28/10/2018 09:49 GMT+7

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam có thể thành 'vịnh tránh bão'?

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ  - THÁI BÁ DŨNG
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - THÁI BÁ DŨNG

TTO - "Ngành du lịch đang đối mặt với thách thức từ sự giảm tốc nhanh của khách quốc tế. Sâu xa hơn, đó là tác động của chiến tranh thương mại đến nhu cầu của thị trường Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 về hàng hóa và lớn nhất về du lịch của VN".

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam có thể thành vịnh tránh bão? - Ảnh 1.

Một công ty xuất khẩu gỗ ở Khu chế xuất Linh Trung 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Đây là một ví dụ được đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu tại phiên họp toàn thể của Quốc hội (ngày 27-10) về tình hình kinh tế - xã hội.

Chính phủ và Thủ tướng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền của chúng ta để hỗ trợ xuất khẩu. Đây là quan điểm nhất quán.

Phó thủ tướng VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Nỗ lực cải cách

Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang và gây ảnh hưởng lớn với VN. "Cần xác định rõ đây là cuộc chiến tổng lực lâu dài đối với cả hai bên, cả về thương mại kinh tế nói chung, cả về an ninh, quân sự và đối ngoại. VN với vị thế đặc biệt là sát cánh và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cả Mỹ và Trung Quốc hiện là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất, nhì của VN" - ông Đồng cảnh báo.

Ông cho rằng vấn đề Biển Đông đầy phức tạp và nhạy cảm, nên sẽ chịu tác động rất lớn bởi cuộc chiến và trước hết là chịu sự rủi ro cao về thương mại, tiền tệ và dòng vốn. "Tất nhiên VN cũng có thể có cơ hội nhận được nhiều hơn các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ, đón được một phần dòng vốn FDI đang rời khỏi Trung Quốc để né thuế, tức là có thể trở thành vịnh tránh bão trong cuộc chiến này thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực" - đại biểu Đồng nói.

Ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân tích sâu vấn đề này, tìm ra động lực và tránh rủi ro cho kinh tế VN trong những năm tới đây. Nhất là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên chính sách đầu tư mới để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, đa phương hóa đối tác thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ...

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam có thể thành vịnh tránh bão? - Ảnh 3.

Một công ty xuất khẩu gỗ ở Khu chế xuất Linh Trung 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Các bộ, ngành đã nghiên cứu

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ "có rất nhiều hệ lụy và Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này, các bộ, ngành có liên quan cũng đã có nghiên cứu, báo cáo kịp thời".

Thừa nhận nền kinh tế VN còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, nhưng ông Tuấn Anh cũng khẳng định thương mại của chúng ta có những nét tích cực. "Chúng ta xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia trên thế giới. Riêng nông sản, thủy sản của chúng ta là 180 quốc gia trên thế giới. Đến nay, chúng ta đã đạt tới 29 mặt hàng xuất khẩu có hơn 1 tỉ USD" - ông nêu ví dụ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chúng ta đã hình thành một số tập đoàn, các tổ chức kinh tế lớn ở cả khu vực doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân. Đáng kể như các tập đoàn Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Vinamilk, TH True milk... đã khẳng định được vị thế của mình thông qua đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, cũng như trong đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế và cho xuất khẩu.

Ổn định kinh tế vĩ mô, không phá giá đồng tiền

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh quan điểm này của Chính phủ. "Chính phủ và Thủ tướng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền của chúng ta để hỗ trợ xuất khẩu. Quan điểm nhất quán của chính sách là ổn định giá trị đồng tiền" - Phó thủ tướng khẳng định. Ông cũng cho biết Chính phủ không có một động thái nào trong việc nới lỏng lạm phát. Chỉ tiêu là lạm phát ở mức khoảng 4%, nhưng Chính phủ sẽ điều hành chặt chẽ để lạm phát dưới 4%.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Ông phân tích đặc điểm kinh tế nước ta có độ mở lớn, xuất nhập khẩu bằng 1,9 lần GDP. Trong khi đó, kinh tế thế giới có những diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là về bảo hộ thương mại, căng thẳng thương mại và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, căng thẳng địa chính trị làm giá cả thế giới diễn biến rất bất thường, nhất là dầu thô.

Bên cạnh đó, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã đẩy giá USD tăng lên, nhiều nước bên cạnh VN đã giảm giá đồng tiền, có áp lực rất lớn về điều hành tỉ giá. Do đó, Chính phủ coi kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu.

"Hiện nay đã có mức dự trữ ngoại hối kỷ lục trên 60 tỉ USD. Thời gian qua, chúng ta đã kiểm soát thành công lạm phát dưới 4% nhiều năm liên tiếp, giữ mặt bằng lãi suất và giảm được lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Trong mục tiêu tổng quát năm nay và các năm sau tăng khả năng chống chịu của hệ thống tài chính ngân hàng cũng như hệ thống kinh tế cả nước trước sự biến động của thị trường thế giới" - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Nếu không đẩy nhanh tăng trưởng sẽ bị bỏ xa hơn

3764204ngchidung 2(read-only)

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ ngoài hành lang Quốc hội chiều 27-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói ông lạc quan, nhưng cũng rất lo lắng với nhiều rủi ro của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Theo ông Dũng, mức tăng chúng ta đang đạt được là rất ấn tượng, nhưng GDP đầu người vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước. Năm 2018, GDP bình quân đầu người của VN đạt khoảng 2.540 USD, mức tăng GDP mỗi năm là 150 USD. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Malaysia đã đạt 9.994 USD/người, Thái Lan là 6.593 USD/người vào năm 2017. Với mức tăng bình quân 150 USD/người/năm như hiện tại, mục tiêu phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020 sẽ là một thách thức rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN:

"Kiềng ba chân" để không phải ra nước ngoài chữa bệnh

3772669kimtien 2(read-only)

Với tình trạng người VN ra nước ngoài chữa bệnh, chúng tôi giải quyết bằng giải pháp "kiềng ba chân".

Chân trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh. Từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, bởi nếu bị nặng thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém. Cho nên phải bằng chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với mô hình y học gia đình, gắn với trạm y tế xã, phường và phòng khám bác sĩ gia đình.

Chân kiềng thứ hai bên phải là khi bị bệnh, vào bệnh viện phải được chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng, giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.

Sắp tới, Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu để cán bộ và những người thu nhập cao thay vì phải ra nước ngoài khám, kiểm tra sức khỏe có thể khám, kiểm tra tại VN giống như chất lượng của nước ngoài.

Chân kiềng thứ ba là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Quốc hội sẽ thông qua Luật giáo dục đại học, chúng tôi đề nghị có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế. Học 6 năm ra trường phải học thêm 1 năm, tức là phải thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề, với đánh giá của Hội đồng giáo dục quốc gia độc lập, sau đó học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế.

LÊ KIÊN ghi

Đại biểu VŨ TIẾN LỘC (chủ tịch VCCI):

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có bất khả thi?

3765521vutienloc 2(read-only)

Liệu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 của Chính phủ có thêm một lần lỡ hẹn? Vào thời điểm này mới chỉ có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, để đạt được mục tiêu thì trong 2 năm nữa mỗi năm phải có thêm ít nhất trên 200.000 doanh nghiệp mới ra đời, nhiệm vụ gần như là bất khả thi.

Bất khả thi bởi tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại không muốn lớn, trong khi xét về bản chất kinh tế thì khu vực này đã là doanh nghiệp và đang đóng góp tới 30% GDP.

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên