kỳ cuối: Đồ hiệu không dễ mua

LAN ANH - TÂM LỤA
LAN ANH - TÂM LỤA

TTO - Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG, cho biết tập đoàn đang phân phối độc quyền 92 thương hiệu nổi tiếng tại VN.

*** Error ***
Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza là nơi bán các sản phẩm hàng hiệu nổi tiếng tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Nếu lương chị không cao và chị đang có hai con nhỏ thì thật là bất nhẫn nếu chị cứ gồng, cứ cố để mua những món đồ hiệu đắt tiền. Tôi có những người bạn là con của tỉ phú, có sở thích lái máy bay nhưng họ chỉ thích mặc quần short áo phông. Ăn mặc phù hợp với mình mới là sống thông minh.

Chị Nguyễn Thu Huyền

Ông nói: “Các thương hiệu thời trang cao cấp đều có đối tượng khách hàng của riêng mình, như Ferragamo có danh sách hơn 7.000 khách hàng thân thiết ở VN, Rolex có hơn 10.000 khách hàng...

Khách hàng càng cao cấp càng thích những nơi không ồn ào, có phòng VIP riêng tư kín đáo để mua sắm. Các nhãn hiệu thời trang cao cấp cũng thường hạn chế số lượng khách mua, có người mua một chiếc túi xách hàng hiệu phải đăng ký và chờ đợi cả nửa năm mới được nhận sản phẩm”.

Chẳng dễ mua dù có tiền

Chị H.Đ. đã mua bốn chiếc túi Hermes, trung bình mỗi năm chị mua một cái. Chị cho biết cả bốn chiếc túi đều phải mua “chênh” qua cầu. Chiếc túi Hermes đầu tiên trong bộ sưu tập, chị mua 19.800 USD, trong khi giá bán nó tại các cửa hàng ở nước ngoài chỉ 11.000-12.000 USD.

Tại sao phải mua chênh 7.000- 8.000 USD trong khi hàng hóa xách tay từ nước ngoài về ê hề thị trường, cái tăm đến sợi chỉ đều có? Theo chị Đ., muốn đặt được chiếc Hermes đúng màu, kiểu, size chị thích thì phải đủ điều kiện mới được mua, tức là trước khi mua túi đã mua phụ kiện cả chục ngàn USD và phải tích đủ điểm, hơn nữa phải đợi chờ một thời gian mới có hàng.

“Tôi rất thích chiếc túi ấy nên phải nhờ người đủ tiêu chuẩn mua túi và trả tiền chênh. Từ đấy đến nay, tôi đã mua ba chiếc Hermes nữa và cũng đều phải mua chênh, chiếc rẻ nhất gần đây tôi mua 15.800 USD, trong khi ở cửa hàng giá niêm yết chỉ hơn 10.000 USD” - chị Đ. nói.

Ông Hạnh Nguyễn cũng cho hay ở Singapore, Pháp... nếu cửa hàng Louis Vuitton có 10 nhân viên bán hàng thì chỉ 10 người khách được vào, 10 người tiếp theo phải chờ tới lượt mình.

“Mỗi thương hiệu khi tung ra sản phẩm thường giới hạn số lượng nhưng giá bán rất cao, phục vụ tâm lý hàng càng đắt, càng độc thì người mua càng thể hiện được đẳng cấp của mình. Đối với các thương hiệu mà chúng tôi đang phân phối, khi đặt một món hàng thuộc dòng limited hoặc custom made, couture thì khách phải chờ lâu, thậm chí chờ đến sáu tháng...

Cá nhân tôi không nghĩ các nhãn hàng có ý gây 'khó khăn' cho khách, mà đây chỉ là một cách giữ gìn giá trị thương hiệu, đẳng cấp và độc đáo” - ông Hạnh Nguyễn cho biết.

Chi tỉ đô để mua sắm

Theo ông Hạnh Nguyễn, năm 2012 ước tính có 3,5 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài, chi hơn 3 tỉ USD mua sắm và chi phí khác.

Khi Tràng Tiền Plaza, một trung tâm thương mại do IPPG đầu tư mở cửa lại, người ta hốt hoảng khi thấy toàn người vào đó dạo chơi mà không thấy bóng người mua, nhưng ông Hạnh Nguyễn cho rằng ông rất tự tin về nhu cầu sản phẩm thời trang mỹ phẩm phân khúc trung và cao cấp tại thị trường VN.

“Người VN thích hàng hiệu, chỉ thua Trung Quốc và Ấn Độ. 56% người Việt được khảo sát trả lời họ sẵn sàng chi nhiều, thậm chí rất nhiều tiền cho những sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng hơn là những sản phẩm từ những thương hiệu ít nổi tiếng hơn dù chúng có cùng chức năng.

Chúng tôi chưa bao giờ bất ngờ về sức mua và kiến thức của người tiêu dùng trong nước đối với dòng sản phẩm hàng hiệu mình đang phân phối” - ông Hạnh Nguyễn nói.

Nhiều người VN quan niệm đồ hiệu thể hiện đẳng cấp của người dùng. Vợ một quan chức ngành hải quan kể với người viết bài này rằng mỗi cuối tuần, các cặp vợ chồng kiểu như vợ chồng chị gặp nhau thì các bà vợ luôn nhìn vào túi xách, đồng hồ của nhau mà lượng giá. Lượng giá đồ hiệu cũng là cách để xác định giá trị chủ nhân của nó.

*** Error ***
Nhãn hiệu Louis Vuitton nổi tiếng được quảng cáo tại các trung tâm thương mại VN - Ảnh: Ng.Khánh

Thật giả khó lường

Theo ông Hạnh Nguyễn, do chính sách bảo hộ mậu dịch đối với hàng hiệu ở VN chưa được đảm bảo, thị trường còn nhiều hàng giả, hàng nhái được bày bán tự do, hàng xách tay cũng là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hiệu như doanh nghiệp của ông, vì vậy khách hàng nên ghi nhớ một số quy tắc để tránh mua phải hàng giả.

Chị H.V., người khá sành đồ hiệu, cho hay gần đây chị rất bực mình khi được tặng một chiếc đồng hồ Burberry nhái, người tặng quà cho chị biết họ đã mua cặp đồng hồ hiệu này ở Paris và tặng chị một chiếc nhân dịp sinh nhật.

“Tuy nhiên, mặt sau đồng hồ vẫn còn dán mẩu giấy có ghi giá tiền bằng đồng VN, điều này chứng tỏ nó không phải hàng xịn” - chị V. nói.

Hiện nay, có một tâm lý khá thường gặp ở khách mua hàng hiệu VN là thích hóa đơn mua hàng ở nước ngoài. Nhiều khách thích túi Chanel phải mua ở Pháp mà không biết rằng Chanel mua ở châu Á thì trên hóa đơn có in mã code của túi, còn ở châu Âu thì không.

Lý do là khách hàng e ngại bị trộn hàng nhái khi mua hàng hiệu ở VN, đây cũng là trở ngại mà các nhà phân phối hàng hiệu chính hãng tại VN phải đối mặt.

Quan niệm của người bán đồ hiệu

Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ cửa hàng đồ hiệu trên phố Phan Bội Châu (Hà Nội), kể chị từng gặp những cô bé mới học lớp 4 mà xách chiếc túi Chanel hơn 100 triệu đồng, quần áo cũng toàn hàng hiệu 2-3 triệu đồng/chiếc. Có đợt hàng về, chị phải trả cho một khách nữ 4 chiếc váy giá... xấp xỉ 400 triệu đồng.

Một năm trước, chị Huyền nghỉ việc ở một công ty nước ngoài, nghĩ mãi chị mới dám đi đến quyết định này vì tiếc bốn năm du học ở Thụy Sĩ, rồi bố mẹ, gia đình phản đối vì bỏ công việc được trọng vọng, lương cao để dấn thân vào chốn mua bán... đồ hiệu.

Cùng với hai người bạn, nhóm chị Huyền đang có mục tiêu phát triển từ từ nhưng vững chắc về kinh doanh hàng hiệu và đồ gia dụng nhập khẩu.

Tuy nhiên, chủ cửa hàng đồ hiệu này lại không dùng quá nhiều đồ hiệu khi chị quan niệm dùng hàng hiệu theo kiểu thông minh.

Chị Huyền nói: “Nếu lương chị không cao và chị đang có hai con nhỏ thì thật là bất nhẫn nếu chị cứ gồng, cứ cố để mua những món đồ hiệu đắt tiền. Tôi có những người bạn là con của tỉ phú, có sở thích lái máy bay nhưng họ chỉ thích mặc quần short áo phông. Ăn mặc phù hợp với mình mới là sống thông minh”.

Nhờ những bí quyết kinh doanh như nhớ mặt nhớ tên từng khách hàng và tạo cho họ cảm giác tin tưởng, cửa hàng của chị Nguyễn Thu Huyền thuộc diện đông khách của thủ đô. Nhưng chị Huyền và các bạn chỉ coi đây là một bước đệm để tiến tới phân phối chính thức một mặt hàng các bạn đang rất thích và kỳ vọng vì tới đây khi chính sách thuế thay đổi, hàng hiệu chính hãng sẽ rẻ hơn và lúc đó những công ty phân phối chính hãng sẽ có lợi thế.

LAN ANH - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên