24/09/2023 09:47 GMT+7

Cho trường mượn tiền được miễn, giảm học phí: Rủi ro đến đâu?

Phụ huynh đã tập trung tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN, huyện Nhà Bè, TP.HCM) để đòi lại học phí đã đóng cho con.

Học sinh trải nghiệm các hoạt động tại AISVN - Ảnh: Website nhà trường

Học sinh trải nghiệm các hoạt động tại AISVN - Ảnh: Website nhà trường

Phụ huynh cho biết đã đóng khoản tiền lớn, lên đến tiền tỉ. Đổi lại, sau khi con học xong, họ được cam kết trả lại số tiền đã đóng. 

Hiểu thế nào về các hình thức "đóng góp" này và lưu ý gì để hạn chế rủi ro? Phóng viên Tuổi Trẻ đã phỏng vấn chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên.

"Tạm ứng" học phí hay huy động vốn?

* Nguyên tắc hoạt động của các gói "đầu tư giáo dục" tại các trường quốc tế hiện thế nào, thưa ông?

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên

- Theo tôi được biết, gói đầu tư học phí trả trước nhiều năm không phải hiếm. Hiện tại ở TP.HCM, theo thống kê của tôi, có ít nhất hơn 10 trường quốc tế và song ngữ chào mời gói "đầu tư giáo dục" cho phụ huynh đóng học phí trước 3 năm, 5 năm, thậm chí tới 12 hoặc 15 năm.

Đổi lại, phụ huynh được hưởng học phí thấp hơn mức đóng lẻ từng năm. Sức hút của gói "đầu tư giáo dục dài hạn" này là mức giảm học phí có thể lên 20%, 40% hoặc cao hơn, do vậy hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng. 

Ví dụ thay vì đóng 12 năm, mỗi năm trung bình 500 triệu, tổng cộng là 6 tỉ đồng để học trường quốc tế thì nếu đóng một lần, phụ huynh có thể chỉ đóng gói 3-4 tỉ đồng cho 12 năm học.

Cá biệt có những gói đầu tư giống như "vay vốn" của phụ huynh. Theo đó, phụ huynh đóng vào trường một khoản tiền trong 12 năm. Trong suốt thời gian đó học sinh được học miễn phí, hết 12 năm trường hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng. Có thể hiểu số tiền lãi đã được dùng để chi trả tiền học cho học sinh. Về bản chất, đây là một hợp đồng "huy động vốn".

* Pháp luật đang quy định với các gói "đầu tư giáo dục" này như thế nào?

- Hiện nay các dạng hợp đồng vay vốn giữa phụ huynh và trường tư như nói trên được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dân sự, có sự tự nguyện của cả hai bên. Phụ huynh biết rõ quyền lợi của mình theo điều khoản hợp đồng. Đây là một hình thức nhà đầu tư "cắt cầu" ngân hàng. 

Thay vì vay tiền của ngân hàng để xây dựng, phát triển trường, nâng cao chất lượng... thì họ vay trực tiếp của phụ huynh. 

Một đặc điểm riêng của dịch vụ trường học là trường thu tiền trước rồi cung cấp dịch vụ sau. Bao giờ người học cũng phải đóng học phí trước khi học. Với gói đầu tư giáo dục dài hạn, người học còn phải "tạm ứng" trước nhiều năm cho nhà trường.

* Hiện có quy định nào về việc sử dụng các khoản tiền này, chẳng hạn trường chỉ được dùng để đầu tư cho giáo dục?

- Tôi cho rằng một trường học huy động vốn của phụ huynh thông qua gói đầu tư dài hạn để xây dựng, nâng cấp, phát triển trường là một nhu cầu lành mạnh. Nếu thực hiện tốt, cả phụ huynh và trường cùng có lợi. 

Tuy nhiên, nếu huy động tiền để đầu tư ngoài nhà trường, đầu tư mạo hiểm như kinh doanh chứng khoán, đầu cơ đất... thì hoàn toàn không chính đáng. Phụ huynh có quyền yêu cầu trường cam kết về mục đích đầu tư hoặc minh bạch thông tin đầu tư thông qua hợp đồng giữa hai bên.

Giả sử một trường quốc tế có 1.000 học sinh, trong đó có 200 phụ huynh (20%) tham gia gói đầu tư 12 năm, mỗi gói 5 tỉ đồng, thì trường huy động được 1.000 tỉ đồng - một con số lớn. Do vậy, cần có cơ chế để ngăn ngừa trường sử dụng số tiền huy động được sai mục đích cam kết với phụ huynh.

Cần minh bạch tài chính

* Những rủi ro ở đây là gì?

- Về lý thuyết gói đầu tư có thể kéo dài 12 năm. Nhưng trên thực tế tôi thấy nhiều phụ huynh phải rao bán các gói đầu tư giữa chừng. Bởi trong thời gian đó có nhiều thay đổi như chuyển nhà, chuyển trường, chất lượng trường thay đổi, trường chuyển chủ đầu tư... 

Một mặt gói đầu tư được xem là giúp phụ huynh không phải lo học phí tăng hằng năm 10 - 15% thì mặt khác, rất nhiều học sinh không thể đi hết 12 năm cùng với trường. Do vậy những lợi ích tính toán trên lý thuyết ban đầu cũng không còn đúng nữa.

* Trong trường hợp có rủi ro như trên, theo ông, phụ huynh cần làm gì?

- Theo tôi, phụ huynh có quyền yêu cầu trường minh bạch thông tin về tình hình tài chính của trường với phụ huynh đầu tư, ví dụ thông qua kiểm toán độc lập của các công ty kiểm toán lớn. 

Điều này cần được thể hiện qua hợp đồng. Khi nghi ngờ trường vỡ nợ, phụ huynh có thể báo cáo sự việc cho các cơ quan như phòng, sở giáo dục - đào tạo để phối hợp giải quyết vấn đề học tập cho học sinh. 

Trong trường hợp trường sắp phá sản hoặc tuyên bố phá sản, phụ huynh là "chủ nợ" có quyền yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa tài sản của trường để thực hiện việc trả nợ theo thứ tự ưu tiên theo các quy định của luật pháp về phá sản của doanh nghiệp.

* Ông có lời khuyên nào cho các phụ huynh đang cân nhắc cho con theo học những gói "đầu tư giáo dục" này?

- Phụ huynh cần hiểu bản chất của hình thức đầu tư giáo dục này là một gói đầu tư, đừng để chữ "giáo dục" gắn vào khiến mình bị thiên vị, mất lý trí. Tâm lý chung thì cha mẹ nào cũng muốn làm những gì tốt nhất cho con, và cho con một nền học vấn đàng hoàng là tâm huyết của người làm cha, làm mẹ. 

Việc thu xếp được cho con học trường tốt trong suốt 12 năm phổ thông là một nghĩa vụ rất thiêng liêng của cha mẹ, trong bối cảnh giáo dục công lập còn quá tải, chưa phục vụ hết những nhu cầu cao hơn của các gia đình.

Tuy nhiên, chọn ai để đầu tư vào là chuyện rất hệ trọng. Rất nhiều chủ trường luôn tự cho mình là những người "làm giáo dục" nhưng thực chất họ là các nhà "kinh doanh giáo dục" đơn thuần, rất hạn chế về hiểu biết đặc thù của giáo dục, cũng ít tâm huyết dành cho ngôi trường mà mình tạo ra hay sở hữu. Đó là hạn chế của mô hình trường tư thục hoạt động như một doanh nghiệp vì lợi nhuận tại Việt Nam hiện nay.

* Nói đi cũng phải nói lại, trong trường hợp mọi chuyện suôn sẻ, gói "đầu tư giáo dục" có thể đem lại lợi ích gì?

- Trong tình huống trường có phương án tài chính kỹ lưỡng và hiệu quả, họ có thể "mượn" vốn từ phụ huynh để xây dựng, phát triển trường thì hình thức hợp tác này "đôi bên cùng có lợi". Nhưng để đảm bảo lợi ích của chính mình và ngăn chặn khả năng gián đoạn việc học của con cái, phụ huynh cần tìm hiểu rõ về uy tín của chủ trường, đánh giá mức độ cam kết cũng như khả năng thành công của họ trong dự án phát triển trường. Còn nếu biết rõ trường mang tiền học phí của học sinh đi đầu cơ đất đai, chứng khoán mà phụ huynh vẫn bỏ tiền ra thì rõ ràng là sự lạc lối này có sự "tiếp tay" của phụ huynh.

Chủ Trường quốc tế Mỹ Việt Nam: 'Sẽ trả dần gói đầu tư cho phụ huynh sau khi tái cấu trúc nợ'Chủ Trường quốc tế Mỹ Việt Nam: "Sẽ trả dần gói đầu tư cho phụ huynh sau khi tái cấu trúc nợ"

Theo bà Nguyễn Thị Út Em, chủ tịch hội đồng Trường quốc tế Mỹ Việt Nam, việc tái cấu trúc nợ của trường sẽ được hoàn thành chậm nhất đến quý 1 năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên