21/10/2021 08:54 GMT+7

Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2022 tăng 6 - 6,5%

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
NGỌC AN - NGỌC HIỂN

TTO - Cùng với việc thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đã đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6 - 6,5%.

Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2022 tăng 6 - 6,5% - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19 - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV ngày 20-10 đã nói rằng với mục tiêu GDP năm 2022 đặt ra là 6 - 6,5%, CPI kiểm soát ở mức 4%, Chính phủ nhấn mạnh quan điểm luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Mục tiêu năm 2022 được Chính phủ đặt ra trong bối cảnh 9 tháng đầu năm nay dù có nhiều thách thức, nhưng đến nay cơ bản tình hình dịch bệnh được kiểm soát, có 8/12 chỉ tiêu, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Đáng chú ý là thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán với 1,36 triệu tỉ đồng, vượt 22.000 tỉ đồng, tăng 1,7%, cơ bản bảo đảm nguồn lực.

Dù vậy, Chính phủ vẫn thẳng thắn chỉ ra những thách thức khi tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể tăng, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro...

Thẩm tra báo cáo về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương, do chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khả thi

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%, theo tôi là khả thi bởi 2 năm qua chúng ta có tốc độ tăng trưởng GDP thấp nên so với năm 2021, đây là mức tăng khả quan.

Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để đạt được chỉ tiêu này, giải pháp trọng tâm ra sao. Trong giai đoạn phục hồi này, việc đảm bảo an toàn về mặt y tế vẫn là ưu tiên hàng đầu, trong đó phải làm chủ được vắc xin, phải đầu tư hệ thống y tế điều trị, y tế phục hồi... để thích ứng nhanh với các biến chủng mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án tái cơ cấu kinh tế để tăng năng suất lao động, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, kinh tế số.

Kế đến cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn và giải ngân đầu tư công một cách hiệu quả.

Đại biểu Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM): Mạnh dạn điều chuyển, phân bổ linh hoạt vốn đầu tư công

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công cho giai đoạn cuối năm 2021 và năm sau, chúng ta có thể điều hành ngân sách linh hoạt hơn như điều chuyển vốn đối với những dự án chậm giải ngân do vướng mắc về cơ chế, giải phóng mặt bằng để ưu tiên cho những dự án cấp bách về vốn.

Việc phân bổ ngân sách không nên cứng nhắc mà phải linh hoạt, mạnh dạn điều chuyển và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho những dự án quan trọng, có sức lan tỏa lớn.

Với nguồn nhân lực trong bối cảnh nan giải hiện nay bên cạnh việc nhà thầu mời gọi, theo tôi, Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ thu hút người lao động như sắp xếp, quy hoạch nhà trọ, hỗ trợ một phần kinh phí thuê trọ ban đầu để quy tụ người lao động trở lại TP, giúp các dự án thực hiện đầy đủ công suất.

UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 3% UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 3%

TTO - Giãn cách kéo dài khiến GDP của Việt Nam giảm 6,17% trong quý 3, tính chung trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng GDP chỉ 1,42%. Diễn biến này khiến UOB hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam xuống 3%, từ mức 5% trước đó.

NGỌC AN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên