Quyết liệt giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm và hướng vốn vào sản xuất kinh doanh chứ không tập trung vào một số đại gia - Ảnh: Lê Thanh |
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã phát biểu như vậy tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước, sáng 18-7.
Mục tiêu quan trọng: Hạ lãi suất cho vay thêm 0,5-1%
Theo Bộ trưởng Dũng, vấn đề quan trọng thứ nhất là tăng trưởng tín dụng và hạ lãi suất.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm 2017 được đặt ra là 18-20%. Để thực hiện, ngành ngân hàng vừa phải huy động tốt đầu vào vừa phải cho vay ra thị trường đúng chỗ.
Điều Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, theo ông Dũng, là bảo đảm tăng trưởng tín dụng nhưng tránh để dòng vốn cho vay này "chảy vào một số đại gia lớn", thay vào đó dòng tiền "phải chảy vào doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới thành lập để tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh".
Theo Bộ trưởng Dũng, ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp khó khăn, giải thể cũng không ít. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có đến 23.000 doanh nghiệp phải giải thể và tạm ngừng hoạt động.
Vấn đề này, theo ông Dũng, "rất là căng", trong đó có nguyên nhân "do khó khăn tiếp cận tín dụng".
Vì thế, Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng phải giúp cho các doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bộ trưởng Dũng nêu cụ thể trong Nghị quyết của Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5%-1%/ năm.
Hiện tại, lãi suất ngắn hạn đang ở mức 6% một năm trong khi lãi suất trung và dài hạn 9-11%/ năm.
Với dư nợ tín dụng của nền kinh tế là khoảng 5 triệu tỉ đồng nếu giảm lãi suất cho vay thêm 1%/năm thì các doanh nghiệp đã dành dược 50.000 tỉ đồng.
Theo ông Dũng, nếu tính đầu tư 5 đồng vốn thì được 1 đồng lãi, thì các doanh nghiệp đã có thểm 10.000 tỉ đồng lợi nhuận.
Điều đó vừa làm cho doanh nghiệp có tiền mà ngân sách cũng có thêm 2.000 tỉ đồng từ thuế.
Con số này giúp cho tăng trưởng GDP khoảng 0,25%, ông Dũng nói.
Đối với vấn đề nợ công vay trong nước, ông Dũng cho biết con số này hiện nay khoảng 1 triệu tỉ đồng.
Tính toán của Chính phủ cho thấy nếu lãi suất cho vay giảm 1%/ năm thì "chúng ta tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 10.000 tỉ đồng", là một khoản bù đắp đầu tư phát triển "rất tốt".
“Thủ tướng nói với tôi là nói với Thống đốc và lãnh đạo các Ngân hàng thương mại là phải hạ lãi suất, giảm nợ xấu, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, đưa nguồn tiền vào sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thay vì gửi với lãi suất USD là 0% thì có giải pháp huy động nguồn lực này để hòa với nguồn khác để tăng nguồn cho đầu tư. Trong điều kiện kiểm soát được thì Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp để huy động nguồn này khi trái phiếu quốc tế mà chúng ta đi vay mỗi năm lãi suất là 4%. |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng |
Tập trung xử lý nợ xấu, tìm cách huy động ngoại tệ
Cũng theo ông Dũng, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng phải tập trung xử lý nợ xấu. Vấn đề này được coi là hết sức quan trọng vì "muốn hạ lãi suất thì phải xử lý triệt để nợ xấu".
Ông Dũng cho rằng Quốc hội, trong kỳ họp vừa qua, đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ tổ chức thực hiện như hướng dẫn tổ chức tín dụng bán tài sản đảm bảo, bán nợ xấu...
Theo ông Dũng, nếu không xử lý được nợ xấu thì không đảm bảo an toàn hệ thống, lành mạnh tài chính của các ngân hàng thương mại.
“Thủ tướng nói với tôi, nhắc tới 3 lần, là nói với Thống đốc xem xét có giải pháp huy động nguồn lực trong dân. Làm thế nào huy động được đô la đang nằm trong dân, trong tổ chức kinh tế khi nguồn lực này là rất lớn. Thay vì gửi với lãi suất USD là 0% thì có giải pháp huy động nguồn lực này để hòa với nguồn khác để tăng nguồn cho đầu tư. Trong điều kiện kiểm soát được thì Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp để huy động nguồn này khi trái phiếu quốc tế mà chúng ta đi vay mỗi năm lãi suất là 4%", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước chưa hoàn thành 80 nhiệm vụ Theo Tổ công tác, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị thứ 28 mà Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước 477 nhiệm vụ. So với các bộ, cơ quan ngang bộ, nhiệm vụ giao cho Ngân hàng là không lớn nhưng quan trọng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành 397 nhiệm vụ, còn 80 nhiệm vụ chưa hoàn thành. Do đó, Thống đốc phải giải trình với tổ công tác về việc chưa hoàn thành 80 chỉ tiêu này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận