03/11/2017 19:34 GMT+7

Chính phủ đã xem xét cơ chế đặc thù để TP.HCM đột phá

LÊ KIÊN - NGỌC AN lược ghi.
LÊ KIÊN - NGỌC AN lược ghi.

TTO - Bộ trưởng, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3-11, vừa kết thúc cách đây ít phút.

Chính phủ đã xem xét cơ chế đặc thù để TP.HCM đột phá - Ảnh 1.

Bộ trưởng, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: VIỆT DŨNG

Dưới đây là nội dung phần hỏi đáp của báo chí với người phát ngôn Chính phủ và đại diện các bộ, ngành.

* Pháp luật TP.HCM: Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày hôm nay nhưng đã bị hoãn lại. Được biết Chính phủ đã thảo luận vấn đề này tại phiên họp thường kỳ. Xin bộ trưởng cho biết cụ thể? 

- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về dự thảo nghị quyết trên cơ sở đề xuất của TP.HCM và TP đã làm việc với các bộ, ngành. Đây là nghị quyết dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 này. 

Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề dư luận rất quan tâm bởi nghị quyết này rất cần thiết. TP.HCM là đầu tàu kinh tế, đóng góp 27-28% GDP, 25-26% thu ngân sách. 

Chính phủ đã thảo luận, xem xét những vấn đề trọng tâm, cần có cơ chế đặc thù như quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai, cơ chế quản lý đầu tư, cơ chế quản lý ngân sách nhà nước, cơ chế quản lý cán bộ công chức thuộc thẩm quyền TP. Đó đều là những vấn đề lớn. Tại sao chúng ta đặt vấn đề thí điểm? 

Thực tế, các vấn đề trên đều được các luật, nghị quyết quy định. Nhưng do TP.HCM cần chính sách đột phá nên phải xây dựng nghị quyết để thí điểm cơ chế, chính sách. Đặc biệt là cơ chế thí điểm về phân quyền, phân cấp, giao thẩm quyền cho TP. 

Chính phủ đã bàn rất rõ, thí điểm là tạo phương châm để TP chủ động giải quyết các công việc của TP, thay vì phải báo cáo với Thủ tướng, báo cáo với các bộ, tạo điều kiện thông thoáng, linh hoạt để TP phát triển nhanh. Sau phiên họp này, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội. 

* Đầu tư chứng khoán: Tiến độ cổ phần hóa rất chậm, từ nay đến cuối năm Chính phủ có giải pháp nào để đẩy mạnh không?  

- Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương: Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo đề án tổng thể cơ cấu lại DNNN đến năm 2020, trong đó đã ban hành chính sách, kế hoạch với lộ trình rõ ràng. Tuy nhiên tiến độ cổ phần hóa chậm so với lộ trình Chính phủ đề ra.

 Việc cơ cấu lại DNNN cũng chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động. Tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa vẫn còn cao. 

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành nắm giữ nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp lớn phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, trong quá trình này cần chú ý đến việc đánh giá, định giá doanh nghiệp, nếu đánh giá không đúng sẽ dễ làm thiệt hại vốn, tài sản nhà nước nếu định giá thấp hơn giá trị thực. Chính vì vậy cần phải làm thận trọng. 

* Nông nghiệp VN: Đề nghị đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết vì sao tiến độ cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp cao su VN lại chậm như vậy?

- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: Tập đoàn này đang trong quá trình cổ phần hóa theo quyết định của Chính phủ, mặc dù cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối và tiến độ hoàn thành năm 2017. Tuy nhiên, do tập đoàn này có vốn rất lớn, quản lý diện tích đất đai rất lớn hàng trăm nghìn hecta việc cổ phần hóa đang được xem xét cân nhắc đảm bảo cổ phần hóa, nhưng phải đảm bảo giá trị của đất, tránh hệ lụy phức tạp khác. 

Chưa kể, đây cũng là tập đoàn có số lượng lao động rất lớn với hơn 130.000 lao động, nên việc giải quyết chính sách, mua cổ phần ưu đãi phải làm kỹ lưỡng. Do vậy, bộ đã có báo cáo và Phó thủ tướng chỉ đạo ngoài việc làm chặt chẽ thì phải thực hiện việc kiểm toán tài chính. 

Theo đó, bộ đã quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp và trình phương án cổ phần hóa lên Thủ tướng. Tinh thần chung là sẽ tiến hành các bước còn lại của quá trình cổ phần hóa sớm nhất, trong đó đặc biệt là IPO nhưng việc có thể hoàn thành trong năm 2017 hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nên dự kiến là sẽ bán từ nay đến quý 1-2018. 

* Nông nghiệp VN: Đề nghị đánh giá về kết quả xử lý ông Phạm Sỹ Quý (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái). Đến nay việc hiện chưa có quy định về việc truy nguồn gốc tài sản của vợ con, sẽ thì rất khó có cơ sở để Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an vào làm việc, xin cho biết quan điểm?

- Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam: Thanh tra Chính phủ ghi nhận bước đầu về nội dung công bố kết luận thanh tra của ông Phạm Sỹ Quý khi UBND tỉnh Yên Bái khẩn trương thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình. 

 Theo yêu cầu, UBND tỉnh phải báo cáo về việc xử lý liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý trước ngày 30-11-2017, và Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục có kiểm tra, đánh giá việc triển khai kết luận của Yên Bái. 

 Không chỉ riêng vụ việc của Yên Bái mà nhiều vụ việc khác liên quan đến tài sản công dân, đặc biệt là cá nhân cán bộ công chức, viên chức, tới đây sẽ trình Quốc hội các nội dung liên quan để chỉnh sửa, hoàn chỉnh Luật phòng chống tham nhũng. Nội dung sửa đổi chi tiết vấn đề này mang tính nghiệp vụ nên chúng tôi sẽ có trao đổi sau với báo chí.  

LÊ KIÊN - NGỌC AN lược ghi.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên