31/01/2013 07:56 GMT+7

Chính sách ngoại giao Mỹ: điểm nhấn là kinh tế

THANH TUẤN - SƠN HÀ
THANH TUẤN - SƠN HÀ

TT - Tuy nhiên, vị Tân ngoại trưởng Mỹ John Kerry luôn ủng hộ tự do hàng hải trên biển Đông.

Ngày 29-1 (giờ Mỹ), Thượng viện Mỹ chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm thượng nghị sĩ John Kerry làm ngoại trưởng. Cựu binh chiến tranh Việt Nam 69 tuổi này sẽ thay thế cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton từ ngày 1-2.

TJn7iQP0.jpgPhóng to
Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - Ảnh: AFP

Theo báo Washington Post, Thượng viện Mỹ thông qua việc bổ nhiệm ông Kerry, hiện là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thượng viện, với tỉ lệ phiếu áp đảo: 94 thuận so với 3 chống. “John giành được sự kính trọng của các nhà lãnh đạo thế giới và sự tin tưởng của nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại thượng viện - Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định - Tôi tin ông ấy sẽ là một ngoại trưởng tuyệt vời”.

Như vậy, bà Hillary Clinton sẽ chính thức rời Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 1-2. Giới quan sát dự báo bà sẽ dành thời gian để chuẩn bị tranh cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, AFP dẫn lời bà Clinton cho biết hiện tại bà chỉ muốn nghỉ ngơi sau bốn năm đầy vất vả ngược xuôi khắp thế giới.

Tư duy đối ngoại mới

Theo báo New York Times, trong cuộc điều trần trước thượng viện vào tuần trước, ông Kerry đã kêu gọi nước Mỹ theo đuổi “tư duy đối ngoại mới” khi vạch ra chiến lược ngoại giao với Iran, Trung Quốc và Trung Đông. “Chính sách đối ngoại Mỹ không chỉ được định nghĩa bởi máy bay do thám không người lái và các cuộc đưa quân ra nước ngoài - ông Kerry khẳng định - Chúng ta không thể bị chi phối bởi vai trò đã phải đảm nhận kể từ vụ tấn công khủng bố 11-9”.

Ông Kerry cho rằng trong thời điểm kinh tế Mỹ và toàn cầu đang tăng trưởng chậm, “chính sách đối ngoại chính là chính sách kinh tế”. Ông nhấn mạnh Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc, chủ món nợ 1.150 tỉ USD của Washington và là nhà cung cấp 390 tỉ USD hàng hóa cho Mỹ trong năm 2012. “Tôi không tin rằng việc tăng cường quân sự là quan trọng - ông Kerry tuyên bố - Chúng ta đã có rất nhiều căn cứ quân sự ở châu Á hơn bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Trung Quốc. Tăng cường thêm sức mạnh quân sự chỉ khiến người Trung Quốc đặt câu hỏi là Mỹ đang làm gì, phải chăng muốn vây hãm Bắc Kinh”. Do đó, nhiều người dự báo quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên êm ả hơn dưới thời ông Kerry.

Tuy nhiên, giới quan sát Mỹ và phương Tây nhận định sẽ không có chuyện tân ngoại trưởng Mỹ đi ngược lại chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama. Hơn nữa, ông Kerry luôn là người ủng hộ tự do hàng hải trên biển Đông, vốn đang bị đe dọa bởi những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Tháng 7-2012, ông cùng nhiều thượng nghị sĩ đưa ra nghị quyết kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đàm phán để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

“Mỹ và cộng đồng quốc tế có lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, tự do thương mại và đi lại trên biển Đông - ông Kerry nhấn mạnh - Mỹ hoàn toàn ủng hộ bạn bè và đối tác trong khu vực. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ ASEAN để xây dựng bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc với Trung Quốc”. Báo Christian Science Monitor (CSM) dẫn lời nhà phân tích Bonnie Glaser cũng nhận định chắc chắn tân ngoại trưởng Mỹ sẽ không thờ ơ với đồng minh Nhật, đặc biệt khi tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Tokyo và Bắc Kinh đang trở nên căng thẳng.

Các thách thức khác

Cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên “chào đón” ngoại trưởng Mỹ là vụ CHDCND Triều Tiên đe dọa thử hạt nhân để phản ứng lại việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở rộng trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng ông Kerry cũng sẽ ưu tiên dành nhiều sức lực cho các diễn biến nóng bỏng ở Trung Đông, nơi ông có nhiều kinh nghiệm hoạt động hơn so với khu vực châu Á. Giới quan sát nhận định ông Kerry sẽ thúc đẩy đàm phán giữa Iran và phương Tây.

Theo CSM, tuần trước ông Kerry khẳng định Mỹ cần ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng nêu rõ “nếu chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình thì họ nên chứng minh điều đó. Đó là điều chúng tôi đang theo đuổi”. Giới chuyên gia cho rằng ông Kerry, cũng giống như ông Obama, muốn tránh một cuộc xung đột vũ trang có ít cơ hội thành công và đầy những hậu quả xấu.

Ngoài ra, ông Kerry cũng sẽ theo đuổi một giải pháp “hai nhà nước” cho Israel và Palestine. Báo Washington Post cho biết trong tháng 2, ông Kerry sẽ công du tới Trung Đông để kêu gọi cả hai bên nối lại đàm phán. Ông Kerry cũng từng cho biết sẽ dùng các biện pháp ngoại giao để xử lý khủng hoảng Syria và nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan. Ông cũng thừa nhận quan hệ Mỹ - Nga đã xuống dốc trong thời gian qua và cam kết cải thiện mối quan hệ này.

THANH TUẤN - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên