02/03/2017 13:11 GMT+7

Chính phủ Anh đối đầu Thượng viện vì Brexit

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Dẫn ra quan ngại về quyền của công dân EU tại Anh sau Brexit, Thượng viện Anh đã bác bỏ việc thông qua bản dự luật ban đầu do chính phủ trình lên.

Một nhà báo chìa ra một bản sao của dự luật Brexit trước tòa nhà quốc hội ở London, Anh ngày 26-1-2017 - Ảnh: Reuters
Bản sao của dự luật Brexit - Ảnh: Reuters

Sau khi Thượng viện Anh bỏ phiếu yêu cầu Chính phủ sửa đổi dự luật Anh rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit Bill) với tỷ lệ phiếu 256/358, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May tuyên bố quyết tâm giữ nguyên nội dung dự luật, không bổ sung, khi vấn đề này được đưa ra bàn thảo xem xét lại tại Hạ viện Anh vào tuần tới. 

Một nguồn tin từ Chính phủ Anh nói với báo Guardian rằng chính phủ sẽ xem xét vấn đề quyền của các công dân Liên minh châu Âu (EU) sinh sống tại Anh một cách cẩn thận, nhưng sẽ quyết tâm để thông qua "một dự luật được viết rõ ràng và đơn giản". 

Do yêu cầu bổ sung của Thượng viện nên dự luật sẽ quay trở lại Hạ viện để bàn thảo, khiến tiến trình thông qua dự luật này bị chậm lại ít nhất là 1 tuần đến ngày 14-3.

Các nghị sĩ Thượng viện yêu cầu Thủ tướng Theresa May đưa vào trong dự luật điều khoản đảm bảo cho các công dân EU đang sinh sống tại Anh được quyền sinh sống và làm việc ở Anh sau Brexit.

Theo đài BBC, Thượng viện Anh yêu cầu bản dự luật cần nêu rõ trong vòng 3 tháng kể từ khi kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính phủ phải đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm đảo bảo rằng các công dân EU đang cư trú tại Anh vẫn được hưởng các quyền lợi cư trú không thay đổi ở đây sau Brexit.

Dự luật Brexit là dự luật trao cho Thủ tướng Theresa May quyền kích hoạt tiến trình Brexit, theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon và bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với EU.

Cơ quan phụ trách vấn đề rời EU của Anh đã lên tiếng cho biết họ "rất thất vọng" trước yêu cầu bổ sung dự luật của Thượng viện.

Dự luật này trước đó đã được Hạ viện thông qua mà không yêu cầu chỉnh sửa. Người phát ngôn của cơ quan phụ trách vấn đề rời EU cho biết họ đã "nhiều lần làm rất rõ về vấn đề này", đó là đảm bảo quyền của các công dân EU và công dân Anh một cách "sớm nhất có thể". 

Chính phủ của Thủ tướng Theresa May hy vọng với việc chiếm đa số ghế tại Hạ viện, họ có thể lật ngược thất bại tại Thượng viện khi bản dự luật quay về Hạ viện.

Chính phủ thủ tướng Theresa May cho rằng bản dự luật Brexit có mục đích rất rõ ràng là hiện thực hóa kết quả cuộc trưng cầu ý dân và cho phép chính phủ xúc tiến các cuộc đàm phán.

Theo nhà báo chuyên bình luận chính trị của đài BBC, bà Laura Kuenssberg, các nguồn tin từ chính phủ cho biết họ không quá căng thẳng sau kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện.

Họ đã tiên lượng rằng kết quả cuộc bỏ phiếu chắc chắn sẽ chống lại họ. Và đó là vấn đề mà chính phủ của bà May tin tưởng họ có lập luận rất rõ ràng để bảo vệ cho điều đó.

Trên thực tế, trong suốt chiến dịch tranh cử trước khi trở thành thủ tướng Anh, bà May đã nêu rõ lập trường này. Theo bà, sẽ chẳng khôn ngoan chút nào khi nước Anh chủ động nêu ra việc bảo đảm quyền lợi của khoảng 3 triệu công dân EU tại Anh trước khi các nước EU khác sẵn sàng làm một điều tương tự như vậy với các công dân Anh đang sống tại nước họ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên