Trong đó có hai bệnh thường gặp nhất là mất ngủ, ngáy và hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Phóng to |
Kỹ thuật viên chuẩn bị đo đa ký giấc ngủ cho một bệnh nhân - Ảnh: L.TH.H. |
Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên - phụ trách phòng chẩn đoán, điều trị rối loạn giấc ngủ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe cộng đồng - cho biết bệnh lý về rối loạn giấc ngủ chiếm tỉ lệ rất cao và ngày càng gia tăng tại VN.
Nhiều dạng bệnh
Những nước có thống kê nghiên cứu về rối loạn giấc ngủ như Úc cho thấy tỉ lệ người dân bị rối loạn giấc ngủ lên đến 26%. Ủy ban nghiên cứu quốc gia về rối loạn giấc ngủ của Mỹ cũng công bố có đến 40 triệu người Mỹ đang có rối loạn giấc ngủ. |
Ngày 28-3, bé T.V.H.N. (12 tuổi, Đồng Nai) được đưa đến khám với triệu chứng buồn ngủ ngày, rất hay ngủ gật trong lớp, ngủ nhiều hơn các bạn đồng lứa làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học hành. Người nhà thấy bé ngủ nhiều bất thường nhưng không biết bé bị bệnh gì. Gia đình cho biết bé thường xuyên có những đợt ngủ li bì liên tục khoảng một tuần, lúc nào cũng muốn ngủ - trừ thời gian ăn uống và vệ sinh cá nhân. Trong những đợt ngủ này bé không thể đi học cũng như tham gia hoạt động khác.
Ngoài ra, mỗi lần xúc động cười hay khóc nhiều, bé thường ngã quỵ không thể kiểm soát. Bé được khám và điều trị nhiều nơi nhưng vẫn chưa thể xác định bệnh. Sau khi bác sĩ cho đo đa ký giấc ngủ đã chẩn đoán xác định bé bị mắc bệnh ngủ rũ. Sau khi có chẩn đoán chính xác, bé đã được điều trị phù hợp để có cuộc sống bình thường.
Ngày 2-5, bà N.T.L. (51 tuổi, Tây Ninh) đến khám bệnh với tâm trạng cực kỳ hoảng sợ, không dám ngủ vì sợ ngưng thở trong đêm. Thỉnh thoảng bà có cảm giác bị tắc nghẽn trong khi ngủ làm giật mình thức giấc. Điều này làm bà hoảng sợ, tưởng chừng nếu không thức dậy kịp thời sẽ bị ngưng thở dẫn đến tử vong. Chồng bà L. cho biết khi ngủ bà ngáy rất to và có những đợt ngưng thở xen kẽ. Ngoài ra, bà L. còn thấy giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung, tính tình thay đổi, dễ cáu gắt. Chất lượng giấc ngủ rất kém, thường bị thức giấc nhiều lần trong đêm, ngầy ngật và nhức đầu khi thức dậy, rất khó tập trung làm việc và hay buồn ngủ ban ngày.
Bệnh nhân được xếp lịch đo đa ký giấc ngủ ưu tiên ngay tối hôm đó. Kết quả đo đa ký giấc ngủ chẩn đoán bà L. bị ngưng thở lúc ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng, với chỉ số ngưng - giảm thở 42 lần trong một giờ ngủ. Do tần suất ngưng và giảm thở quá nhiều nên nồng độ oxy trong máu bị giảm nặng khi ngủ, chỉ còn 75% (người bình thường là 95-97%). Do biến chứng của bệnh nên bà L. bị tăng huyết áp, hay nhức đầu. Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng máy thở áp lực dương liên tục khi ngủ. Ngày 2-7 tái khám, bệnh nhân cho biết cảm giác sức khỏe hồi phục thấy rõ, không còn nhức đầu về sáng và buồn ngủ ban ngày, làm việc có hiệu quả trở lại. Bệnh đã được kiểm soát tốt, không cần uống thuốc hạ huyết áp.
Theo bác sĩ Bích Huyên, hiện nay tỉ lệ bệnh nhân bị mắc hội chứng ngưng thở lúc ngủ rất thường gặp (trên thế giới khoảng 4% dân số bị bệnh này) nhưng vẫn chưa được nhiều bác sĩ, bệnh nhân biết đến. Người bị hội chứng này sẽ bị giảm oxy máu liên tục trong đêm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ bị những hậu quả nghiêm trọng về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, đột tử trong đêm, tai biến mạch máu não, khó kiểm soát đường huyết trong đái tháo đường, dễ bị tai nạn trong khi làm việc và điều khiển xe cộ (do chứng buồn ngủ ban ngày quá mức).
Nguyên nhân
Rối loạn giấc ngủ có thể phân loại thành ba nhóm bệnh. Nhóm 1, gồm các bệnh nhân mất ngủ (khó đi vào giấc ngủ lúc đầu, không thể ngủ thẳng một giấc cho tới sáng, hoặc đang ngủ bị thức giấc lúc nửa đêm và khó đi vào giấc ngủ trở lại) hay ngủ quá nhiều (chứng ngủ rũ); rối loạn hô hấp khi ngủ (ngáy và hội chứng ngưng thở lúc ngủ); hội chứng chân không yên, cử động chi có chu kỳ; rối loạn chu kỳ sinh học của giấc ngủ. Nhóm 2, gồm các bệnh nhân có rối loạn hành vi khi ngủ như bị mộng du, nghiến răng, nói khi ngủ, cơn hoảng sợ khi ngủ. Nhóm 3, là nhóm bệnh tâm thần liên quan đến rối loạn giấc ngủ như rối loạn tâm thần, trầm cảm, hội chứng lo âu, nghiện thuốc an thần.
Các nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ thường gặp bao gồm các yếu tố tâm lý như bệnh nhân mới trải qua một chấn thương về thể chất, hay biến cố về tinh thần như hạnh phúc gia đình tan vỡ, mất mát người thân; stress căng thẳng, rối loạn lo âu, tức giận, trầm uất... cũng dễ dẫn đến các bệnh về rối loạn giấc ngủ; lối sống không tốt (tổ chức giấc ngủ không tốt), thay đổi nhịp sinh học của cơ thể (làm việc về đêm), dùng chất kích thích (trà, cà phê...); yếu tố thần kinh trung ương. Ngoài ra còn có nguyên nhân rối loạn gen như chứng ngủ rũ.
Bác sĩ Bích Huyên cho biết trên thế giới các vấn đề sức khỏe liên quan đến rối loạn giấc ngủ đã được các đơn vị y tế nhà nước quản lý (bảo hiểm y tế chi trả) và điều trị tốt từ hơn 30 năm nay. Tại VN, đến năm 2008 các bác sĩ mới bắt đầu có phương tiện chuyên sâu chẩn đoán các bệnh này như máy đa ký giấc ngủ.
Đến nay phương pháp đo đa ký giấc ngủ vẫn là tiêu chuẩn vàng để thực hiện chẩn đoán nguyên nhân các rối loạn về giấc ngủ. Khi đo đa ký giấc ngủ, máy sẽ ghi lại những thay đổi sinh lý học xảy ra trong giấc ngủ của bệnh nhân. Nhờ đó mới xác định rõ các nguyên nhân để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Phương pháp này thường được thực hiện ban đêm và ghi nhận được nhiều chức năng của cơ thể bao gồm điện não, điện cơ mắt (các cử động của mắt), điện cơ (hoạt động của các cơ cằm, cơ chân...), điện tim, nồng độ oxy trong máu và chức năng hô hấp trong khi ngủ.
Về điều trị, tùy theo nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ mà có biện pháp điều trị thích hợp, ví dụ như điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ (thay đổi lối sống, giảm cân, có thể phẫu thuật hoặc dùng thuốc, hỗ trợ bằng thở máy khi ngủ). Sau điều trị, các triệu chứng bệnh cải thiện được 80-90%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận