17/08/2021 06:35 GMT+7

Chợ mở lại đắt khách, thêm 'vùng xanh' để mở tiếp

NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRí
NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRí

TTO - Ông Võ Văn Hành - chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Thịnh, đơn vị quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu - cho biết sau hơn một tuần mở cửa lại, chợ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Khách đến đông hơn, lượng hàng nhập chợ cũng đang tăng dần đều.

Chợ mở lại đắt khách, thêm vùng xanh để mở tiếp - Ảnh 1.

Khách mua các gói combo rau củ quả và trái cây trên xe bán hàng thực phẩm bình ổn lưu động tại quận 4, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Nhiều chợ vừa mở lại đã đắt hàng. Nhưng số lượng các chợ truyền thống mở cửa trở lại sẽ gắn với nỗ lực "mở rộng vùng xanh, khoanh hẹp vùng đỏ" mà TP.HCM đang thực hiện.

Đến nay, toàn TP đã có 40 chợ (trong số 237 chợ) đang hoạt động. Trong khi việc mở lại chợ truyền thống còn nhiều khó khăn thì việc duy trì những chợ hiện hữu cũng cần nỗ lực rất lớn.

Chợ mở lại đắt khách, nhiều nơi tính nới

Ông Võ Văn Hành - chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Thịnh, đơn vị quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) - cho biết sau hơn một tuần đưa vào hoạt động trở lại, chợ ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Khách đến đông hơn, lượng hàng nhập chợ cũng đang tăng dần đều.

Trong ngày 16-8, chợ bắt đầu đưa hàng lên ứng dụng của Sở Công thương TP để bán hàng online, dù chỉ có hai đơn hàng giá trị hơn 500.000 đồng nhưng cũng là khởi đầu đáng khích lệ. Hiện tiểu thương tại chợ đã cung cấp hình ảnh, giá bán, chính quyền sẽ hỗ trợ quảng bá kênh bán hàng đến người dân, xác nhận đơn hàng và tìm đội ngũ giao hàng.

"Chúng tôi hy vọng sau mùa dịch, bà con tiểu thương sẽ có thể kết hợp cả bán hàng truyền thống và bán hàng online để mang sản phẩm phân phối đến nhiều khách hàng hơn" - ông Hành nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hòa - phó Phòng kinh tế quận Phú Nhuận, sau khi mở lại chợ Nguyễn Đình Chiểu với quy mô 15 gian hàng, quận đã có phương án mở thêm 2 chợ còn lại trên địa bàn với mô hình tương tự. Nhưng mục tiêu của quận này là sẽ tăng sự kết nối giữa người bán và người mua mà không cần phải ra chợ, không cần di chuyển. Nếu việc thí điểm thành công, quận Phú Nhuận sẽ phát triển ra tất cả các chợ trên địa bàn.

Tại quận 11, ông Nguyễn Bá Tùng - trưởng ban quản lý chợ Bình Thới - cho biết sau một thời gian hoạt động, chợ đang chuẩn bị trình kế hoạch xin phép tăng quy mô bán hàng từ 15 - 20 tiểu thương tại chợ hiện nay lên 30 - 60 tiểu thương để đáp ứng nhu cầu người dân. "Nhiều tiểu thương mong muốn được bán hàng, nhu cầu của người dân hiện ở mức cao. Do đó, việc tăng quy mô chợ là phù hợp" - ông Tùng nói và cho hay ngoài kế hoạch tăng lượng tiểu thương bán tại chỗ, chợ sẽ tăng thêm quy mô các đội bán lưu động.

Tăng hỗ trợ để giảm tình trạng bán chui

Dù vậy, nhiều nơi vẫn gặp khó. TP.HCM liên tiếp có văn bản hối thúc các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng phương án để chợ truyền thống hoạt động lại trong điều kiện bảo đảm an toàn, nhưng thực tế tốc độ mở lại chợ vẫn rất chậm.

Bà Lê Thị Bảo Anh - trưởng Phòng kinh tế quận 10 - cho biết quận hiện có 6 chợ truyền thống nhưng chỉ có chợ Nguyễn Tri Phương còn hoạt động với quy mô 30 - 35 tiểu thương, bán cả ngày, còn lại các chợ khác tạm ngưng vì xuất hiện ca dương tính, có chợ ngưng hơn một tháng qua.

Mật độ mua sắm nhiều siêu thị cao, ở những khu vực xung quanh chợ truyền thống đóng cửa đã xuất hiện tình trạng các chợ tự phát, điểm bán chui ngày càng nở rộ, tiềm ẩn nhiều rủi ro do không được tổ chức, quản lý.

Theo đại diện Phòng kinh tế quận 11, hiện quận có 2/3 chợ truyền thống vẫn duy trì hoạt động dưới dạng bán thí điểm ở quy mô nhỏ. Mô hình bán hàng lưu động, bán combo hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, để mô hình này mở rộng, cần sự kết nối, hỗ trợ xe buýt vào bán lưu động, nguồn cung giá tốt để tiểu thương duy trì hoạt động.

Kinh nghiệm từ mở lại chợ hơn một tuần qua, đại diện chợ Nguyễn Đình Chiểu cho biết cần chọn đúng tiểu thương đã được tiêm vắc xin và có nguồn hàng tốt, ổn định. Ngoài ra còn phải thuyết phục tiểu thương bán hàng bằng các biện pháp bảo vệ để họ yên tâm. Ngoài ra, để mở lại chợ hiệu quả, cần hỗ trợ khâu vận tải hàng hóa, nhiều tiểu thương gặp khó nên giá bán tại chợ cao hơn ở siêu thị, không kích thích được người mua.

Ngại đi bán vì sợ phải cách ly

Đại diện ban quản lý một chợ trên địa bàn quận Tân Bình cho biết hầu hết các chợ trên địa bàn hiện chưa được chính quyền cho mở lại dù các tiểu thương đã đăng ký bán, có kế hoạch và người dân cũng có nhu cầu.

Bà Đào Thị Ánh Tuyết - phó Phòng kinh tế quận 5 - cho biết chủ trương của quận là không mở cửa chợ trong thời điểm này vì dịch bệnh còn phức tạp, chưa kể quận ra chỉ tiêu đến 31-8 không phát sinh ca mới nào nên việc mở lại chợ càng khó. Tuy vậy, bà Tuyết cho biết đã có phương án bán hàng lưu động, hàng online để hỗ trợ người dân.

Không chỉ phía chính quyền có nơi e ngại, đại diện một số ban quản lý các chợ nhấn mạnh lý do: Để một chợ truyền thống hoạt động trở lại dù quy mô nhỏ tốn rất nhiều công sức. Nhưng chỉ cần có một F0 đến mua sắm, toàn chợ phải đóng cửa khử khuẩn. Ban quản lý, tiểu thương thành F1 và phải tự cách ly nên họ không mặn mà đi bán trở lại. Điều này sẽ không dễ giải quyết nếu không có các giải pháp đồng bộ từ chính quyền TP.

Cũng theo nhiều ban quản lý chợ, những khu chợ trong khu dân cư được xác định an toàn hay "vùng xanh" thì tiểu thương tự tin trở lại bán hàng hơn. Nên tốc độ mở lại chợ có thể tùy thuộc nhiều vào nỗ lực của địa bàn đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-8, bà Lê Thị Bảo Anh cho biết quận đã xây dựng kịch bản sẽ mở lại các chợ khi xử lý xong quy trình y tế và trong phạm vi an toàn, tức ở những khu vực có "vùng xanh". Quận sẽ cho tiểu thương đủ điều kiện đăng ký bán hàng theo ngày chẵn lẻ, bán giãn cách...

Nhiều chợ cung không đáp ứng kịp cầu

Theo bà Xuân - một tiểu thương tại chợ Bình Thới, chợ chỉ tổ chức bán trong 2 tiếng buổi sáng nhưng bà chỉ bán 1 tiếng rưỡi là hết 250kg thịt, nhiều người đến muộn không có hàng mua. Nhiều tiểu thương cho biết hiện nay nguồn cung hải sản đang thiếu hụt nên cần hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp mặt hàng này.

Hiện TP áp dụng "vùng xanh" nên nhiều khu vực người dân chỉ được đi chợ mỗi tuần một lần. Trong khi đó, nhiều siêu thị trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh. Do đó, ngoài việc mở chợ, các giải pháp để hỗ trợ nguồn cung bằng hình thức bán hàng online, giao hàng vẫn rất cần thiết.

Ngoài mua tại các chợ truyền thống, các siêu thị, cửa hàng, theo các chuyên gia bán lẻ, hiện người dân có thể mua hàng thực phẩm online trên các trang mạng hoặc mua hàng qua kênh bán hàng lưu động với mô hình bán hàng trên xe buýt do Sở Công thương TP phối hợp các doanh nghiệp, địa phương tổ chức bán tại nhiều tuyến điểm ở các quận; đăng ký mua hàng chung, theo combo thông qua chính quyền địa phương, các hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên...

TP.HCM yêu cầu khẩn: Quận, huyện đăng ký thời hạn, tiến độ tổ chức cho chợ hoạt động lại TP.HCM yêu cầu khẩn: Quận, huyện đăng ký thời hạn, tiến độ tổ chức cho chợ hoạt động lại

TTO - TP.HCM hiện có 40 chợ đang hoạt động và 197 chợ tạm ngưng (tính cả 3 chợ đầu mối) trong tổng số 237 chợ.

NHƯ BÌNH - NGUYỄN TRí
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên