Ngoài việc đổi mới về phương pháp giảng dạy và cách ra đề, cô đã khơi dậy giá trị tốt đẹp ở học trò qua cách chấm bài. Nếu một giáo viên cứng nhắc trong tư duy và lạnh lùng trong xúc cảm thì bài viết của Nguyễn Trung Hiếu sẽ bị phê là sai kiểu bài. Một bài văn nghị luận xã hội sẽ được khai thác bằng các thao tác nghị luận tương ứng. Hiếu lại viết dưới dạng một bức thư... Nhưng điều đó đã không còn quan trọng bởi sự đồng cảm từ bài viết đã mang cô giáo đi xa trong thế giới chỉ còn tình yêu và sự thổn thức. Để cô nhận ra rằng có những lúc chân lý phải nghiêng mình trước đạo lý.
Ở góc độ sư phạm, qua bài văn, cô hiểu hơn học sinh của mình. Và cô biết mình cần làm gì ngoài việc dạy chữ. Chính quan niệm dạy học nhân văn này đã tạo sự cộng hưởng tốt đẹp trong xã hội, giúp giới trẻ định hướng được giá trị sống bằng việc soi mình vào “nhân vật” của bài văn. Thật không gì ý nghĩa hơn!
Chúng ta cũng sẽ khó quên được hình ảnh thầy Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp) qua bài “Lớp chủ nhiệm của tôi” trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số tuần này. Cái cách thầy gieo niềm tin nơi trò nhỏ và vực em dậy trong gia cảnh đơn chiếc để tin rằng một ngày nào đó em sẽ gặp lại mẹ để nói rằng: Mẹ ơi! Con đã thành người... Hay “Cuộc chiến giành lại học trò từ tiệm net” của thầy cũng “ngoạn mục” không kém cách mà thầy giáo Mỹ Frank McCourt nhặt chiếc bánh mì do học sinh ném vào mình để ăn... Hết thảy điều thầy nghĩ, cách thầy làm đều không nằm ngoài sự trăn trở đầy yêu thương của một nhà giáo trước những đổi thay của xã hội đương đại mà học sinh chưa kịp trưởng thành. Và thầy đã không để các em đơn độc trong hành trình đó.
Không chỉ cô Nguyệt Anh hay thầy Hữu Nhân, chúng ta cũng đã từng biết đến rất nhiều người thầy, người cô tận tâm, sáng tạo, hết mình vì học trò. Đặc biệt, trong những ngày này, trên khắp các mặt báo, trên khắp các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể gặp gỡ được rất nhiều gương mặt thầy cô giáo khác luôn biết đốt cháy đam mê nghề nghiệp để thắp sáng lương tri cho nhiều thế hệ học trò.
Từ đó chúng ta có thể nhận thấy nếu giáo dục là khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho học sinh thì nội dung thứ hai thật sự quan trọng và cần thiết. Người học sẽ khó đồng cảm và thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp nếu thiếu đi sự định hướng đầy ân tình của người thầy. Khi trải lòng mình qua những lời nói, cử chỉ và cách giải quyết tình huống sư phạm, người giáo viên sẽ giúp giới trẻ định hình được giá trị sống. Và đó là điều mà xã hội mong đợi.
Vì những ý nghĩa nhân văn cao cả đó mà chúng ta - những người thầy sẽ cùng làm cho cánh đồng cuộc sống bớt hoang vu, góp thêm ánh sáng để những nụ hoa kia nhẹ nhàng bung cánh, làm động cơ để bật tung những sức mạnh... Những sức mạnh, ánh sáng kia sẽ biến cuộc sống đời thường thành những điều kỳ diệu, sẽ từ khối bất động sáng tạo ra cái đẹp. Cái đẹp của giá trị sống đích thực. Từ đó, giúp giới trẻ nhận ra: “Luật của cuộc sống ở trong sự tử tế của tâm hồn chúng ta. Nếu con tim của chúng ta trống rỗng thì không có luật nào hay tổ chức nào có thể lấp đầy” - Lev Tolstoy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận