11/08/2021 09:04 GMT+7

Chiến lược phủ vắc xin để mở cửa lại

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Hai nước láng giềng Singapore và Malaysia đang cùng theo đuổi kế hoạch mở cửa nền kinh tế tiệm tiến với tốc độ phủ vắc xin và hướng tới điều trị COVID-19 như bệnh đặc hữu.

Chiến lược phủ vắc xin để mở cửa lại - Ảnh 1.

Từ ngày 10-8, Singapore bắt đầu giai đoạn đầu tiên trong lộ trình 4 bước mở cửa lại nền kinh tế - Ảnh: Straits Times

Truyền thông Singapore và Malaysia bắt đầu gọi COVID-19 là bệnh đặc hữu (endemic) thay vì pandemic (đại dịch), như một cách để người dân chuẩn bị tâm lý sẽ phải sống chung với nó lâu dài.

Lộ trình chuyển đổi chú trọng sự cân bằng giữa cuộc sống và kinh tế. Chúng ta tiếp cận từng bước một.

Bộ trưởng Y Ong Ye Kung cho biết

Bệnh đặc hữu

Theo báo Straits Times, bệnh đặc hữu là loại bệnh tồn tại lâu dài trong cộng đồng, như sốt xuất huyết hay cúm, nhưng có thể phòng ngừa.

Sốt xuất huyết đã tồn tại ở Singapore nhiều thập niên. Hằng năm nước này chi hàng chục triệu đôla để phòng ngừa. Khi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, họ cho rằng có thể áp dụng phương pháp tương tự.

Giáo sư chuyên ngành bệnh truyền nhiễm Paul Tambyah của Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH) cho rằng: "Chúng ta cần học cách sống chung với COVID-19, bảo vệ người dễ tổn thương, triển khai dịch vụ y tế công cộng, đảm bảo tiêm chủng, chẩn đoán và điều trị thích hợp".

Phó giáo sư Alex Cook chuyên nghiên cứu các mô hình bệnh truyền nhiễm cho rằng việc chấp nhận COVID-19 là bệnh đặc hữu có nghĩa "sẽ có nhiều ca bệnh hơn hiện nay, nhưng nhờ tiêm chủng sẽ có rất ít số người tử vong".

Với việc tiêm chủng cho đa số người dân, các đợt bùng phát COVID-19 trong tương lai sẽ phụ thuộc vào tác dụng kéo dài của vắc xin và loại biến thể mới xuất hiện.

Ông Khairy Jamaluddin, người đứng đầu chương trình tiêm chủng quốc gia Malaysia, hồi tháng 6 cảnh báo COVID-19 có khả năng vẫn tồn tại ngay cả khi một phần lớn dân số đã chủng ngừa. "Quan điểm của tôi dựa trên dữ liệu và khoa học thì thấy đây rất có thể là một bệnh đặc hữu" - ông Khairy nói.

Chuẩn bị mở cửa

Sự thay đổi quan niệm dẫn tới thay đổi trong ứng phó và chiến lược mở cửa lại kinh tế của Singapore và Malaysia.

Singapore thoạt đầu dùng chiến lược Zero Covid (0 ca Covid) ngăn dịch. Nhưng trong những tháng gần đây họ chuyển sang tìm cách sống chung với nó. Mấu chốt của chiến lược này là mục tiêu tiêm được cho 80% dân số (khoảng 5,7 triệu người).

Để đạt tỉ lệ tiêm cao hơn, Singapore áp dụng cách tiếp cận toàn diện về công nhận vắc xin. Nghĩa là bất cứ ai tiêm đủ liều một trong các vắc xin thuộc danh sách cấp phép khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều được công nhận.

Giống như Singapore, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin cuối tháng 7 cho rằng cách hiệu quả nhất để thoát khỏi COVID-19 là tăng cường tiêm chủng. Ban đầu Malaysia đặt mục tiêu tiêm đủ liều cho 80% dân số trưởng thành trong quý 1-2022. Nhưng mục tiêu này đã được đẩy nhanh để hoàn thành ngay trong năm nay.

Tính đến ngày 8-8, Malaysia đã tiêm tổng cộng 23,6 triệu liều vắc xin. Tỉ lệ dân số tiêm ít nhất một liều là 47% và hai liều là hơn 25%.

Mở cửa từng bước

Theo Straits Times, từ 10-8 Singapore xúc tiến "giai đoạn chuẩn bị". Mọi người được ăn tại nhà hàng theo nhóm tối đa 5 người với điều kiện đã tiêm đầy đủ.

Giới hạn số người tụ tập nơi công cộng cũng nới từ 2 lên 5. Các gia đình có thể đón tối đa 5 khách. Những người đã tiêm đủ có thể tới các sự kiện lớn hơn không cần đeo khẩu trang.

Cũng từ 10-8, Singapore cho phép nhập cảnh với người có giấy phép làm việc và người thân của họ, miễn là tất cả đã chích ngừa đủ. Trong ngày Quốc khánh 9-8 Singapore công bố hoàn thành mục tiêu tiêm đủ cho 70% dân.

Nếu tình hình ổn định, quy mô sự kiện và giới hạn sức chứa ở các trung tâm mua sắm, điểm tham quan sẽ tăng lên vào ngày 19-8. Khi đó, các công ty sẽ cho phép 50% nhân viên đang làm việc từ xa trở lại văn phòng.

Theo Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung, giai đoạn chuẩn bị sẽ kéo dài một tháng, từ 10-8 đến đầu tháng 9. Khi ấy, với khoảng 80% dân số đã tiêm, Singapore sẽ chuyển sang "giai đoạn chuyển tiếp A".

Đây là lúc nền kinh tế mở hơn nữa, thậm chí người dân có thể đi du lịch. Nếu tốt, Singapore sẽ chuyển sang giai đoạn chuyển tiếp B, trước bước cuối đạt được bình thường mới.

Mở cửa đất nước theo 4 giai đoạn cũng là kế hoạch của Malaysia. Nước này quy định rõ 3 tiêu chí để xác định có chuyển sang giai đoạn tiếp theo không gồm số ca mắc mới mỗi ngày, tỉ lệ dân tiêm đủ liều và năng lực xử lý của hệ thống y tế.

Giai đoạn 1 là phong tỏa toàn quốc với số ca bệnh hằng ngày trên 4.000 ca. Hiện có 8 bang của Malaysia đã sang giai đoạn 2, khi số ca mắc mới giảm xuống dưới 4.000. Giai đoạn 3 là khi số ca mới dưới 2.000 ca/ngày, đồng thời tái hoạt động một số ngành.

Để chuyển sang giai đoạn cuối cùng, số ca COVID-19 theo ngày phải dưới mức 500, tỉ lệ tiêm đủ liều vắc xin đạt 60% dân số và năng lực y tế phải ở mức an toàn với đủ số giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết hầu hết các bang của Malaysia có thể sẽ chuyển sang giai đoạn 4 trong tháng 10 tới.

Singapore thận trọng mở cửa với nỗ lực ‘toàn chính phủ’: lợi thế trong bối cảnh đầy thách thức Singapore thận trọng mở cửa với nỗ lực ‘toàn chính phủ’: lợi thế trong bối cảnh đầy thách thức

Singapore đang từng bước mở cửa với các quốc gia an toàn, để nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế. Chính phủ nước này vẫn rất thận trọng đặt ra các quy định và biện pháp nâng cao, nhằm đảm bảo an toàn khi mở cửa trở lại.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên