03/08/2015 11:30 GMT+7

​“Chiếc phao” của ngư dân

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Thiếu tá Phạm Trọng Cầu (42 tuổi, thuyền phó tàu BP 19-11-01, hải đội 2 - Bộ đội biên phòng Cà Mau) được nhiều ngư dân hành nghề trên vùng biển Cà Mau coi như vị “cứu tinh” của mình.

Thiếu tá Phạm Trọng Cầu - Ảnh: Tấn Đức

Thiếu tá Phạm Trọng Cầu đã hơn 20 năm gắn bó với con tàu, với những chuyến ra khơi cứu người trong dông bão, 

“Lúc chiều, khi đưa tàu vào vị trí an toàn, nhìn lên bầu trời rồi quan sát mặt biển, tôi đã cảm nhận điều gì đó bất thường. Kinh nghiệm nhiều năm đi biển khiến tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được” - thiếu tá Phạm Trọng Cầu nhớ lại đêm trước xảy ra trận dông lốc, giật sập hàng chục chòi canh của bạn đáy trên vùng biển Cà Mau.

Biển là nhà

Lặng lẽ trở dậy kiểm tra phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, thực phẩm... tất cả đã sẵn sàng “xuất kích” làm nhiệm vụ, thiếu tá Cầu mới yên tâm đi nằm tiếp.

Đang thiu thiu thì anh nhận được lệnh của chỉ huy đơn vị: Ngoài biển, nhiều khẩu đáy hàng khơi của ngư dân Rạch Gốc, Tân Ân (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cách đảo Hòn Khoai khoảng chục hải lý vừa bị mưa dông đánh sập. Hàng chục bạn đáy đang gặp nạn.

Toàn tàu phải lập tức xuất kích ứng cứu! “Vừa nhận lệnh, tôi đã nghĩ ngay tình thế nguy hiểm mà những bạn đáy đang đối mặt. Tai nạn xảy ra lúc nửa đêm, khi mọi người đang say ngủ nên có lẽ không ai kịp trở tay. Cho nên thời gian ứng cứu phải tính từng giây, từng phút” - thiếu tá Cầu nói.

Bởi anh biết rõ: Thông thường khi có dự báo thời tiết xấu, các chủ đáy sẽ đưa ghe ra đón bạn đáy đang sống và làm nghề trên những chòi cao cheo leo cách mặt biển cả chục thước vào bờ. Nhưng lần này do gió mùa đông bắc về đột ngột không ai kịp trở tay.

Tới nửa đêm, khi những hàng đáy không trụ nổi trước sóng gió cấp bảy, cấp tám đã đổ sập dây chuyền, nhiều bạn đáy liều mình ôm chiếc can nhựa dùng để chứa nước sinh hoạt lao xuống biển, phó mặc cho sóng cuốn đi.

Nhờ kinh nghiệm nhiều năm dọc ngang khắp vùng biển cực Nam, xem biển là nhà, thuộc như lòng bàn tay từng vị trí có đá ngầm, có dòng nước xoáy, các khu vực có bãi bồi, có cửa sông làm thay đổi dòng chảy..., trong đêm đen, thiếu tá Cầu đã khéo léo điều khiển con tàu đi ngược dông gió.

“Leo” qua từng cơn sóng cao ngất, có lúc như muốn hất ngược, muốn nhấn chìm anh và đồng đội xuống biển.

Sau gần hai giờ vật lộn với biển, con tàu mới đi được chừng 5 hải lý. “Kia rồi, có người!” - thiếu tá Cầu reo lên.

Anh cho tàu chạy chậm lại, giữ khoảng cách an toàn để người bị nạn không bị hút vào thân tàu, rồi quăng phao cứu sinh xuống kéo nạn nhân lên.

Từ đêm hôm đó tới xế chiều hôm sau, tàu cứu nạn của thiếu tá Cầu đã lần lượt cứu được gần 40 bạn đáy. Lúc này sóng gió đã tạm lắng, nhiều tàu cá của ngư dân trong vùng cũng đến hỗ trợ, tìm được hơn 20 người còn lại, kết thúc chuyến cứu hộ thành công như mong đợi.

Đó là một trong những hải trình cứu hộ, cứu nạn mà anh Cầu và các đồng đội không thể nào quên. Nhắc lại chuyện cũ, đại úy Đỗ Văn Chính (người từng công tác chung đơn vị anh Cầu) - hiện là phó trạm kiểm soát biên phòng Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển - bày tỏ:

“Tìm kiếm, phát hiện người gặp nạn đang trôi trên biển đã khó, nhưng việc tiếp cận mục tiêu một cách nhanh nhất, an toàn nhất càng khó hơn. Khả năng phán đoán và xử lý tình huống một cách chính xác, kịp thời của thiếu tá Cầu đã giúp hàng chục bạn đáy tránh được thảm họa đang đến rất gần”.

Trăn trở của người lính biển

Hơn 20 năm tham gia quân ngũ thì đã có trọn 15 năm anh Cầu gắn mình với đảo Hòn Khoai, cách đất liền độ 10 hải lý.

Hòn đảo không dân, chỉ có lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm lâm và vài nhân viên của trạm khí tượng nên khá vắng vẻ. Những người làm việc ở đây khi có việc gấp vào đất liền thường phải bao tàu cá của ngư dân với giá 2,5 - 3 triệu đồng/chuyến.

Nguồn thực phẩm chủ yếu nhờ tăng gia sản xuất trên đảo, mười bữa nửa tháng mọi người mới tổ chức một chuyến vào đất liền mua thêm vài món bổ sung.

“Đó là khoảng thời gian mình đi biền biệt, mỗi năm về nhà chỉ vài lần. Có khi năm, sáu năm liền ăn tết trên đảo với đồng đội và bà con ngư dân” - thiếu tá Cầu nhớ lại.

Bây giờ anh đã chuyển về đóng quân tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), điều kiện sinh hoạt tốt hơn, nhưng đây là vùng biển hết sức năng động. Hằng tháng có cả ngàn phương tiện ra vào, đánh bắt thủy hải sản, chưa kể hàng trăm miệng đáy và những chòi canh giăng mắc khắp nơi.

Từ cửa sông Đốc, cửa Bồ Đề kéo dài ra 2-7 hải lý là khu vực biển bồi, những tàu cá của ngư dân các tỉnh đổ về, đi không đúng luồng lạch thường bị mắc cạn.

Nơi đây cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thời tiết xấu, nhất là từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm hay chịu ảnh hưởng của bão, gây sóng to gió lớn.

Bởi thế anh Cầu và đồng đội phải luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, khi cứu người, cứu tàu bị phá nước, mắc cạn, lúc hỗ trợ tàu chết máy trôi dạt trên biển... Và mới đây là chuyến hải hành cấp cứu một ngư dân bị bệnh trên biển Hòn Khoai...

Anh Cầu bộc bạch: “Những việc làm được chúng tôi quên ngay, chỉ đau đáu vì chưa thể giúp người dân được trọn vẹn”.

Rồi anh kể có những tai nạn cứ ám ảnh mình suốt thời gian dài. Như vụ cứu hộ tàu Diễm Tín bị chìm trên đường từ Rạch Gốc ra đảo Hòn Khoai cách đây hơn 10 năm.

Do thiếu thông tin về vị trí của tàu bị nạn nên việc cứu hộ bị chậm trễ. Khi tiếp cận được tàu bị nạn, các anh chỉ kịp cứu 19 người, những ngày sau đó tiếp tục tìm kiếm, vớt được thêm năm thi thể nạn nhân trôi trên biển (vụ tai nạn này đã làm chết và mất tích 49 người trên tổng số gần 150 người có mặt trên tàu).

“Suốt 18 ngày sau thảm họa, tôi đã bị ám ảnh tới mất ăn mất ngủ, vì cứ nhắm mắt lại thấy hiện ra cảnh những cánh tay giơ lên cầu cứu.

Nỗi đau, nỗi ám ảnh đó đã nhắc nhở chúng tôi lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng xuất kích, bằng mọi cách nhanh nhất để tiếp cận, giành lấy sự sống cho người gặp nạn trên biển” - thiếu tá Cầu tâm sự.

Niềm tự hào của đơn vị

 “Tui cùng 5 anh em đang đi câu mực trên vùng biển cách đảo Hòn Khoai chừng 5 hải lý thì thình lình bị dông gió đẩy ghe vướng vào dây buộc đáy hàng khơi. Ghe bị lật chìm, tui và một bạn câu kịp chụp dây đáy bám lại được, còn một số anh em bị cuốn ra khơi xa.

May có chiếc điện thoại bỏ trong bọc nilông không bị ướt, tui liền gọi điện cầu cứu anh Cầu. Chừng hơn tiếng sau ảnh chạy tàu ra vớt mấy anh em chúng tôi. Không có sự nhiệt tình, xông xáo của ảnh chắc mấy anh em tui khó bề trụ nổi với sóng gió”- ông Nguyễn Thành Nam, ngụ thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), chủ ghe câu mực gặp nạn trên biển, kể.     

 “Thiếu tá Cầu là cán bộ, đảng viên gương mẫu trên mọi mặt công tác của đơn vị. Anh sống chan hòa, tình cảm và thường xuyên giúp đỡ đồng đội.

Làm nhiệm vụ đặc thù trên biển nếu không yêu nghề, không có bản lĩnh lập trường vững vàng thì rất dễ bỏ cuộc, nhưng Phạm Trọng Cầu rất kiên cường, vượt qua mọi khó khăn như vượt qua từng con sóng. Đơn vị chúng tôi tự hào về Cầu”- đại úy Trịnh Văn Khoắn, hải đội trưởng hải đội 2, Bộ đội biên phòng Cà Mau, nhận xét.

TẤN ĐỨC - LÊ KHOA

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên