Một nhân viên trả lời điện thoại khách hàng tại văn phòng Google ở Zurich, Thụy Sĩ - Ảnh: Reuters
"Nếu chính phủ không thực thi các luật chống độc quyền để tạo điều kiện cho sự cạnh tranh phát triển, chúng ta có thể đánh mất một thế hệ đổi mới công nghệ tiếp theo. Nếu điều đó xảy ra, người Mỹ có thể sẽ chẳng bao giờ còn thấy một Google tiếp theo nữa" - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Rosen nêu quan điểm với báo giới.
Chia nhỏ Google?
Đây là vụ kiện lớn nhất của Chính phủ Mỹ với một hãng công nghệ, kể từ sau vụ kiện của Bộ Tư pháp và một số bang chống lại Công ty Microsoft vào những năm 1990 về tội độc quyền trong thị trường phần mềm máy tính cá nhân (PC).
Quyết định khởi kiện Google được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra sau hơn một năm điều tra về các hoạt động được cho là phản cạnh tranh của Google.
Trong đơn kiện, theo chuyên trang công nghệ CNET, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội Google đã vi phạm các luật chống độc quyền để hành xử như "một người gác cổng" của mạng Internet.
Nguyên đơn cho rằng gã khổng lồ của Thung lũng Silicon đã ngăn chặn phi pháp sự cạnh tranh từ đối thủ bằng việc đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất điện thoại như Apple, Samsung để cài đặt trước hoặc cài đặt làm mặc định công cụ tìm kiếm Google trên các thiết bị của họ.
Không chỉ thế, Google còn bị cáo buộc đã lạm dụng thế phổ biến áp đảo của hệ điều hành Android (vốn thuộc sở hữu của họ) để gây sức ép, buộc các nhà sản xuất phải cài sẵn các ứng dụng của Google trên điện thoại của họ.
Để xử lý vấn đề của Google, Bộ Tư pháp Mỹ đang tìm kiếm những phương án nhằm giảm bớt quy mô của Google về mặt cấu trúc. Theo đó, cơ quan này mong muốn tòa sẽ tuyên phạt Google số tiền lớn đủ sức răn đe, hoặc có thể ra một phán quyết chia tách Google để thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của công ty này trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.
"Không có phương án nào bị loại trừ" - ông Ryan Shores, quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, nói với báo giới.
Cùng với Bộ Tư pháp, 11 bang khác của Mỹ (tất cả những bang này đều có tổng chưởng lý là thành viên Đảng Cộng hòa) đã tham gia đồng khởi kiện Google. Đó là các bang Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas.
Vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ với Google đã được giao cho thẩm phán Amit Mehta, người từng chủ trì việc xét xử một vụ kiện chống độc quyền lớn trước đây.
Google phản pháo
Vụ kiện đánh dấu một sự đảo ngược so với vài năm trước trong quan điểm của chính quyền Mỹ về các công ty ở Thung lũng Silicon. Nếu trước đây những công ty kiểu như Google và Facebook được ca ngợi như những câu chuyện thành công điển hình và là những cái tên rất được yêu chuộng ở Phố Wall thì nay ưu thế vượt trội quá mức lại đang quay ngược, trở thành điều gây bất lợi cho những công ty đó.
Thời gian qua, nhiều nhà lập pháp và cơ quan quản lý của Mỹ đã bày tỏ lo ngại trước quy mô phát triển quá lớn của các hãng công nghệ, cho rằng điều này rốt cuộc sẽ gây hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là nguy cơ bóp chết sự cạnh tranh từ các công ty nhỏ hơn ở Thung lũng Silicon.
Không chỉ Google, các công ty như Apple, Amazon và Facebook cũng đang đối mặt với việc kiểm tra chống độc quyền từ các cơ quan quản lý và giới lập pháp Mỹ. Trong tháng 7, cùng với lãnh đạo của các công ty Facebook, Amazon và Apple là Mark Zuckerberg, Jeff Bezos và Tim Cook, CEO Google Sundar Pichai cũng đã phải tham gia phiên điều trần qua mạng trước Tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban tư pháp Hạ viện.
Quyền lực của Google bắt nguồn từ mảng kinh doanh quảng cáo trên nền tảng số khổng lồ của họ, một khoản thu nhập kếch xù mang lại tới 85% trong tổng doanh thu thường niên khoảng 160 tỉ USD của Google. Hoạt động kinh doanh đó được thúc đẩy bằng công cụ tìm kiếm cùng tên Google của họ. Google hiện đảm nhiệm khoảng 90% hoạt động tìm kiếm trên mạng toàn thế giới.
Trước động thái khởi kiện của Bộ Tư pháp Mỹ, Google phản đối cáo buộc cho rằng họ có hành vi phản cạnh tranh. Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google và cũng là luật sư Kent Walker lập luận trên blog của công ty: "Mọi người dùng Google vì họ chọn dùng nó chứ không phải họ bị bắt buộc phải dùng, hoặc vì họ không thể tìm được những công cụ khác thay thế".
Google cũng nhấn mạnh rằng các dịch vụ của họ còn giúp giảm giá bán đáng kể của smartphone, làm lợi cho người mua và khẳng định họ không hề ngăn chặn người dùng khi muốn chuyển sang các công cụ tìm kiếm khác.
Những hợp đồng "khủng" của Google
Theo trang CNET, bản hợp đồng liên quan tới smartphone lớn nhất của Google là ký với Apple. Theo đó, Google trả cho nhà sản xuất iPhone 8-12 tỉ USD mỗi năm từ nguồn thu quảng cáo để Apple sử dụng Google làm công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của "Quả táo".
Năm 2018, hai CEO của Apple và Google là Cook và Pichai cũng đã gặp gỡ để thảo luận xem họ còn có thể hợp tác với nhau thêm những gì nữa để tăng thêm nguồn thu cho cả hai phía. Đơn kiện của Bộ Tư pháp cho biết sau cuộc gặp này, một nhân viên Apple đã viết cho một nhân viên của Google rằng: "Tầm nhìn của chúng tôi là chúng ta sẽ làm việc như thể chúng ta là một công ty".
Gần một nửa số lượt tìm kiếm Google trong năm ngoái đến từ các thiết bị của Apple. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, thỏa thuận hợp tác giữa Google và Apple thực sự có lợi "siêu khủng" với cả hai bên, mà riêng với Apple mang lại 15-20% lợi nhuận thường niên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận