Chính quyền đô thị sẽ có lợi cho dân
Phóng to |
Chính quyền đô thị ở TP.HCM sẽ được tổ chức trên nguyên tắc chính quyền địa phương chỉ có hai cấp, trong khi 13 quận nội thành hiện hữu chỉ có một cấp chính quyền. Trong ảnh: sa bàn quy hoạch khu trung tâm TP công bố tại Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM tháng 5-2013 - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Đà Nẵng công bố nếu thực hiện chính quyền đô thị, ủy quyền tốt hơn, một năm dân có thể tiết kiệm được 5 vạn ngày chờ đợi.
Chính quyền đô thị hiện vẫn quản lý theo cách nông thôn
Phát biểu tham luận, ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, thẳng thắn nêu những khó khăn, phức tạp ở đô thị hiện nay như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, ngập nước... có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân do phân cấp quản lý nhà nước tại đô thị chưa rõ dẫn đến chính quyền đô thị không thể giải quyết kịp thời những vấn đề trên.
Ông Nguyễn Duy Thăng, thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu đến năm 2012, cư dân đô thị đã chiếm khoảng 32% dân số. Hoạt động kinh tế - xã hội giữa đô thị và nông thôn khác nhau nhưng mô hình tổ chức chính quyền lại cơ bản giống nhau, vẫn dựa trên cách quản lý của chính quyền nông thôn. Ông Thăng chia sẻ thông tin Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện phương án 1 của đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị do Bộ Nội vụ trình vào tháng 4-2013. Theo đó, sẽ không theo mô hình thị trưởng, không theo hình thức dân bầu cả thị trưởng và HĐND (HĐND có thể bất tín nhiệm thị trưởng, ngược lại thị trưởng cũng có quyền giải tán HĐND nếu phiếu bất tín nhiệm không quá bán).
Theo ông Thăng, với phương án Bộ Chính trị đã cho ý kiến, sẽ không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên cả nước. Nên chính quyền đô thị ở các thành phố trực thuộc trung ương, trong nội thành sẽ chỉ có một cơ quan đại diện là HĐND thành phố. “Với các thành phố thuộc tỉnh, chính quyền đô thị sẽ chỉ hai cấp, có HĐND thành phố, bên cạnh là UBND thành phố, và một cấp nữa là UBND cấp phường” - ông Thăng nói.
Phóng to |
TP.HCM đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về chính quyền đô thị trong kỳ họp tháng 10. Trong ảnh: Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Việt Dũng |
TP.HCM đề nghị Quốc hội ra nghị quyết trong kỳ họp tới
Với kết quả thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường và thực tế đang yêu cầu đổi mới công tác quản lý hành chính, ông Lê Hoàng Quân đã chính thức tuyên bố: TP.HCM xác định điều kiện đã chín muồi để triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Định hướng, theo ông Quân, chính quyền địa phương, với cơ quan đại diện của dân, cần có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với quyền làm chủ của dân, với cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm cao hơn.
Hải Phòng và Quảng Ninh cũng muốn có chính quyền đô thị Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, đến nay ngoài TP.HCM và Đà Nẵng, đã có Hải Phòng và Quảng Ninh cũng muốn tham gia thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Ông Thăng nêu các địa phương thí điểm cần đề xuất toàn diện cả về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị. Căn cứ kết quả thí điểm sẽ báo cáo để đề xuất Quốc hội làm Luật tổ chức chính quyền địa phương, với quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn. |
Ông Quân cũng giới thiệu cụ thể mô hình của TP.HCM, theo đó chính quyền đô thị ở thành phố được tổ chức trên nguyên tắc chính quyền địa phương sẽ chỉ có hai cấp: cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm các thành phố trực thuộc TP.HCM (dự kiến thành lập bốn thành phố) và xã, thị trấn. Với địa bàn 13 quận nội thành hiện hữu, do có chung kết cấu hạ tầng nên sẽ chỉ có một cấp chính quyền. Có nghĩa đơn vị hành chính cấp quận, huyện, phường sẽ không tổ chức thành cả cấp chính quyền, mà chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên.
Cụ thể, với nguyên tắc trên, theo ông Lê Hoàng Quân, chính quyền TP.HCM trực thuộc trung ương sẽ có HĐND và UBND, với quy mô toàn thành phố hiện nay sẽ đóng vai trò cấp trên chính quyền cơ sở nhưng lại vừa là chính quyền cơ sở của 13 quận nội thành. Tại 13 quận trên, mỗi quận chỉ tổ chức một cơ quan đại diện hành chính của UBND TP.HCM dưới hình thức Ủy ban hành chính, chủ tịch Ủy ban hành chính sẽ do chủ tịch UBND TP.HCM bổ nhiệm.
Tại các địa bàn đang đô thị hóa, TP.HCM đề nghị thành lập bốn thành phố trực thuộc TP.HCM (tương tự thành phố trực thuộc các tỉnh khác). Các thành phố này sẽ mở rộng đô thị trung tâm, hình thành các khu đô thị mới khang trang phục vụ yêu cầu giãn dân, gắn kết khu dân cư với khu công nghiệp... Đặc biệt, với địa bàn nông thôn trong thành phố, ông Lê Hoàng Quân cho biết định hướng thành phố vẫn phải hỗ trợ đầu tư nhiều mặt, nên sẽ lập cơ quan đại diện hành chính của chính quyền thành phố tại huyện. Dưới huyện sẽ tổ chức xã và thị trấn...
Với nhu cầu thực tế và sự chuẩn bị của địa phương, ông Lê Hoàng Quân đề nghị trong lúc chờ sửa Hiến pháp 1992, TP.HCM kiến nghị Quốc hội ra một nghị quyết cho phép thành phố thực hiện đề án chính quyền đô thị ngay tại kỳ họp thứ 6 (khai mạc tháng 10-2013). Trao đổi ngoài lề với báo chí, TS Trần Du Lịch, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng kể cả khi Quốc hội thông qua nghị quyết ngay, sẽ cần khoảng hai năm để triển khai chính quyền đô thị ở TP.HCM.
Người dân hưởng lợi
Trước những băn khoăn như sẽ có xung đột lợi ích giữa thành phố và trung ương hay không? Có thể định lượng chi phí thực hiện và hiệu quả đạt được? Đặc biệt là câu hỏi người dân được lợi gì đã được nhiều chuyên gia phân tích. Theo ông Vũ Thư - Viện nhà nước và pháp luật (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN), nhịp sống đô thị cần cơ chế giải quyết nhanh gọn, không thể giải quyết theo nhịp nông thôn, trong khi nếu chính quyền đô thị tổ chức tương tự nông thôn thì sẽ giải quyết theo cách như nông thôn. Ông Thư cho rằng lập chính quyền đô thị dân sẽ có lợi. Bởi ví dụ đơn giản nhất, ông Thư nêu có trường hợp trường học ngay gần nhà, nhưng dân không thể cho con theo trường đó được vì nó thuộc quận khác. Điều này sẽ không còn nếu chính quyền đô thị còn hai cấp...
Đặc biệt, ông Đặng Công Ngữ, giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, đã đưa ra nghiên cứu định lượng về “cái lợi của dân”. Nêu thống kê của Đà Nẵng, ông Ngữ tính trung bình HĐND quận, huyện mỗi năm chỉ tiếp dân 55 trường hợp, nhận đơn thư tố cáo 11 trường hợp, tiếp nhận không quá 1% kiến nghị cử tri. Với HĐND phường, xã còn thấp hơn. “Công việc như vậy thì tồn tại hay không tồn tại?” - ông Ngữ hỏi. Còn lợi ích của dân, chỉ nêu số hồ sơ các sở ngành gửi lên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng năm 2012 là 4.058 hồ sơ, theo ông Ngữ, nếu tổ chức chính quyền đô thị, việc giải quyết được ủy quyền cho giám đốc sở, mỗi hồ sơ giảm 5-7 ngày, sẽ giảm trên 2 vạn ngày cho dân. Nhiều hồ sơ cần đến 15 ngày, thậm chí hai tháng, thì tổng thời gian giảm được có thể đến 5 vạn ngày! “Hiệu quả cho chính quyền, lợi ích mang lại cho nhân dân nên mạnh dạn làm” - ông Ngữ nói.
Chỉ thực hiện được nếu...
Dù mô hình hiện tại bất cập nhưng Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh mô hình chính quyền đô thị chỉ phát huy hiệu quả khi cơ chế phân cấp và ủy quyền được đổi mới và thực hiện triệt để theo hướng nâng cao tính tự chủ của địa phương. Do đó, ông Quân kiến nghị trung ương nguyên tắc “việc gì địa phương làm tốt hơn, sát với thực tế hơn, đảm bảo lợi ích của dân hơn thì giao địa phương làm. Việc gì đã phân cấp địa phương thì trung ương chỉ ban hành chính sách, thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ”. Theo ông Quân, trung ương cần phân cấp cho TP.HCM thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tăng tự chủ ngân sách, tài chính công và tổ chức bộ máy, nhân sự.
PGS.TS Trương Đắc Linh, Đại học Luật TP.HCM, đồng tình quan điểm trên khi cho rằng “có thực mới vực được đạo”. Theo ông Linh, Hiến pháp hiện không quy định quyền có tài sản, ngân sách của chính quyền địa phương. Nếu cứ nói tăng tự chủ mà không có ngân sách, muốn gì phải đi xin thì không giải quyết được. Ông Trần Du Lịch thì mạnh mẽ cho rằng cơ chế ngân sách hiện nay sẽ khuyến khích... người đi xin chứ không hẳn khuyến khích người làm.
PGS.TS Nguyễn Minh Phương, Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho rằng: “Đô thị cần phải có ngân sách riêng, tài sản riêng, có thể đặt ra các khoản thu như phí, lệ phí, một số loại thuế theo luật định. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm trước tòa án nói chung và tòa án hành chính nói riêng”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận