Bệnh nhân T.T.P. (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bị tai biến thẩm mỹ sau tiêm filler vào ngực, mặt đã được xuất viện sau 8 ngày can thiệp ECMO - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 6-5, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân T.T.P. (39 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bị tai biến thẩm mỹ sau tiêm filler (chất làm đầy) vào ngực, mặt đã được xuất viện sau 8 ngày can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bác sĩ Trần Hữu Chinh - khoa nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết các tai biến về thẩm mỹ hầu hết biến chứng nặng dẫn đến tử vong. Chị T.T.P. là một trong những trường hợp hiếm hoi được cứu sống sau khi gặp biến chứng nặng nhờ can thiệp ECMO kịp thời.
Trước đó, ngày 23-4, chị T.T.P. đến một cơ sở thẩm mỹ để tiêm 3 lọ filler Alisa (dung tích 50 ml/lọ) vào vùng ngực và mặt. Sau tiêm, chị cảm thấy mệt và ngày hôm sau tình trạng này càng trầm trọng, kèm theo khó thở.
Chị P. sau đó được đưa đến Bệnh viện Quận Bình Tân theo dõi. Tại đây, bệnh nhân bị tụt huyết áp phải chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu vào khuya 24-4 trong tình trạng khó thở, oxy máu thấp, huyết áp tụt, choáng tim.
Bác sĩ Đặng Quý Đức - phó khoa nội tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết sau cuộc hội chẩn khẩn cấp, các y bác sĩ quyết định can thiệp bằng ECMO ngay trong đêm.
"Bệnh nhân được chẩn đoán choáng tim, tổn thương cơ tim sau khi tiêm filler và không loại trừ khả năng tổn thương này được gây ra do tiêm filler Alisa có lidocaine. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tổn thương gan và tổn thương thận cấp" - bác sĩ Đức nói.
Ngoài việc đặt ECMO, bệnh nhân còn được cho chạy thận nhân tạo hỗ trợ. Đến ngày thứ 8, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, cai ECMO, ngưng chạy thận, các chức năng gan, thận và tim gần như hồi phục hoàn toàn.
Lidocaine là gì?
Bác sĩ Đặng Quý Đức cho biết lidocaine là một loại thuốc tê tại chỗ thuộc nhóm amid. Cơ chế tác dụng của lidocaine là phong bế cả sự phát sinh và dẫn truyền xung động thần kinh thông qua việc giảm tính thấm của màng tế bào thần kinh với ion natri.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận