Parasite sẽ ra mắt khán giả Việt Nam đầu tháng 6 - Ảnh: CJ
Chúng tôi đã chia sẻ sự huyền bí về cách mà bộ phim này đưa chúng tôi qua các thể loại khác nhau một cách bất ngờ, hài hước, dịu dàng, không phán xét những vấn đề rất liên quan, khẩn cấp và mang tính toàn cầu toàn cầu như vậy.
Alejandro Gonzalez Iñárritu - trưởng Ban giám khảo Cannes 2019
Parasite (Ký sinh trùng) xoay quanh hai gia đình ở hai thái cực đối lập hoàn toàn trong xã hội, phim mang màu sắc châm biếm và sử dụng thành công các yếu tố giật gân dẫn đến cái kết phim bất ngờ.
Ký sinh trùng, một câu chuyện hài hước về khoản cách giàu nghèo ngày càng lớn của đạo diễn Bong Joon Ho, đứng đầu bảng điểm đánh giá các phim tranh giải năm 2019 trước khi được trao giải tại lễ bế mạc liên hoan phim ngày 25-5, giờ Pháp.
Parasite đánh dấu sự kiện lần đầu tiên điện ảnh Hàn Quốc sở hữu Cành cọ vàng - Ảnh: Cannes
Bong Joon Ho cho biết bộ phim Ký sinh trùng là một thử nghiệm của chính mình trong việc thực hiện một bộ phim độc đáo. Phim Ký sinh trùng cũng phá vỡ kỷ lục là bộ phim có số lượng phát hành cao nhất từ trước đến nay ở 192 quốc gia khác nhau, theo Arirang News.
Dù đạo diễn Bong Joon Ho cho rằng Ký sinh trùng có thể "quá Hàn Quốc" đối với các khán giả quốc tế, chủ tịch ban giám khảo Alejandro Inarritu khẳng định bộ phim được sự ủng hộ của toàn bộ 9 giám khảo năm nay.
Nhiều bài báo ví von tác phẩm xuất sắc hơn cả Memories of Murder vốn làm nên tên tuổi Bong Joon Ho tại Hàn Quốc. Parasite cũng có điểm số cao nhất trong hầu hết các bảng điểm của giới chuyên môn tại Cannes năm nay.
Parasite Trailer (2019) Joon Ho Bong Movie
Tôi không bao giờ tưởng tượng được điều này. Năm nay cũng là kỷ niệm 100 năm của diện ảnh Hàn Quốc. Tôi nghĩ Liên hoan phim Cannes đã trao cho tôi một món quà tuyệt vời!
New York Times dẫn lời đạo diễn Bong Joon Ho khi nhận giải.
Với hàng loạt bộ phim ấn tượng như The Host, Snowpiercer (Chuyến tàu băng giá), đạo diễn Bong Joon Ho là một trong những gương mặt nổi tiếng của Hàn Quốc từng nhận vô số giải thưởng tại quê nhà và đang tiến vào Hollywood.
Tuy nhiên, đến nay ông vẫn kém duyên với các giải thưởng quốc tế. Ông từng hụt giải tại liên hoan phim lớn nhất thế giới cách đây 2 năm với bộ phim Okja chiếu trên dịch vụ Netflix có sự tham gia của diễn viên Tilda Swinton.
Trước đây, Bong Joon Ho cũng từng dự hạng mục Un Certain Regard hai lần nhưng không chiến thắng.
Bảng điểm ban giám khảo báo chí ở Cannes cho thấy có 4 tác phẩm xuất sắc nhất (điểm 3 trở lên) là Parasite, Pain and Glory, Portrait of a Lady on Fire và Once Upon a tim in Hollywood - Ảnh: tư liệu
Đạo diễn Bong Joon Ho nhận giải từ trưởng ban giám khảo Cannes 2019 - Ảnh: Cannes
Một phim được báo chí gọi là kiệt tác khác là Pain & Glory lại gây thất vọng vì trượt giải lớn. Đây là phim đúng tầm đẳng cấp của tác giả Pedro Almodovar sau giai đoạn thoái trào kể từ Volver năm 2006.
Pain and Glory teaser trailer UK
Phim kể câu chuyện về Salvador Mallo - một nhà làm phim bị từ chối, tìm về những ký ức tươi đẹp lúc còn trẻ.
Nam tài tử Antonio Banderas, vốn là gương mặt quen thuộc trong phim Almodovar nhận giải Nam chính trước sự hô hào của khán giả.
Tờ Independent của Anh khen Banderas là "vai diễn tinh tế, có hồn" - Ảnh: El Deseo
Once upon a time in Hollywood được kỳ vọng làm nên chuyện ở Cannes nhưng bất thành. Đạo diễn Quentin Tarantino gấp rút hoàn thành bản dựng cho kịp thời gian dự giải và thậm chí đã xuất hiện tại bế mạc nhưng vẫn ra về tay trắng.
Những nhà phê bình uy tín của Anh và Mỹ dành cho phim điểm tuyệt đối bao gồm The Guardian, The Telegraph, Time... dự báo phim có thể gặt hái giải thưởng ở Oscar năm sau.
Once upon a time in Hollywood - Official Teaser Trailer
Ngoài ra A Hidden Life của Terrence Malick cũng được dự báo từ sớm sẽ mang về Cành cọ vàng thứ hai sau The Tree of Life năm 2011, đáng tiếc câu chuyện lịch sử của phim có vẻ hợp với Oscar hơn.
A Hidden Life kể câu chuyện có thật về nông dân người Áo tên Franz Jägerstätter, người đã từ chối Hitler và phản đối chiến tranh. Cuối cùng anh ta bị tẩy chay bởi cộng đồng của mình, bị giam cầm vì bị xử tử. Phim đoạt giải phê bình báo chí độc lập.
Từ bỏ tính dục, Cannes năm nay chuộng các phim có tính thời sự.
Yếu tố chính trị đan xen bạo lực nằm ở giải bình chọn của Ban giám khảo: Les Misérables và Bacurau. Les Misérables là phim đầu tay của đạo diễn trẻ Ladj Ly, dựa theo chính phim ngắn cùng tên do Ladj Ly dàn dựng năm 2017.
« Les Misérables » de Ladj Ly trailer
Phim mô tả cuộc bạo loạn Paris năm 2005, cũng như gợi lại những ký ức đau buồn mà nước Pháp mới phải hứng chịu gần đây.
Cảnh trong phim Bacurau - Ảnh: Globo Filmes
Riêng Bacurau mô tả mặt trái của Brazil với thủ pháp điện ảnh sắc bén của đạo diễn Kleber Mendonça Filho - người cũng từng làm ồn ào tại Cannes 2016 với thông điệp dân quyền trong Aquarius.
Với giải đạo diễn danh giá, anh em đạo diễn người Bỉ Jean-Pierre và Luc Dardenne tiếp tục chứng tỏ quyền lực trong cách kể chuyện của mình.
Jean-Pierre và Luc Dardennes đã sở hữu hai Cành cọ vàng cho Rosetta (1999) và The Child (2005) - hai phim này đều liên quan tới những thanh thiếu niên nổi loạn.
Young Ahmed xoay quanh Ahmed, một cậu bé 13 tuổi người Bỉ âm mưu giết giáo viên nhân danh tôn giáo của mình - Ảnh: Diaphana Films
Portrait of a lady on fire của Céline Sciamma trở thành hiện tượng ở Cannes năm nay, là phim của nữ đạo diễn tranh giải nằm trong Top đầu những phim được báo chí bình chọn cao nhất, dù cuối cùng chỉ nhận giải Kịch bản.
Portrait of a Lady on Fire new clip official from Cannes
Tác phẩm kể về câu chuyện tình đồng tính của hai người phụ nữ thế kỷ 18 giữa một nữ họa sĩ và một cô gái trẻ được thuê để vẽ chân dung. Nữ diễn viên Adèle Haenel trong phim cũng là bạn gái ngoài đời của Sciamma.
Cảnh trong phim Portrait of a lady on fire - Ảnh: Pyramide Films
Céline Sciamma sinh năm 1978, nổi tiếng với các tác phẩm đề cao tình yêu đồng giới như Water Lilies, Girlhood...
Portrait of a lady on fire là phim tranh Cành cọ vàng đầu tiên của Sciamma, nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ giới phê bình, như tờ Variety gọi phim là "đủ cháy bỏng ở mọi tầng nghĩa, dù góc nhìn rất khác biệt dưới con mắt phụ nữ".
Poster phim Portrait of a lady on fire
Queer Palm (Cành cọ vàng cho thể loại phim đồng tính, tổ chức từ 2010) thuộc về Portrait of a lady on fire là kết quả không thể bàn cãi. Đáng chú ý, chủ tịch giám khảo giải này là nữ diễn viên Virginie Ledoyen và Céline Sciamma là đạo diễn nữ đầu tiên giành giải này.
Cũng trượt Cành cọ vàng, song giải thưởng lớn cho Mati Diop (phim Atlantique) cũng khiến khán phòng vỡ òa. Mati Diop vốn là diễn viên nhưng sớm rẽ hướng sang vị trí đạo diễn và Diop là đạo diễn nữ da màu đầu tiên tranh Cành cọ vàng.
Chân dung đạo diễn Mati Diop - Ảnh: Gettyimages
Atlantique ca ngợi tình yêu, nhưng bằng thủ pháp điện ảnh khác biệt, mang đậm yếu tố cá nhân, khoét sâu vào tâm lý con người.
Phim mở đầu bằng cuộc di cư, báo hiệu sự chia ly giữa hai nhân vật chính. Nhưng vào giờ phút quyết định, một đám cháy lớn xảy ra ngay lễ cưới, hai nhân vật chính có dịp hội ngộ...
Yếu tố sắc tộc và giới tính giúp ban giám khảo dành sự động viên cho Mati Diop và Atlantique - Ảnh: Ad Vitam
Little Joe là một trong số ít phim có hiệu ứng trái chiều - "đặc sản" thường thấy ở Cannes các mùa.
Phim kể về Alice một nhà khoa học nữ đã tạo ra một loại cây biến đổi gen khác thường. Little Joe là phim tiếng Anh đầu tiên của nữ đạo diễn Jessica Hausner.
Cảnh trong phim Little Joe - Ảnh: cắt từ clip
Vai Alice giúp diễn viên trẻ Emily Beecham đoạt giải Nữ chính. Đây là kết quả khá bất ngờ nhưng không quá khó hiểu khi năm nay hầu như không có nhân vật nữ nào thật sự gây chú ý.
Kết quả Liên hoan phim Cannes lần thứ 72
Cành cọ vàng (Palm D’Or): Parasite (Bong Joo-ho)
Giải thưởng lớn (Grand Prix): Atlantique (Mati Diop)
Đạo diễn xuất sắc nhất: Jean-Pierre và Luc Dardenne (Young Ahmed)
Kịch bản xuất sắc nhất: Portrait of a lady on fire (Céline Sciamma)
Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Antonio Banderas (Pain and Glory)
Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Emily Beecham (Little Joe)
Giải của Ban giám khảo (Jury Prize): Les Misérables và Bacurau
Giải đặc biệt của Ban giám khảo (Mention Special): It Must Be Heaven
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận