16/09/2024 12:12 GMT+7

Chiếm nhà của mẹ, hai vợ chồng người con bị khởi tố

Vợ chồng người con trai bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc chiếm giữ nhà trái phép của mẹ già.

Nước mắt mẹ già bị vợ chồng con trai chiếm nhà - Ảnh 1.

Bà T. đang ở tạm nhà người thân - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Hai phiên tòa tuyên mẹ thắng

Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vừa khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Ba (57 tuổi) và vợ là Huỳnh Thị Thanh (58 tuổi) để điều tra hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác. Người bị chiếm giữ nhà trái phép trong vụ việc trên chính là mẹ của ông Ba.

Theo tìm hiểu, năm 2019, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất và hủy quyết định cá biệt.

Nguyên đơn là bà P.T.T. (trú phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), bị đơn là Nguyễn Văn Ba (con bà T., trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), N.T.K.C. (con của ông Ba). Những người liên quan có 3 người con bà T..

Theo hồ sơ, nguồn gốc nhà đất tại tổ 7, phường Hòa Quý của cha bà T. cho, đã được cấp sổ đỏ. Việc bà T. ký di chúc ngày 23-2-2003, mục đích là để con bà (ông Ba) phải có nghĩa vụ phụng dưỡng bà lúc còn sống. Khi bà T. chết thì di chúc có hiệu lực, vợ chồng ông Ba sẽ được thừa kế di sản.

Năm 2010, bà T. hay đau, cần tiền chữa bệnh nên muốn bán bớt một phần đất.

Lợi dụng việc bà T. không biết đọc, không biết viết nên khi chuyển nhượng cho bà M.T.X. bằng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại phòng công chứng, đồng thời ông Ba cũng làm thủ tục công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho mình, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho C..

Việc công chứng cùng một lúc 3 hợp đồng trên bà T. không hề biết.

Tháng 7-2017, phường có hỗ trợ tiền để sửa nhà bà T. mới phát hiện và đi sao lục giấy tờ thì thấy ngoài thửa đất đã chuyển nhượng, diện tích còn lại đã cấp sổ đỏ hơn 201m2 cho ông Ba, 157m2 cho C..

Gần 2 năm, bà yêu cầu trả lại nhà đất không được.

Cũng theo trình bày, từ khi ông Ba đứng tên trên sổ đỏ thì không đối xử tử tế với mẹ như trước.

Bà T. không biết đọc, không biết viết nhưng khi công chứng hợp đồng cho tặng, công chứng viên không mời người làm chứng là trái quy định. 

Nếu có người làm chứng bà được nghe người này đọc nội dung thì bà đã không ký hợp đồng. 

Do đó, việc quận căn cứ vào hợp đồng tặng cho để cấp sổ đỏ cho ông Ba, C. là trái luật.

Bà T. yêu cầu tòa hủy hợp đồng tặng cho, hủy sổ đỏ đã cấp. Do C. đã chuyển nhượng đất nên nguyên đơn rút một phần yêu cầu.

Ba người con của bà T. thống nhất với yêu cầu khởi kiện của mẹ.

Tòa xác định có đủ cơ sở khẳng định lời khai của bà T. rằng bà không biết chữ, không biết đọc mà chỉ biết ký và ghi họ tên của mình là hoàn toàn có căn cứ.

Việc bà T. ký tên, điểm chỉ vào các hợp đồng tặng cho không thể hiện đúng ý chí tự nguyện. 

Bà T. không hề biết việc bà đã ký các hợp đồng tặng cho tài sản cho con và cháu đồng thời với việc bà tự nguyện ký hợp đồng tặng cho bà M.T.X. (thực chất là chuyển nhượng).

Bà T. không biết đọc, công chứng viên không mời người làm chứng là vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục công chứng.

Việc cấp sổ đỏ cho ông Ba dựa trên hợp đồng tặng cho vi phạm về trình tự thủ tục công chứng, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, là không có cơ sở.

Tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T., tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa bà T. và ông Ba vô hiệu.

Bà T. được quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền để chỉnh lý biến động hoặc cấp lại sổ.

Ông Ba kháng cáo nhưng tòa phúc thẩm đã bác, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nỗi niềm mẹ già bị vợ chồng con trai chiếm giữ nhà trái phép - Ảnh 2.

Bà T. cho biết từ khi xảy ra sự việc bà rất buồn, không thể ngủ - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Chiếm nhà mẹ già không trả

Căn cứ bản án, cơ quan chức năng hủy sổ đỏ đã cấp cho ông Ba và cấp lại sổ mới cho bà T.

Theo bà T., tháng 6-2022 bà bị bạo bệnh, không thể ở một mình nên đã xuống nhà con đầu để tiện chăm sóc. Lợi dụng việc này vợ chồng ông Ba đưa đồ đạc đến nhà bà để ở. 

Sau đó, thỉnh thoảng bà T. có ghé về thăm nhà nhưng lần nào cũng bị vợ chồng con trai xua đuổi, chửi bới, cản trở, không cho vào…

Đỉnh điểm là ngày giỗ của chồng, bà T. về để thắp hương nhưng vợ chồng ông Ba không cho vào nhà dẫn đến xô xát…

Bà T. đã kiến nghị địa phương, cơ quan liên quan có biện pháp buộc vợ chồng ông Ba trả lại nhà.

Cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền, vận động nhưng ông Ba không chấp hành.

Gần nhất là ngày 29-8, UBND phường cùng các cơ quan, đoàn thể tiếp tục vận động vợ chồng ông Ba tự nguyện trả lại nhà nhưng bất thành.

Nỗi niềm của mẹ

Bà T. hiện đang ở tạm nhà của người thân. Ở cái tuổi đã 75 lại hay đau ốm khiến việc đi lại của bà rất khó khăn.

Bà T. kể hôm lên phường dù đã được cán bộ khuyên giải nhưng ông Ba vẫn không đồng ý trả nhà. "Họ nói nhà của mẹ anh sao anh không trả, anh làm rứa răng được. Hắn kêu nhà của tôi chứ nhà chi của bả" - bà T. thuật lại.

Giọng run run, bà T. tiếp lời khi xảy ra sự việc, các con của bà cũng nhờ đến chính quyền địa phương nhưng ông Ba không chịu. Sau đó vụ việc mới phải ra tòa phán xử.

"Tôi khuyên hắn mẹ nuôi con lớn, đi hỏi vợ cho con đàng hoàng, con cũng có nhà cửa riêng. Mẹ ở đây, khi mô mẹ chết con làm chi đó làm. Đừng làm chi để pháp luật trừng trị, mẹ cũng chẳng sướng ích gì, nhưng hắn không nghe, còn la lại. Tôi buồn lắm, đêm nằm không ngủ được…" - bà T. chảy nước mắt nói.

"Đất ông bà để lại, tôi chỉ mong muốn về nhà để thờ cúng chồng thôi…" - bà T. nghẹn lời.

Nỗi niềm mẹ già bị vợ chồng con trai chiếm giữ nhà trái phép - Ảnh 4.Cho ở tạm rồi bị chiếm đất, xây luôn nhà

TTO - Bị người khác chiếm dụng đất xây nhà ở, tòa án xử trả lại đất cho chủ đất nhưng người chiếm dụng vẫn ở. Gần 2 năm nay, chủ đất gặp nhiều rắc rối khi làm lại giấy tờ đất và đòi lại đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên