Tập đoàn Alstom ký hợp đồng bán tàu cao tốc cho công ty đường sắt Mỹ trị giá 2 tỉ USD - Ảnh: AFP
Dưới vỏ bọc chống tham nhũng và trừng phạt do chống lệnh cấm vận, trong những năm gần đây người Mỹ đang ra sức chèn ép nhiều công ty trong lĩnh vực mang tính chiến lược mũi nhọn tại các quốc gia khác để duy trì thế thượng phong trên thị trường thế giới.
Theo điều tra của Đài France Inter, những công ty tiếng tăm của Pháp như Alcatel, Alstom, Technip, Total, hay Ngân hàng Société Générale và BNP Paribas cũng đều là nạn nhân của pháp luật Mỹ. Nhìn chung trong vài năm qua, người Mỹ đã ra án phạt các doanh nghiệp châu Âu tổng cộng hơn 20 tỉ USD.
Cuộc chiến ngấm ngầm
Những doanh nghiệp phải ra hầu tòa ở Mỹ là do bị cáo buộc vi phạm "quyền lợi hải ngoại chiếu theo luật pháp Mỹ". Đây là những điều luật cho phép truy tố các doanh nghiệp không phải của Mỹ tại nước ngoài, với điều kiện là những doanh nghiệp này có một mối liên hệ nào đó dù rất nhỏ với nước Mỹ, ví dụ thanh toán chuyển khoản bằng USD hay sử dụng một công nghệ của Mỹ dù chỉ là con chip điện tử, chiếc iPhone hay một máy chủ "made in USA".
Người Mỹ luôn trong tâm thế sẵn sàng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc, trong một bối cảnh có thể gọi là "cuộc chiến tranh kinh tế phiên bản mới" mà trong đó người Mỹ huy động tổng thể các cơ quan tình báo và luật pháp để thiết lập quyền ngự trị tối thượng của mình.
Alstom là ví dụ điển hình cho cách hành xử đậm chất Mỹ trong chiến lược "hạ gục đối thủ" không thương tiếc. Ngày 22-12-2014, Alstom bị luật pháp Mỹ phán quyết phải nộp mức phạt kỷ lục 772 triệu USD do dính tham nhũng. Sau đó, Alstom đã bị Hãng General Electric của Mỹ mua lại mảng sản xuất năng lượng ngay trước mũi Chính phủ Pháp.
“Người Mỹ có thể sử dụng con bài chống tham nhũng một khi họ muốn ngăn cản một đối thủ cạnh tranh nào đó trong hoạt động kinh doanh với người Nga hay người Trung Quốc. Điển hình là trường hợp của công ty Pháp Alstom. Người Mỹ không muốn thấy Alstom trở thành đối tác kinh doanh và chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc
Kinh tế gia Hervé Juvin của Pháp
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2011, khi người Mỹ cảm thấy "ngứa mắt" trước những phi vụ "lót tay" của Alstom tại Indonesia. Sau quá trình điều tra, người Mỹ đã phát hiện ra một mạng lưới tham nhũng bên trong Công ty Alstom. Năm 2013, họ bắt giữ một lãnh đạo của công ty này và gây áp lực mạnh lên công ty. Cuối cùng, Alstom cũng phải quyết định nhận tội để được hưởng khoan hồng và ký vào một thỏa thuận với pháp luật Mỹ.
Ngày 11-3-2015, tổng giám đốc Alstom là ông Patrick Kron đã khẳng định trước Ủy ban kinh tế Hạ viện Pháp rằng không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc kinh doanh của hãng với vụ án tham nhũng nói trên. Ông cam đoan: "Quý vị đừng nên căn cứ vào những lý do không thật của cơ quan pháp luật Mỹ; ở đây không có âm mưu, thông đồng hay khuất tất nào cả".
Tại Pháp, nhiều chuyên viên nghiên cứu hồ sơ vụ án cũng không đồng thuận với lập luận của Mỹ. Nhà báo Jean-Michel Quatrepoint - người điều tra lại vụ án - đã trưng ra bằng chứng là "chính tổng giám đốc Patrick Kron và giám đốc pháp lý của ông đã nhiều lần bay qua Mỹ để bàn thảo cụ thể chi tiết dự án kinh doanh của công ty mà không gặp một trở ngại hay lo lắng gì cả".
Minh chứng thêm là sự trùng hợp của hai thời điểm: Mỹ tuyên án phạt đối với Alstom chỉ ba ngày sau khi hội nghị cổ đông của General Electric chuẩn y việc mua lại Alstom và đồng ý số tiền "bồi dưỡng" 4 triệu euro cho tổng giám đốc Patrick Kron. Điều đó có thể cho thấy người Mỹ đã "ra tay" mua lại Alstom trong thời điểm mang tính quyết định nhất sau khi thu thập đầy đủ những chi tiết về hoạt động của công ty này.
Nhiều công ty nước ngoài bị đe dọa
Một nguyên nhân nữa để Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt là chuyện không tuân thủ lệnh cấm vận. Ở đây, tiến trình thực hiện luôn ẩn chứa bài toán về địa - chính trị. Năm 2014, Ngân hàng BNP-Paribas đã bị phạt 9 tỉ USD do không tuân thủ lệnh cấm vận đối với Cuba và Iran. Cựu nghị sĩ Pierre Lellouche thuộc Đảng "Những người Cộng hòa" (LR) của Pháp phát biểu đầy bực tức: "Chúng ta đã nộp phạt cho những lệnh cấm vận mà chúng ta không thừa nhận. Có nghĩa là khi người Mỹ muốn cấm vận một nước nào thì tất cả các nước khác phải làm theo sao? Thế mà, sau khi nộp phạt thì người Mỹ lại xích lại gần hơn với Cuba và dỡ bỏ cấm vận đối với Sudan! Họ phải trả lại chúng ta 9 tỉ đó chứ?".
Tuy nhiên tại Mỹ, nói như luật sư Joseph Smallhoover của văn phòng luật Bryan Cave, "hoàn toàn không có một cuộc chiến nào chống lại châu Âu hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Không có một âm mưu nào ở đây cả. Người Mỹ chỉ hành động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình mà thôi".
Thế nhưng, những doanh nghiệp nào đang nằm trong tầm ngắm "trừng phạt" của Mỹ chẳng chóng thì chày cũng phải chấp nhận hợp tác với Mỹ, nếu không thì sẽ không còn có cơ hội làm ăn với Mỹ nữa hoặc sẽ bị mất đi giấy phép hoạt động. Cũng cần nói thêm rằng thị trường Mỹ khá lớn và ổn định nên phần lớn các công ty đều phải cân nhắc thiệt hơn để chơi với Mỹ.
************
Kỳ tới: Tìm cách phản đòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận