20/02/2025 09:47 GMT+7

Chợ truyền thống thay đổi ra sao?

Trong bối cảnh thói quen của người tiêu dùng thay đổi, mua bán trực tuyến nhiều hơn, chợ truyền thống ở TP.HCM phải thay đổi.

Chợ truyền thống thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Một phiên livestream tại chợ Bến Thành trong năm 2023 đã có hàng chục ngàn đơn hàng được bán - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Sở Công Thương TP.HCM đang thực hiện đề án đổi mới chợ truyền thống (dự kiến đến tháng 6-2025 nghiệm thu), với kỳ vọng sẽ làm chợ truyền thống phù hợp xu thế mới và đem lại sự thay đổi tích cực cho đời sống tiểu thương.

Chợ ế, tiểu thương khó khăn

Sau Tết, chợ truyền thống ở TP.HCM tiếp tục ế ẩm, không ít tiểu thương nói lời chia tay chợ. Ngay tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) được ví là "chợ nhà giàu", sầm uất và nhộn nhịp giữa trung tâm thành phố, lượng khách đến chợ cũng không nhiều. Gần một năm nay, chị Lương Thị Lan (tiểu thương bán đồ trang sức và mỹ phẩm) chọn... bán một buổi.

"Nghỉ hẳn thì không đành, bán một buổi vì không ít khách. Khách nước ngoài sức mua giảm 50%, khoảng một nửa lượng khách đến chỉ trải nghiệm tham quan chợ. Thuế thì tiểu thương vẫn phải đóng. Buổi chiều tôi đóng sạp vì dành thời gian làm công việc khác kiếm thêm thu nhập", chị Lan cho biết.

Trả lời câu hỏi "Thay vì đóng sạp buổi chiều, sao không chuyển sang livestream bán hàng hoặc thuê KOL để hàng bán "trôi" hơn?", chị Lan cho rằng: "Không dễ, vì bị "ăn hết lợi nhuận".

"Tôi từng liên lạc thuê người nổi tiếng để bán hàng nhưng được báo chi phí hoa hồng 20%. Phí quá cao, nếu 5-7% tôi còn cố gắng. Biết là lên mạng bán hàng mới là xu thế, là giải pháp, nhưng phải có cách chứ không đơn giản. Nếu dễ lên, dễ lời thì tôi đã chuyển hẳn lên mạng bán hàng", chị Lan nói thêm.

Mùng 6 Tết, phóng viên Tuổi Trẻ bất ngờ bắt gặp chị T.K.X. (quê Long An, thuê trọ trong hẻm 37 đường Trần Quốc Toản, quận 3) - từng là tiểu thương bán cá gần 5 năm ở ngay lối vào (hướng đường Nguyễn Hữu Cầu) chợ Tân Định - lại đứng bán trái cây ở lề đường bên ngoài chợ. Giải thích không bán cá trong chợ mà chuyển hẳn sang bán trái cây, chị T.K.X. cho rằng đây là "việc chẳng đặng đừng".

Chợ truyền thống thay đổi ra sao? - Ảnh 2.

Một sạp hàng ở chợ Gò Vấp treo bảng cho thuê, sang nhượng (ảnh chụp chiều 19-2) - Ảnh: BÉ HIẾU

Khu bán cá của chị gồm 4 sạp, đóng thuế một tháng gần 2,5 triệu đồng. Hơn một năm qua chị "gồng" bám trụ chợ vì có lượng khách quen hay gọi điện, nhắn tin đặt hàng.

"Bây giờ khách quen đã mua ở trung tâm, ở siêu thị mini. Mình đã chủ động nhắn hỏi hôm nay ăn gì để rào khách hàng nhưng không ăn thua. Khách lạ không thấy đi chợ. Bán cả ngày có khi được vài trăm nghìn đồng. Tôi chuyển sang bán trái cây là tạm thời vì chưa biết kinh doanh gì".

Chị T.K.X. đang loay hoay: "Tôi sẽ kiếm gì bán được trên mạng, bán kết hợp, nhưng chưa tìm được mặt hàng nào để kinh doanh vì đâu cũng ế cả".

Chuyện của các tiểu thương ở chợ Tân Định không còn là chuyện của riêng ai, của riêng chợ nào. Hầu hết các chợ ở TP.HCM như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bình Tây (quận 6), An Đông, Kim Biên (quận 5), Bà Hoa, Tân Bình (quận Tân Bình) cũng ế ẩm, sức mua giảm.

Chợ truyền thống thay đổi ra sao? - Ảnh 3.

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Đồ họa: TUẤN ANH

Lượng khách đến chợ giảm

Theo số liệu mới nhất từ Sở Công Thương TP.HCM, thành phố hiện có 232 chợ gồm 3 chợ đầu mối và 229 chợ dân sinh.

Riêng với hệ thống chợ dân sinh, số lượng thương nhân hoạt động trở lại sau dịch COVID-19 khoảng 60 - 80%.

Trong đó các ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, số tiểu thương quay lại kinh doanh đạt từ 80 - 100%; ngành hàng khác như quần áo, vải, giày dép... khoảng 30 - 70%.

Hiện nay lượng khách đến chợ giảm 20 - 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19 và giảm 30 - 50% so với thời điểm năm 2019.

"Chợ hiện đại" không chỉ là nơi người tiêu dùng mua hàng, mà còn là nơi vui chơi giải trí và gia tăng trải nghiệm khách hàng. Vì thế chợ truyền thống cần phải thay đổi.



TS Nguyễn Hữu Huân (trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM)


Hỗ trợ chưa phù hợp

Tháng 5-2024, TP.HCM xây dựng mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống, làm thí điểm tại chợ Bến Thành (quận 1).

Theo đó, tiểu thương sẽ được hỗ trợ bán hàng trực tuyến và tổ chức các khóa tập huấn thực hành kỹ năng bán hàng trực tuyến, đào tạo người sáng tạo nội dung (KOL) tại chợ, hỗ trợ thương nhân trực tiếp khởi tạo và vận hành gian hàng trực tuyến...

Thế nhưng, theo bà Trần Quỳnh Như, phó Phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM), sự hỗ trợ cho mô hình này không phải chợ nào cũng bán được, không phải thương nhân nào cũng thích ứng, nó không phải giải pháp bền vững.

"Các KOL, KOC... họ đòi phần hoa hồng trên doanh số bán hàng đến 20%, thương lượng một tháng phải gửi cho họ số tiền cụ thể bao nhiêu đó... việc này thương nhân không đồng ý ký hợp đồng. Chi phí hoa hồng cho người sáng tạo nội dung quá cao, không nuôi được mô hình này. Nó tạo làn sóng theo xu hướng, nhưng mặt lâu dài không phải là giải pháp phù hợp", bà Như đánh giá.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hiệp, phó ban quản lý chợ Bến Thành, cho biết hiện nay chợ Bến Thành có 1.200 sạp, trong đó 1.000 sạp hoạt động thường xuyên.

Nói về tình hình kinh doanh chợ trước và sau khi tiểu thương có được hướng dẫn, hỗ trợ từ các ban ngành để tiếp cận cách bán hàng trên nền tảng số, ông Hiệp cho rằng: "Việc hỗ trợ tiểu thương liên kết, tiếp thị nhiều không gian, hình thức bán hàng chưa có nhiều tác dụng vì không phù hợp.

Chỉ nổi lên vài hôm rồi sau đó không thấy tiểu thương nào "tất bật" với máy móc nữa. Đó chỉ là thêm hình thức để thương nhân học nếu năng lực phù hợp. Vì chủ yếu tiểu thương ở chợ bán lẻ truyền thống, không thể cạnh tranh so sánh với những công ty lớn, kênh chuyên nghiệp", ông Hiệp lý giải.

Thừa nhận chuyện giúp tiểu thương, thương nhân tiếp cận kinh doanh trên nền tảng số thí điểm ở chợ Bến Thành chỉ là giải pháp bổ trợ, không phải là căn cơ, một lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM nói trước khi có giải pháp trọng tâm, phải nhìn lại những lý do vì đâu chợ truyền thống ế.

Vị này liệt kê: "Trước hết, hạ tầng xuống cấp, không đầu tư do vướng quy định. Vì tất cả các thiết chế cơ bản của chợ truyền thống là thiết chế công cộng, nên trước đây theo quy định bắt tiểu thương đóng thuế và đóng tiền sử dụng đất như là một đơn vị khai thác thương mại dịch vụ.

Rồi việc mua bán lấn chiếm lòng lề đường không giải quyết triệt để, không đóng thuế (cái này thuộc địa phương quản lý), rồi hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, rồi những loại hình thay thế chợ truyền thống phát triển (gồm cửa hàng, thương mại điện tử, trung tâm mua sắm, đại siêu thị...), và cuối cùng chính là sự chậm đổi mới của tiểu thương".

Kết hợp bán online và offline

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, mô hình kinh doanh offline nhất là ở chợ truyền thống không còn phù hợp vì cách thức kinh doanh đã quá cũ.

Bản chất sẽ không tồn tại khi không thay đổi theo hướng hiện đại hiệu quả hơn so với mô hình hiện tại.

"Tiểu thương bắt buộc phải biết kết hợp bán online và offline; biến khu vực, shop hàng của mình thành "cứ điểm" giao và nhận hàng. Cần phải học cách kinh doanh trên thương mại điện tử hay các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok... để thay đổi được doanh thu theo thói quen hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang thay đổi", ông Huân gợi ý giải pháp.

Nhìn tổng quan chợ truyền thống, ông Huân nói nếu chỉ đi chợ mua vài món đồ chắc chắn không phải là lựa chọn của 90% người tiêu dùng, vì có thể mua tại nhà qua điện thoại nên cần tái cấu trúc xây dựng chợ hiện đại, phát triển thành trung tâm thương mại.

Giải tỏa, sáp nhập, chuyển đổi công năng 37 chợ truyền thống

Chuyện chợ không có nhà lồng, chợ tạm trên bãi đất trống (hoặc trên lòng, lề đường), không có nhà vệ sinh công cộng phải sử dụng nhà vệ sinh của người dân, cơ sở hạ tầng được cải thiện chứ chưa nâng cấp... làm cho tính cạnh tranh của chợ truyền thống với các mô hình kinh doanh khác gần như không có.

Sắp tới, thành phố có giải pháp "thay áo" cho chợ truyền thống.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, sở đang phối hợp cùng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) triển khai đề án nghiên cứu khoa học công nghệ về phát triển hệ thống chợ tại TP.HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế.

"Chợ là thiết chế cần sự trợ sức đầu tư từ Nhà nước, để nó là thiết chế văn hóa, mua sắm, phục vụ cộng đồng dân cư và tồn tại lâu dài với sự phát triển của đô thị. Hiện nay lượng cung ứng ở chợ đầu mối và chợ truyền thống vẫn chiếm 60% lượng hàng tiêu dùng của người dân.

Trong số 232 chợ hiện nay, đề án hướng tới dự kiến chỉ còn 195 chợ, trong đó có 37 chợ giải tỏa, sáp nhập di dời, chuyển đổi công năng thành hoa viên, khu phố, khu sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại như chợ Lò Gốm (quận 6); hoặc có những chợ ngưng hoạt động... theo đề nghị của địa phương.

Nhà nước hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng của chợ truyền thống, vệ sinh môi trường, giao thông nội bộ, bãi giữ xe, nhà vệ sinh, tiện ích trong lồng chợ sẽ được cải tạo.

Trong khi các siêu thị tiện ích mát mẻ, phục vụ bán hàng tốt, thì chợ truyền thống cũng phải nâng tiện ích của mình. Từ đây tính cạnh tranh của chợ truyền thống sẽ được nâng mức", lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM thông tin.

Mỗi loại chợ có giải pháp nâng cấp khác nhau

Nói rõ hơn về đề án, theo bà Trần Quỳnh Như, phó Phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM), trước đây nâng cấp hạ tầng chợ truyền thống bị vướng, không cho đầu tư công, không chi từ ngân sách cho sửa chữa.

Nhưng hiện nay điểm vướng này được gỡ từ nghị định 60, sở đang xây dựng đề án và dự kiến tháng 6-2025 sẽ nghiệm thu.

"Với giải pháp giúp chợ dân sinh có thể thích ứng và có những mô hình phát triển phù hợp, đề án tập trung các nhóm giải pháp nhằm tạo sức hút cho chợ dân sinh, xoay quanh việc cải thiện diện mạo chợ, chất lượng hàng hóa sản phẩm, cách tiếp cận khách hàng.

Trong các chợ dân sinh chia ra làm ba khu vực: chợ có điểm đến du lịch (như chợ Tân Định, Bến Thành), chợ ở khu vực trung tâm thành phố, chợ ngoại ô (như huyện Cần Giờ).

Mỗi loại chợ sẽ có những giải pháp nâng cấp, đổi mới khác nhau trong tổng thể các giải pháp" - bà Như nói.

Vận dụng kinh nghiệm chợ truyền thống ở nước ngoài

Chợ truyền thống thay đổi ra sao? - Ảnh 4.

Chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng thưa thớt khách (ảnh chụp chiều 19-2) - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, chợ truyền thống sẽ tồn tại lâu dài trong phát triển đô thị.

Châu Âu phát triển trước chúng ta nhưng chợ truyền thống vẫn còn vì nó vẫn có không gian riêng, có khách hàng riêng, không gian văn hóa của nó không có cái khác thay thế.

Dự thảo đề án đổi mới chợ truyền thống TP.HCM có dựa trên kinh nghiệm quốc tế.

Chẳng hạn chợ truyền thống ở châu Âu có khuôn khổ của thiết kế quy hoạch tổng thể thành phố theo mô hình "the 15 minutes city" (thành phố 15 phút). Các thiết kế có tiện ích dịch vụ đều nằm trong khoảng cách 15 phút đi bộ hoặc đạp xe.

Tại Trung Quốc, chính quyền địa phương ở các thành phố nơi có đô thị hóa mạnh cũng đặt mục tiêu đảm bảo khả năng tiếp cận của người dân từ nơi ở đến chợ. Vị trí tiếp cận thuận lợi, thu hẹp phạm vi di chuyển từ chợ truyền thống đến khu dân cư, tăng doanh thu cho tiểu thương và nuôi dưỡng sự tồn tại của chợ.

Hoặc nâng cao khả năng tiếp cận, lan tỏa sản phẩm từ chợ truyền thống tại Nam Kinh (Trung Quốc). Từ năm 1993 đến nay, chính sách "giỏ rau" luôn được chú trọng, mỗi khu nhà thành phố có thể tiếp cận tới 5 "giỏ rau": chợ truyền thống, khu hàng tươi sống ở siêu thị, cửa hàng "ưu đãi", giao đồ trực tuyến, cửa hàng nơi người mua tự nhận hàng.

Sự riêng biệt này góp phần tăng quy mô và mật độ chợ truyền thống, từ đó tăng số lượng tiểu thương và người bán hàng rong, giúp chợ truyền thống tiếp tục duy trì và phát triển.

Hay kinh nghiệm hạn chế cạnh tranh trực tiếp bằng cách điều chỉnh giờ mở cửa và ban hành quy định vận hành của các cửa hàng lớn ở Hàn Quốc; hoặc chuyển đổi một số chợ thành quảng trường và tổ chức chợ phiên và tăng phân cấp phân quyền, hỗ trợ tài chính cho việc nâng cấp mô hình các chợ..., giảm chi phí đầu tư, gia tăng cơ hội trải nghiệm mô hình mới.

Chợ truyền thống thay đổi ra sao? - Ảnh 5.Chợ truyền thống hẹp cửa nói thách

Chuyện nói thách, thậm chí có thái độ kém lịch sự, diễn ra khá phổ biến ở các chợ, các cửa hàng và tình trạng này càng tăng cao khi vào mùa mua sắm Giáng sinh và cuối năm. Điều này khiến không ít khách hàng thấy khó chịu, thậm chí bức xúc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên