Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2023, Chính phủ đã xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu việc đấu giá một số tài sản đặc thù khác như quyền khai thác đường cao tốc, cổ phần của Nhà nước, mua bán nợ...
Quan trọng nhất là quyền lợi cụ thể của người tham gia đấu giá
Liên quan yêu cầu nghiên cứu việc đấu giá quyền khai thác đường cao tốc, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Việt Hùng - nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - bày tỏ ủng hộ và nêu rõ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc này.
Ông nói thực tế ở các quốc gia thường bỏ tiền nhà nước ra đầu tư các công trình như đường sá, nhà máy nước sạch. Nhưng phần việc để duy trì, thu hồi vốn... cho công trình có thể tiến hành đấu giá để khu vực tư nhân tham gia.
"Bởi thực tế ở các nước họ nghiên cứu, đánh giá cho thấy để nhà nước làm sẽ không hiệu quả. Vì vậy, như ở Singapore, các nhà máy nước sạch sau khi nhà nước đầu tư sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác cho tư nhân", ông Hùng nêu.
Đánh giá việc đấu giá quyền khai thác cao tốc sẽ là mô hình hay, nhưng việc thực hiện ở Việt Nam và làm thế nào để có lợi, theo ông Hùng lại là vấn đề phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ.
"Đấu giá là phải tìm được người trả tiền cao nhất cho người bán đấu giá, ở đây là nhà nước.
Để làm được điều này, quan trọng nhất phải xác định được quyền lợi cụ thể mới mong kích thích, thu hút được các đơn vị tư nhân tham gia đấu giá, còn nếu cứ nói chung chung sẽ rất khó", ông Hùng chỉ rõ.
Nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu cũng nhấn mạnh muốn thực hiện được thành công vấn đề này cần phải có thí điểm áp dụng ở một số nơi để xem những mặt ưu, hạn chế, từ đó điều chỉnh các cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Ông dẫn chứng thêm việc thời gian qua báo chí, dư luận cũng phản ánh việc nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án BOT đều gặp phải khó khăn, vướng mắc.
Do vậy, các cơ quan chức năng khi nghiên cứu theo yêu cầu của Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn và phương pháp thực hiện tránh cho các mâu thuẫn có thể xuất hiện về sau.
Cái gì tư nhân làm được nên để họ làm
Nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - TS Khương Kim Tạo cũng đánh giá việc Chính phủ yêu cầu nghiên cứu đấu giá quyền khai thác đường cao tốc là chủ trương rất tốt.
Việc này phù hợp chung với xu thế phát triển của thế giới và trong nước, nhằm phát huy tối đa tiềm lực kinh tế, huy động vốn của xã hội để phục vụ cho sự phát triển.
Trong đó, các doanh nghiệp, cá nhân có tiềm lực về kinh tế có thể tham gia đấu giá để có được quyền khai thác, thu phí đường cao tốc với thời hạn nhất định. Còn về phía Nhà nước sẽ thu được khoản tiền lớn nhất định để tiếp tục đầu tư các công trình giao thông khác.
"Chủ trương của nhiều nước trên thế giới là cái gì tư nhân làm được nên để họ làm, cùng làm. Còn cái gì họ không làm được hay không được phép làm thì nhà nước làm.
Sau khi nhà nước làm xong, hoàn thiện các giải pháp có thể chuyển quyền cho tư nhân khai thác, quản lý. Làm được như vậy mới tạo ra sự hiệu quả.
Cùng với đó, các quy định đối với doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác đường cao tốc phải rất cụ thể.
Ngoài thu phí, họ phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng đường thường xuyên theo đúng yêu cầu về quy chuẩn, kỹ thuật đường cao tốc hay cùng tham gia thực hiện, giải quyết các vấn đề liên quan tai nạn giao thông...", TS Tạo nêu.
Bên cạnh đó, theo ông Tạo, cũng cần nghiên cứu cụ thể về cách thức tổ chức, đấu giá cho phù hợp, khách quan, minh bạch, hiệu quả.
Trước đó, theo các chuyên gia, việc đấu giá quyền thuê mặt bằng, quyền khai thác các mỏ khoáng sản... đã được thực hiện và mang lại nhiều hiệu quả.
Với đường cao tốc là đặc thù nên cần nghiên cứu kỹ để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm thực hiện tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận