Tháo dỡ ngay trong chiều nay các công trình nhà tạm dọc tuyến đèo Bảo Lộc
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Phúc, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trao đổi về phương án đảm bảo an toàn trong thời gian tới trên tuyến đèo Bảo Lộc: "Ngoài 2 cơ sở tôn giáo trên tuyến đèo Bảo Lộc nằm trên nền đá, có suối thoát nước, không có dấu hiệu sạt lở và đã ổn định nền đất nhiều năm liền nên chúng tôi cho tồn tại.
Các hàng quán, nhà tạm trong tuyến đèo Bảo Lộc chúng tôi cho tháo dỡ ngay trong chiều nay (31-7).
163 điểm sạt lở và có nguy cơ cao chúng tôi đang đánh giá lại và đánh dấu trên bản đồ. Sau khi khảo sát xong các điểm này sẽ có khuyến cáo cụ thể".
Ông Lê Đình Thọ, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tham gia điều phối hoạt động phân tuyến và lực lượng giao thông, nhận định:
"Việc ứng trực và hỗ trợ từ lực lượng 2 đầu tuyến đèo Bảo Lộc rất nhanh. Chúng tôi đang phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát hơn 163 điểm sạt lở trên các tuyến đường để có phương án xử lý ngăn không để xảy ra các vụ việc tương tự. Phương án ứng trực trong giai đoạn thời tiết diễn tiến cực đoan, chúng tôi tính luôn cả phương án sạt đường, nứt đường và giải pháp khắc phục để nối lại giao thông nhanh nhất nếu có sự cố".
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích
Sáng 31-7, ngay sau khi xuống sân bay Liên Khương (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã di chuyển liên tục hơn 100km đến hiện trường vụ sạt lở đèo Bảo Lộc làm 3 chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh và 1 người dân mất tích.
Tại hiện trường, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến tâm sạt lở để khảo sát và đưa ra các ý kiến tham vấn lẫn dặn dò lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp.
Giám đốc Công an Lâm Đồng: Có anh em hy sinh khi chưa kịp ăn cơm trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc
Tại hiện trường, ông Trương Minh Đương, giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, báo cáo: "Lượng mưa tập trung ở đèo Bảo Lộc quá lớn, gấp 4 lần lượng mưa trung bình của tỉnh Lâm Đồng.
Các khu vực lân cận, lượng mưa tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói thời điểm này, vùng Bảo Lộc và lân cận có lượng mưa tăng đột biến và kéo dài. Tác động của thời tiết đã khiến đèo Bảo Lộc, ngay chốt đèo Bảo Lộc sạt lở đất gây ra vụ tai nạn".
Ngay khi đi vào tâm vụ sạt lở, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định: "Đây là sự cố hy hữu. Yêu cầu tỉnh Lâm Đồng tập trung lực lượng cứu hộ để tìm kiếm người mất tích và thông tuyến đèo Bảo Lộc, nối lại hoạt động giao thông.
Quan trọng hơn, phải đảm bảo an toàn cho những người làm công tác cứu hộ. Không được sơ sẩy, chủ quan khiến thiệt hại thêm nghiêm trọng".
Sạt lở do mưa lớn bất thường
Ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, báo cáo nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đèo Bảo Lộc: "Lượng mưa tập trung ở đèo Bảo Lộc quá lớn và bất thường. Trong 3 ngày tới tiếp tục mưa lớn. Việc cứu hộ cứu nạn sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng sẽ sớm nối lại hoạt động giao thông trên quốc lộ 20 và hoàn tất cứu hộ cứu nạn".
Tại buổi làm việc, ông Trần Đức Quận, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, cho biết: "Toàn tỉnh có 163 điểm sạt lở đất và có nguy cơ cao".
Trong bối cảnh giao thông Lâm Đồng bị chia cắt, ông Quận đề nghị: "Bộ Giao thông vận tải quan tâm bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường do bộ quản lý.
Cạnh đó, đề nghị Phó thủ tướng quan tâm thúc đẩy các bộ ngành tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy dự án cao tốc. Trong năm qua, vì liên quan đến vấn đề giao thông mà tỉnh Lâm Đồng bị ảnh hưởng rất nhiều".
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang hỏi ngược lại ông Quận: "Giờ mong muốn nhất là đường cao tốc phải không?". Ông Quận đáp: "Dạ, việc này rất quan trọng với tỉnh".
Phó thủ tướng sau khi tham khảo ý kiến các bộ ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các chỉ đạo. Theo ông, lực lượng tại chỗ đã ứng phó tốt với sự cố, tai nạn. Việc cứu hộ cứu nạn đang diễn ra đúng tiến độ, có sự thận trọng.
Ông đánh giá cao việc cứu hộ cứu nạn múc đất ra khỏi hiện trường theo từng lát cắt chắc chắn. Ông chỉ đạo: "Trước mắt, sự cố này có thể xem là tai nạn và tỉnh Lâm Đồng đã xử lý tốt. Có thể xây dựng thành một kịch bản ứng phó nếu có tình huống tương tự. Không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở các tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, lần này chúng ta không nói về trách nhiệm, nhưng đối với điểm có nguy cơ phải có cách ứng phó không để xảy ra tai nạn. Nếu xảy ra, hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý trách nhiệm. Vì đã có chuẩn bị mà vẫn để có hậu quả nghiêm trọng là lỗi chủ quan".
Về lâu dài, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: "Năm nay mưa quá nhiều, quá lớn và không thể chắc trong tương lai mưa ít hơn. Thời tiết càng lúc càng mưa nắng cực đoan. Chúng ta phải có phương án thích ứng, phương án cho biến đổi khí hậu".
Ông nói: "Ngày xưa, người ta lên Đà Lạt ngắm mưa nhưng giờ chắc phải xem lại. Chúng ta cần phải có những thay đổi trong quản lý để phát triển ổn định, bền vững và thích ứng".
Trao đổi về đề xuất tháo gỡ vướng mắc để triển khai đường cao tốc nối liền TP.HCM - Đồng Nai - Đà Lạt (Lâm Đồng), Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định: "Đây là đề xuất thỏa đáng. Tôi sẽ có kiến nghị với Thủ tướng để có ưu tiên phù hợp. Năm nay Lâm Đồng 6 tháng đầu năm đón 4 triệu lượt khách du lịch. Nhưng nếu chuyện tương tự như thế này xảy ra, tuyến đường độc đạo bị chia cắt liên tục thì con số du khách đến Lâm Đồng không còn là hàng triệu nữa, mà sẽ ít hơn rất nhiều".
Ông nói thêm: "Nói về đường cao tốc, có lẽ phải có những thay đổi trong thiết kế để thích ứng. Có thể là thay đổi kết cấu nền đường, cống thoát, hệ thống dẫn nước. Không để chuyện cao tốc, tuyến đường của sự phát triển mà mưa ngập như vừa xảy ra".
Một số hình ảnh Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại hiện trường vụ sạt lở:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận