Đại biểu Quốc hội Lê Quân |
Theo ông Lê Quân, việc tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 cần phải tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng và nhân lực để tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế những năm tới, tránh hiện tượng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Đóng góp ý kiến của mình vào kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, vị đại biểu là Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng cần tập trung bốn vấn đề.
Thứ nhất, là tính kết nối và nhất quán giữa kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2017 - 2021 và kế hoạch tài chính trung hạn chưa được bảo đảm.
Mặc dù kế hoạch tái cơ cấu ưu tiên về phân bổ nguồn lực, lấy tái cấu trúc đầu tư công làm trọng tâm, nhưng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thấy ưu tiên và phân bổ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế.
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 2016 - 2020 quy định phải đánh giá định lượng hiệu quả từng dự án đầu tư công. Tuy nhiên, những điều này chưa được thể hiện rõ tại danh mục các dự án tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thứ hai, theo đại biểu Lê Quân, mặc dù quan điểm xây dựng đề án lấy doanh nghiệp là trung tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng cách xác định các đề án, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch vẫn thể hiện tiếp cận cũ, theo chu trình đầu tư khép kín, tốn kém nhiều ngân sách.
Điểm yếu nhất của tái cơ cấu giai đoạn 2010 - 2015 là ở khâu triển khai. Vì thế đại biểu Quân cho rằng các bộ ngành sẽ mất nhiều năm để chạy các đề án, dự án. Trong khi các doanh nghiệp không thể chờ vì tái cơ cấu là nhiệm vụ tự thân, thường xuyên.
Các địa phương sẽ thong thả vì còn chờ hướng dẫn và chờ phân bổ nguồn lực từ các đề án, dự án. Bên cạnh đó, khi các bộ ngành chi phối thị trường bằng các đề án, dự án, rất dễ phát sinh sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực dựa vào quan hệ thân hữu, xin cho.
“Tôi đề nghị xem xét lại danh mục các đề án, dự án, nhiệm vụ để tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công vụ, xây dựng chính phủ phục vụ; khi lấy khu vực doanh nghiệp là trung tâm của tái cơ cấu, thì không nhất thiết nhà nước phải chi nhiều ngân sách đến vậy" - đại biểu Quân nói.
Tiếp theo, đại biểu Quân cho rằng kế hoạch chưa đề cập tương xứng đến câu hỏi lớn hiện nay là làm thế nào để huy động được nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế.
“Báo cáo gần đây cho thấy 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam suy giảm rõ rệt cả về hiệu quả và tăng trưởng; hầu như các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đều không có sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh quốc tế. Phải chăng do doanh nghiệp không chịu lớn, còn nhiều lo lắng về môi trường kinh doanh, hay họ chú trọng vào quan hệ xin - cho, thân hữu nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, chứ không chú trọng đầu tư dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh, hay vì những lý do nào khác?
Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế cần phải làm rõ điều này, bởi chừng nào mà các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, vẫn chạy theo đầu cơ ngắn hạn thì sẽ không có chuyển dịch cơ cấu thực sự”.
Theo ông Lê Quân, để giải phóng nguồn lực trong dân cư, hai nội dung tái cơ cấu cần được làm quyết liệt trong thời gian tới gồm: Thoái vốn tại các DNNN. Không nên coi một số DNNN là con bò sữa của ngân sách. Thoái vốn sẽ giúp nhà nước thế vốn nhà nước bằng vốn tư nhân, tạo điều kiện để tư nhân "xuống tiền" do thời điểm hiện nay nhà đầu tư Việt Nam đang rất thiếu cơ hội đầu tư tốt.
Để đảm bảo hiệu quả của đồng vốn thu được, Chính phủ ưu tiên đầu tư cho hạ tầng và nhân lực để tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế những năm tới; đẩy mạnh hợp tác công tư, bởi “hợp tác công tư giúp nhanh chóng thu hút vốn xã hội vào cung ứng dịch vụ công, sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế”; mạnh dạn đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập. Tự chủ chỉ giải quyết được bài toán giảm chi ngân sách.
“Chính phủ nên mạnh dạn đánh giá lại các đơn vị sự nghiệp. Trong nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa..., những đơn vị có chức năng chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả, nguồn thu dựa chủ yếu vào cho thuê tài sản, thì cho cổ phần hóa để thu hút nhà đầu tư tư nhân" - Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội đề nghị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận