Đạo diễn Bong Joon Ho đã có trong tay giải Cành cọ vàng lịch sử - Ảnh: Cannes
Giải thưởng này của Bong Joon Ho tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 càng trở nên đặc biệt khi năm nay kỷ niệm 100 năm điện ảnh Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, những tiếng nói đầy tinh tế nhưng rất mạnh mẽ của nữ giới đã được Cannes đánh giá cao. Hai bộ phim lần đầu tranh giải Cành cọ vàng của 2 nữ đạo diễn là Atlantics của Mati Diop (Pháp gốc Senegal) và Portrait of a lady on fire của Céline Sciamma (Pháp) cũng đã gặt hái những chiến thắng quan trọng.
PARASITE Trailer (2019) Joon Ho Bong Movie
Cành cọ vàng xứng đáng cho Bong Joon Ho
Bong Joon Ho là một trong những biên kịch, đạo diễn, tác gia (auteur) nổi bật nhất trong gần 2 thập kỷ phát triển rực rỡ gần đây của điện ảnh Hàn Quốc, bên cạnh những cái tên như Park Chan Wook, Lee Chang Dong hay Hong Sang Soo.
Ngay từ bộ phim dài đầu tay Barking dogs never bite ra mắt vào năm 2000, Bong Joon Ho đã cho thấy tố chất của một đạo diễn tài năng khi xoáy sâu ống kính máy quay vào những bất ổn của xã hội Hàn Quốc hiện đại, đặc biệt các chủ đề về bạo lực, cái ác, sự bất công giữa các giai cấp trong xã hội với cái nhìn giễu cợt, châm biếm.
Các bộ phim sau đó của ông như Memories of murder (2003), The Host (2006), The Mother (2009), Snowpiercer (2013) hay Okja (2017), Bong Joon Ho tiếp tục thể hiện cái nhìn giễu cợt các vấn đề xã hội hoặc phơi bày những mặt tối của con người, ở đủ thể loại phim, từ phim hình sự tội phạm đến kinh dị, chính kịch đến giả tưởng, từ phim về một con quái vật sông Hàn hay phim về một chuyến tàu băng giá trong thời đại hậu tận thế.
Parasite
Parasite mới chỉ là bộ phim thứ 7 của Bong Joon Ho. Và nếu đã quen với phong vị của ông trong các bộ phim trước, đây không phải là một bộ phim gây quá nhiều bất ngờ.
Nó vẫn là tác phẩm mang tính ngụ ngôn châm biếm về giai cấp, địa vị và sự bất công trong xã hội hiện đại của Hàn Quốc, vẫn là bộ phim kết hợp tuyệt vời giữa những vấn đề nghiêm túc với tính giải trí khiến khán giả được thỏa mãn.
Nhưng điều đặc biệt ở Parasite là tài nghệ kể chuyện bằng hình ảnh của Bong Joon Ho được đánh giá như một bậc thầy thủ công với sự khéo léo tuyệt vời và không thể bắt chước.
Bộ phim pha trộn giữa sự sắc sảo và ngớ ngẩn của các nhân vật chính trong hai gia đình khác biệt về đẳng cấp với sự ly kỳ càng lúc càng tăng cao, để lại một cái kết gây choáng váng cho thị giác của người xem.
Đạo diễn Bong Joon Ho nhận giải từ trưởng ban giám khảo Cannes 2019 - Ảnh: Cannes
Ở nhiều khoảnh khắc hài hước, Bong Joon Ho đã thể hiện khả năng tạo dựng tình huống nghịch dị vô song của ông. Rất nhiều chi tiết mang tính phi lý nhưng đem lại cảm giác hi vọng và thư thái.
Cuộc sống trong Parasite thật nực cười, không thể đoán trước và phi logic nhưng cuối cùng, nó vẫn dẫn đến khía cạnh khải thị và nhân văn cho bộ phim.
Không chỉ thế, Bong còn được ban giám khảo đánh giá là một bậc thầy, một auteur theo nghĩa cao nhất của từ này với sự kết hợp giữa kịch bản sâu sắc và ngôn ngữ điện ảnh mới mẻ. Parasite có lẽ cũng là bộ phim hiếm hoi đoạt giải Cành cọ vàng nhận được sự đồng thuận cao nhất của giới phê bình và báo chí trong nhiều năm trở lại đây.
Mati Diop nhận giải Grand Prix từ Sylvester Stallone - Ảnh: Cannes
Và tiếng nói mạnh mẽ của nữ giới
Hạng mục cao thứ nhì - Grand Prix của Cannes năm nay thuộc về Atlantics của đạo diễn Mati Diop. Đây cũng là giải thưởng mang tính lịch sử khi lần đầu có nữ đạo diễn gốc Phi tranh giải Cành cọ vàng trong suốt 72 năm và đoạt một giải thưởng lớn.
Và đây cũng là giải thưởng cao nhất một nhà làm phim nữ đạt được ở Cannes, sau The Piano của nữ đạo diễn Jane Campion (New Zealand) đoạt giải Cành cọ vàng năm 1993.
Atlantics (Atlantique) new clip official from Cannes
Atlantics là bộ phim nhiều đam mê, giàu chất thơ và thách thức về thể loại của Mati Diop. Nữ đạo diễn người Pháp gốc Senegal này đã đưa những vấn đề mang tính thời sự toàn cầu: di cư, nghèo đói và hậu chủ nghĩa tư bản, biến nó thành bộ phim pha trộn giữa hiện thực và huyền ảo.
Những táo bạo và tinh tế trong nghệ thuật kể chuyện của Diop cho thấy nữ đạo diễn xuất thân từ một diễn viên này hứa hẹn sự nghiệp tuyệt vời ở phía trước.
Trong cuộc họp báo ra mắt bộ phim tại Cannes, Mati Diop kể lại chuyến đi thăm Dakar (Senegal), quê hương của cha cô, vào năm 2009 làm thay đổi nhãn quan của cô về thế giới. Cô thấy ở đó một cuộc khủng hoảng thực sự. Nhiều chàng trai trẻ đã chạy trốn khỏi đất nước vì lý do kinh tế và chính trị.
Atlantics là bộ phim truyện dài đầu tay của Diop, được chuyển thể từ bộ phim tài liệu ngắn cùng tên của cô thực hiện năm 2009 sau chuyến thăm quê hương của cha cô, khai thác chuyện tình yêu mang màu sắc hiện thực huyền ảo giữa một đôi trai gái Senegal trẻ tuổi.
Khi chàng trai vượt biển sang châu Âu tìm miền đất hứa, cô gái bị bỏ lại ở phía sau và chờ đợi người đàn ông trở về trong mòn mỏi và tuyệt vọng. Đó là một câu chuyện đầy ám ảnh đối với Mati Diop.
Để thực hiện bộ phim đầu tay này, Mati Diop chọn các diễn viên không chuyên và đa số được casting từ trên đường phố. Mame Bineta Sane - nữ diễn viên trẻ đóng vai Ada, cô gái bị bỏ lại - là người sống ở vùng ngoại ô Dakar và bị ảnh hưởng bởi vấn đề nhập cư.
Sinh ra và lớn lên hoàn toàn tại Pháp, từng đóng vai chính trong bộ phim 35 Shots of Rum của nữ đạo diễn Pháp nổi tiếng Claire Denis, Mati Diop lại chọn Senegal làm chất liệu cho bộ phim dài đầu tay của mình. "Thời gian tôi đến thăm Dakar đã nuôi dưỡng tình yêu điện ảnh của tôi. Nguồn gốc châu Phi và nguồn gốc điện ảnh của tôi rất liên kết" - cô nói.
Một trong ba ứng cử viên hàng đầu cho Cành cọ vàng là Portrait of a lady on fire của nữ đạo diễn người Pháp Céline Sciamma nhận 2 giải là Kịch bản xuất sắc nhất và Queer Palme (Cành cọ vàng dành cho phim đồng tính). Đây là lần đầu tiên một nữ đạo diễn đoạt giải Queer Palme từ khi giải thưởng này xuất hiện vào năm 2010.
Một ứng cử viên quan trọng khác của Cành cọ vàng là Pain & Glory của đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar cuối cùng chỉ mang về giải Nam diễn viên xuất sắc cho ngôi sao Antonio Banderas, người hợp tác với Almodovar trong 7 bộ phim.
Jean-Piere & Luc Dardenne - hai anh em đạo diễn người Bỉ kỳ cựu - tiếp tục mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất với bộ phim Young Ahmed. Đây là lần thứ 8 họ có phim tranh giải chính thức và chiến thắng hầu hết các giải quan trọng, gồm 2 lần thắng giải Cành cọ vàng (Rosetta, 1999 và The Child, 2005), một lần đoạt Giải thưởng lớn (The kid with a bike, 2011), một lần đoạt giải Biên kịch (The silence of Lorna, 2008) và một lần đoạt giải đặc biệt của ban giám khảo (Two days, one night).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận