Phóng to |
Giàn khoan Trung Quốc sắp đưa vào biển Đông - Ảnh: NDNB |
Theo báo Philippine Daily Inquirer, ngày 9-6 ông Lưu Kiến Siêu, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, cảnh báo các nước đòi chủ quyền ở biển Đông phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam “nếu không có sự cho phép từ phía Bắc Kinh”.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu các nước không đáp ứng yêu cầu này, ông Lưu Kiến Siêu tuyên bố Trung Quốc sẽ xác nhận “chủ quyền” ở vùng biển tranh chấp theo các kênh ngoại giao. Dù vậy, ông Lưu khẳng định Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực trừ khi bị tấn công.
Giống như cách phủ nhận việc tàu Trung Quốc bắn đuổi tàu cá Việt Nam và cắt cáp tàu Bình Minh 02 trên vùng biển của Việt Nam, ông Lưu Kiến Siêu bác bỏ cáo buộc tàu Trung Quốc đã bắn vào tàu thăm dò dầu khí của Philippines hôm 2-3 ở khu vực Reed Bank (tức bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Philippines chiếm giữ).
Ông Lưu cho biết lực lượng Trung Quốc hành động chỉ là để đẩy tàu Philippines ra khỏi bãi Cỏ Rong, bởi đó là cách thực hiện “chủ quyền” của Trung Quốc chứ không phải là hành vi quấy rối.
Hi vọng lời hứa sẽ thành sự thật
Một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích kịch liệt việc Philippines tố cáo hành vi quấy rối của tàu Trung Quốc. “Trung Quốc yêu cầu Philippines dừng các hành vi đơn phương phá hoại chủ quyền của Trung Quốc trên biển có thể dẫn tới việc mở rộng và phức tạp hóa xung đột trên biển Nam Hải (biển Đông), và ngừng đưa ra những tuyên bố vô trách nhiệm, không đúng với sự thật” - Tân Hoa xã dẫn lời ông Hồng Lỗi. Người phát ngôn này còn tuyên bố việc tàu Trung Quốc tuần tra trên các vùng biển thuộc “chủ quyền Trung Quốc” là “hoàn toàn hợp lý”.
Trong khi đó, phía chính quyền Philippines khẳng định có đủ bằng chứng để chứng minh việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Philippines là có thật. “Chúng tôi đang chuẩn bị các báo cáo về hành vi xâm lấn của Trung Quốc và sẽ đưa chúng tới cơ quan quốc tế có đủ thẩm quyền” - báo Philippine Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mới đây nhận định còn phải chờ xem Trung Quốc có giữ đúng cam kết duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt cam kết tại Đối thoại Shangri-La hay không. “Chúng tôi hi vọng lời hứa đó sẽ thành sự thật - Bộ trưởng Gazmin nói - Chúng ta đều đã nghe bài phát biểu của ông Lương Quang Liệt. Ông ấy nói rằng việc Bắc Kinh tăng cường quân sự không nhằm chống lại các quốc gia khác. Tuy nhiên, chỉ thời gian mới có thể trả lời được Trung Quốc có thành thật hay không”.
Ông Gazmin khẳng định và cho rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ mất mặt trước cộng đồng quốc tế nếu vi phạm cam kết.
Trên báo Asia Times, cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown cho rằng Trung Quốc đã chà đạp lên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982 khi đưa ra bản đồ “đường lưỡi bò” trên biển Đông không hề dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý nào.
Khoe sức mạnh hải quân
Bên cạnh việc đòi chủ quyền ngang ngược ở biển Đông, Trung Quốc cũng đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku với Nhật. Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 9-6 cho biết đã có 11 tàu chiến của hải quân Trung Quốc chạy qua vùng biển nằm giữa hai đảo Okinawa và đảo Miyako (đều thuộc tỉnh Okinawa) trong hai ngày qua.
Ngày 9-6, Thời báo Hoàn Cầu dẫn thông cáo báo chí từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hải quân nước này đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự trên vùng biển quốc tế thuộc Thái Bình Dương vào tuần cuối tháng 6-2011. Phía Trung Quốc tuyên bố hoạt động này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đây là cuộc diễn tập theo kế hoạch hằng năm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và không nhằm đe dọa cụ thể một nước nào trong khu vực. Nhưng thông cáo báo chí này không khỏi ngầm khẳng định sự có mặt của đội tàu chiến Trung Quốc trong khu vực biển này.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bính Đức cũng mới tuyên bố sẽ đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên trong năm nay, sớm một năm so với dự báo của các nhà quan sát Mỹ. Con tàu này dài 300m, được Trung Quốc mua lại từ năm 1998. Báo chí Hong Kong cho biết con tàu này sẽ đi vào hoạt động sớm nhất là cuối tháng 7.
Tất cả những hành động của Trung Quốc trên biển Đông cho thấy gì? Báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 9-6 viết: “Trung Quốc đã chọn ngày dành cho việc bảo vệ đại dương để khẳng định tham vọng trở thành một thế lực hải quân của mình”. Thật vậy, Bắc Kinh đã chọn ngày 8-6, “Ngày đại dương thế giới”, để loan báo những cuộc tập trận quy mô của mình trong tháng 6 ở phía nam Thái Bình Dương, đồng thời muốn qua đó khẳng định mạnh mẽ hơn nữa sự kiểm soát của mình trên biển bất chấp những căng thẳng đang gia tăng với các nước láng giềng ở biển Đông...
Trong khi đòi các nước khu vực không thăm dò dầu khí ở biển Đông, Trung Quốc lại sắp đưa giàn khoan “dầu khí hải dương 981” (hay còn gọi là CNOOC 981) vào hoạt động trên biển Đông, dự kiến vào cuối tháng 7-2011. Theo Nhân Dân Nhật Báo, giàn khoan này đã được đưa đến chạy thử nghiệm trên biển ở khu vực vịnh Châu Sơn (tỉnh Chiết Giang) trên biển Hoa Đông vào cuối tháng 5-2011, ngay sau khi được bàn giao và hạ thủy ngày 23-5-2011 tại Thượng Hải. Giàn khoan dầu khí hải dương 981 thuộc Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) quản lý. Nó đã được đầu tư với kinh phí 6 tỉ nhân dân tệ (926 triệu USD), được thiết kế nhằm thăm dò dầu khí ở các vùng nước sâu 3.000m, có khả năng khoan sâu đến 12km. CNOOC 981 nặng 30.000 tấn, cao 136m và dài 650m. Đây là giàn khoan dầu thuộc thế hệ giàn khoan hiện đại thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan khổng lồ đầu tiên của Trung Quốc đưa vào hoạt động ở biển Đông. Sau khi thử nghiệm thành công ở Chiết Giang, giàn khoan này sẽ được đưa tới biển Đông. Báo Nhật Mainichi cho biết có khả năng Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn của nước ngoài để thăm dò và khai thác hàng loạt vỉa dầu trên biển Đông trong thời gian tới. |
Theo Jakarta Post, Trung Quốc và bốn nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông đã cùng nhấn mạnh lời cam kết giữ hòa bình ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cam kết đã được đưa ra ngày 8-6 trước các đại biểu tham dự hội nghị chuẩn bị cho Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java (Indonesia) dưới sự chứng kiến của nước chủ nhà Indonesia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. “Trung Quốc đã đưa ra cam kết của chính họ về hòa bình cùng với bốn nước khác. Các nước khác cũng yêu cầu thực thi ngay tức khắc Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” - chánh thanh tra Bộ Quốc phòng Indonesia Eris Herryanto cho biết ngày 8-6. Cùng lúc, tổng giám đốc bộ phận hợp tác ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Djauhari Oratmangun cũng xác nhận Trung Quốc đã đưa ra ý định của nước này để giải quyết các vấn đề trên biển Đông theo cách hòa bình trong suốt cuộc họp các quan chức cấp cao ở Surabaya. Ông Djauhari nhấn mạnh đây cũng chính là yêu cầu mà 26 nước thành viên của ARF đưa ra nhằm kêu gọi giải quyết ngay lập tức các tranh chấp trên biển Đông. “Chỉ có một phương pháp để giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển Đông là đẩy mạnh việc thực thi DOC”- ông Eris nói. Theo Jakarta Post, những sự kiện căng thẳng trên biển Đông càng trở nên thường xuyên từ khi Trung Quốc đưa tàu hải quân của nước này đến tuần tra và bắt đầu xây dựng các cơ sở quân sự trong khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Thêm vào đó là các tàu tuần tra của Trung Quốc thường xuyên quấy rối các tàu thăm dò của Việt Nam và rượt đuổi tàu cá của Philippines ra khỏi khu vực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận