24/09/2013 04:37 GMT+7

Chờ đợi giáo dục đổi mới thật sự

hungthuat
hungthuat

TT - Dự thảo đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” vừa được Bộ GD-ĐT công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hơn 170 ý kiến phản hồi của bạn đọc đã bày tỏ sự chờ đợi đổi mới và đóng góp thêm ý kiến cho đề án.

Đổi mới thi ngay những năm tớiỦng hộ đổi mới thi cử, nhưng băn khoăn

ll7yBlYm.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM trong ngày thi tốt nghiệp môn sinh năm 2013 - Ảnh: MINH ĐỨC

Mong đổi mới

Tôi - phụ huynh học sinh - rất mong sự đổi mới giáo dục để việc học và dạy ngày càng có kết quả hơn. Đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục, đào tạo là nhu cầu cấp bách và khẩn thiết vì hiện nay việc học của học sinh trở nên quá tải do học tràn lan, không có chọn lọc theo nhu cầu cần thiết cho mỗi cấp học. Do vậy cần phải giảm số môn học là chính xác, ở độ tuổi THPT cần phải có sự phân hóa mạnh mẽ vì đây là giai đoạn định hướng nghề nghiệp, cần phải cô đọng phạm vi nghiên cứu, học tập mới có thể phát huy được năng lực và chuyên sâu trong từng lĩnh vực để góp phần vào việc phát triển nhân tài trong tương lai. Còn về việc dạy cũng phải thay đổi triệt để. Cần phải chấm dứt việc học vẹt, chấm dứt tuyệt đối việc dạy theo kiểu đọc, chép.

ĐOÀN CHÍ DŨNG

Không nên bỏ thi

Là một giáo viên với 30 năm tuổi nghề, tôi cho rằng học mà không thi thì coi như không học. Tổ chức thi nghiêm túc thì tự khắc chất lượng giáo dục nước nhà đi lên.

Để đổi mới toàn diện giáo dục, tôi ủng hộ quan điểm phải có những bước đột phá quan trọng, mà bước đột phá đầu tiên vào khâu thi cử. Bằng kinh nghiệm dạy học và luôn trăn trở với sự xuống cấp của chất lượng giáo dục, tôi mạnh dạn đề ra những nguyên tắc trong thi cử như sau: 1. Xét tuyển đầu vào, thắt chặt đầu ra bằng thi tốt nghiệp. 2. Bỏ các chế độ ưu tiên trong thi cử (cộng điểm nghề, cộng điểm học lực giỏi, cộng điểm đoạt các loại giải...). 3. Khôi phục kỳ thi tốt nghiệp của các cấp học để vừa đánh giá chất lượng giáo dục của cấp học đó vừa làm cơ sở xét tuyển vào cấp học sau. 4. Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong thi cử. 5. Học gì thi nấy. 6. Đầu tư thích đáng cho các kỳ thi tốt nghiệp.

NGUYỄN VĂN THANG

Cần giảm tải hợp lý

Giải pháp giảm môn học cho học sinh các cấp nghe có vẻ hợp lý, nhưng theo tôi vẫn chưa là giải pháp toàn diện. Ít nhất là chưa thấy đề cập đến lượng giáo viên dư thừa do giảm bỏ một số môn học. Theo tôi, giảm tải cho học sinh không có nghĩa là cắt bỏ một vài môn học khỏi chương trình giảng dạy mà nên làm theo hướng rà soát, đánh giá lại nội dung các môn học để lược bỏ các phần: không còn phù hợp, quá “hàn lâm”, không thật sự hữu ích cho học sinh.

nhanvn@...

Đổi mới từ ngành sư phạm

Để đổi mới giáo dục, thứ nhất, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần siết chặt đầu vào của ngành sư phạm, phải tuyển được người giỏi mới mong có trò giỏi. Thứ hai, tuyển được người giỏi rồi thì phải tập trung đào tạo họ, phải cho họ được học với những người thầy giỏi, tâm huyết. Thứ ba, khi họ ra trường, các sở GD-ĐT cần tổ chức sát hạch lần nữa rồi mới chọn từ trên xuống (nhớ là phải công bằng). Nên cho những người có năng lực được lựa chọn nơi làm việc nào mà họ cảm thấy có thể phát huy hết sở trường của mình. Thứ tư, chế độ lương cho nhà giáo phải được nâng lên. Đừng để vì sinh nhai mà những người giỏi ngậm ngùi rời trường học đi làm cho công ty tư nhân. Thứ năm, học bổng du học của Nhà nước nên hướng đến giáo viên phổ thông nhiều hơn. Phải cho họ được đi, được tìm hiểu những nền giáo dục tiên tiến khác thì mới mong ngành giáo dục cất cánh được.

NGUYỄN HẢI

Nghe thêm ý kiến người dân

Rất hoan nghênh việc Bộ GD-ĐT đã đưa ra được một đề án cho chương trình đổi mới giáo dục nước ta. Tôi đề nghị cần phải công bố và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện hơn đối với đề án này. Trong đề án nói rằng giáo dục THPT chỉ chú trọng ba môn chính là toán, văn, ngoại ngữ. Như thế các môn học khác như sử, địa... vốn đã ít tiết, thừa giáo viên, vậy khi đề án đưa vào thực hiện họ sẽ làm gì? Nếu cho học sinh chọn học, chắc môn lịch sử rất ít, thậm chí không có học sinh nào chọn học. Do đó, cần phải nghiên cứu các tác động mà đề án đưa đến đối với cả học sinh và giáo viên để đưa ra các giải pháp giải quyết phù hợp.

TRẦN XUÂN TOÀN

hungthuat
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên