17/01/2022 07:49 GMT+7

Chợ đặc sản ở miền Tây giờ cũng 'đua' lên mạng

BỬU ĐẤU - LÊ DÂN
BỬU ĐẤU - LÊ DÂN

TTO - Năm nay, dịch bệnh khiến các mặt hàng đặc sản xuất hiện trên các kênh online nhiều hơn, giúp người dân dễ tiếp cận và đặt hàng mà không cần đến trực tiếp.

Chợ đặc sản ở miền Tây giờ cũng đua lên mạng - Ảnh 1.

Nhiều giỏ quà với đặc sản miền Tây đã lên chợ mạng, khách có thể dễ dàng tìm kiếm và đặt hàng - Ảnh: LÊ DÂN

Không có không khí buôn bán chộn rộn những ngày giáp Tết như những năm trước, cửa hàng đặc sản ĐBSCL trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) khá vắng vẻ.

Kênh online tấp nập hơn

Tại chuỗi cửa hàng đặc sản ĐBSCL có bán gạo ST25 (Sóc Trăng), khô cá tra phồng Bà Giáo Khỏe 555 (An Giang), tôm khô (cơ sở Tiến Hải), chả lụa, chả hoa Năm Thụy (Trà Vinh), cá thát lát rút xương tẩm gia vị (Hậu Giang)... Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm - chủ chuỗi cửa hàng này - cho biết đơn hàng Tết Nguyên đán Nhâm Dần khá ít, khách phía Bắc và TP.HCM chưa đặt.

Tuy nhiên, ông Khiêm cho hay kênh bán hàng truyền thống giờ chỉ chiếm khoảng 20-30% doanh thu, còn lại chủ yếu bán hàng qua điện thoại, Zalo, Facebook. Sắp tới, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh hình thức bán hàng này.

Bà Nguyễn Kim Thùy - giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (tỉnh Hậu Giang) - cho biết năm nay hợp tác xã chỉ chuẩn bị khoảng 30 tấn hàng gồm: cá thát lát rút xương vị tiêu, vị sả ớt, sốt me, sốt chanh dây, chả cá tươi... để bán dịp Tết. 

Đồng thời, để đổi "khẩu vị" cho khách hàng, Tết năm nay sẽ tung ra các sản phẩm mới là chả ốc, vòi rắn và chả trần bì. Nhưng đơn hàng đến thời điểm này cũng chậm hơn so với những năm trước dù giá bán giảm 10%.

Tuy vậy, bà Thùy cho biết hợp tác xã có hợp đồng với mạng xã hội Zalo để chạy chương trình quảng bá sản phẩm cho khách hàng tiềm năng, đồng thời sản phẩm của hợp tác xã còn bán trên các trang thương mại điện tử như voso.vn. Rất may, kênh bán hàng trực tiếp giảm nhưng bán hàng online tăng.

"Mặt hàng đông lạnh hơi khó bảo quản, vận chuyển khi bán online, tuy nhiên đại lý của hợp tác xã khá nhiều. Khi có đơn hàng ở địa phương nào, chúng tôi sẽ nhờ đại lý ở đó hỗ trợ đảm bảo hàng hóa chất lượng và giao đúng hạn", bà Thùy khẳng định.

Ông Ngô Chí Công - phó giám đốc Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp - cũng cho hay đơn vị này đang có trên 300 sản phẩm đặc sản để phục vụ cho bà con vui xuân, đón Tết. Đơn vị đang tập trung liên kết với 60 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để đẩy mạnh hàng hóa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Voso, Lotte Mart, Shopee, Lazada, Tiki và trang web của chính Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp. Trang web https://htxdacsandongthap.com/ này do đơn vị tự phát triển và vận hành gần 1 năm nay.

"Tất cả các sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp đã đưa hình ảnh, giá cả để khách hàng chọn. Các sản phẩm của chúng tôi đều có logo của Đồng Tháp, đảm bảo đúng hàng và chất lượng. Hiện nay giỏ quà Tết với các đặc sản của Đồng Tháp có giá dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng được bán rất chạy. Khách cứ đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử, chúng tôi liên kết với nhiều đơn vị vận chuyển và sẽ cung cấp hàng kịp thời nhất", ông Công nói.

Địa phương tích cực hỗ trợ

Đại diện Sở Công thương tỉnh An Giang cho biết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sở đã phối hợp với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, đơn vị vận chuyển giao nhận (Viettel Post) đẩy mạnh chương trình bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nơi và triển khai dịch vụ "Đi chợ hộ".

Hiện nay, theo ghi nhận đã có 36.429 đơn hàng online/tháng với doanh thu gần 19 tỉ đồng/tháng. Toàn tỉnh cũng đã có 650 shipper của 31 doanh nghiệp và gần 2.000 shipper tự do.

Theo ông Huỳnh Thanh Phong - giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, đơn vị đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã... đăng ký tài khoản để bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso và Postmart. Cụ thể đã hỗ trợ, hướng dẫn 28 đơn vị với tổng cộng hơn 54 sản phẩm được đăng bán qua các trang thương mại điện tử này.

Đồng Tháp thúc đẩy mô hình "đi chung"

Bà Võ Phương Thủy - phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp - cho biết Đồng Tháp vừa triển khai "tuần hàng đặc sản Đồng Tháp" trên các sàn giao dịch điện tử, do có nhiều khuyến mãi nên được sự quan tâm.

Đồng Tháp có mô hình "đi chung" trên kênh thương mại điện tử, tạo gian hàng chung của Hợp tác xã Đặc sản Đồng Tháp. Trong đó có 329 sản phẩm của 60 doanh nghiệp tham gia gian hàng này. "Đi chung" thì hợp tác xã sẽ phụ trách đơn hàng, đưa hàng hóa lên sàn giao dịch rất bài bản. "Doanh nghiệp lúc trước không quen với thương mại điện tử, bây giờ họ đã thích ứng được hết", bà Thủy đánh giá.

Đặc sản Tết ngóng khách mua Đặc sản Tết ngóng khách mua

TTO - Dù chỉ còn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán nhưng không khí sắm đặc sản Tết tại nhiều chợ, cửa hàng... ở TP.HCM vẫn khá ảm đạm, nhiều người bán chưa dám nhập hàng về bán dù giá có nguy cơ tăng khi giáp Tết.

BỬU ĐẤU - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên