22/10/2018 16:36 GMT+7

Chiếc Mig-17 kiêu hùng 46 năm trước

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 46 năm trước, trong trận không chiến ngày 10-5-1972 mà người Mỹ gọi là "Ngày đẫm máu", một phi công trẻ lái Mig-17 cũ kỹ lần đầu tiên xuất kích đã chiến đấu dũng mãnh với viên phi công giỏi của hải quân Mỹ lái chiếc tiêm kích F4 hiện đại.

Chiếc Mig-17 kiêu hùng 46 năm trước - Ảnh 1.

Ông Cunningham và tấm khăn thêu làm riêng để gửi đến liệt sĩ Trà Văn Kiếm với nội dung: Gửi trung úy Trà Văn Kiếm, người đã chiến đấu vì đất nước bằng tất cả phẩm giá và sự thiện chiến của mình. Tôi kính trọng anh như kính trọng những người bạn tôi đã đánh mất - Ảnh: KIÊN TRẦN

6 năm sau, viên phi công Mỹ đó - Randy Duke Cunningham trở lại, ngả mũ trước nấm mộ người chiến sĩ từng quần thảo với mình trên bầu trời để bày tỏ sự ngưỡng mộ.

3 phút không chiến nghẹt thở

12h15 ngày 10-5-1972, 66 máy bay của hải quân Mỹ cất cánh từ hàng không mẫu hạm ngoài Biển Đông bay vào ném bom các mục tiêu ở Hải Phòng và Hải Dương.

12h56, ở sân bay Kép (Bắc Giang), biên đội bốn chiếc Mig-17 của trung đoàn 923 được lệnh cất cánh đánh chặn. Biên đội bốn máy bay Mig-17 phải đối đầu với tám tiêm kích F4 và bốn cường kích A7 của Mỹ.

Trận không chiến diễn ra rất ác liệt giữa bốn chiếc Mig-17 có tuổi thọ đã trên dưới 20 năm, tốc độ chậm hơn so với các tiêm kích F4 thế hệ mới hiện đại bậc nhất của quân đội Mỹ. Yếu thế hơn về khí tài, biên đội bốn chiếc Mig-17 gặp nhiều tổn thất.

Phi công Đỗ Hạng - bay ở vị trí số 3 - hi sinh. Biên đội trưởng Nguyễn Văn Thọ phải nhảy dù. Mig-17 bay ở vị trí số 2 đuổi theo một chiếc cường kích A7 đang chạy ra biển...

Cựu phi công hải quân Mỹ, ông Randy Duke Cunningham, kể lúc đó ông đang trên đường rút ra biển, bất ngờ bị chiếc Mig-17 chặn đầu. Đó chính là chiếc Mig-17 bay ở vị trí số 4, số hiệu 2012. Viên phi công Mỹ áp sát định bắn tên lửa thì Mig-17 đã nổ súng trước.

"Tôi chưa bao giờ gặp một máy bay Mig-17 dám bắn thẳng vào mình như thế - viên phi công lái F4 nhớ lại - Khi bị bắn, tôi kéo lên cao ngay, hi vọng Mig-17 sẽ không theo kịp, mình sẽ chuồn ra biển. Nhưng khi tôi kéo lên, chiếc Mig-17 cũng kéo lên thẳng đứng!

Anh ta bám sát và cơ động trên mặt thẳng đứng cùng với chiếc F4 của tôi! Tôi định kéo lên tiếp rồi tăng tốc, vòng lại đuổi theo bắn là xong nhưng không ngờ khi vừa kéo lên đã thấy anh ta ngay sau lưng.

Nói thật lúc đó tim tôi đập thình thịch. Tôi lại tăng tốc. Nhưng vừa kéo lên anh ấy tiếp tục bắn tôi nữa, ngay trên chiều thẳng đứng cũng bắn".

Chiếc Mig-17 nhiều lần bám được phía sau chiếc F4 và nổ súng rất quyết liệt. Viên phi công sừng sỏ của hải quân Mỹ kể: "Tôi nghĩ nếu bay chậm, chắc chắn mình chết với Mig-17. Tôi áp dụng kỹ thuật kéo lên thẳng đứng rồi đột ngột thả giảm tốc, thả cánh tà ra để bay tốc độ chậm khiến Mig-17 xông lên trước và tôi bắn tên lửa".

Cunningham thừa nhận: "Chiếc Mig-17 bị thương nhưng rơi không phải vì bị bắn mà vì máy bay mất tốc độ...".

Chiếc Mig-17 số hiệu 2012 bị thất tốc, lao xuống đất! Số 4 mất liên lạc hoàn toàn với sở chỉ huy! Đó là thiếu úy phi công Trà Văn Kiếm, khi đó 26 tuổi, một phi công trẻ của trung đoàn 923.

Lời xin lỗi và nước mắt

Hơn 46 năm sau.

Buổi sáng 6-10-2018. Ở nghĩa trang liệt sĩ Ninh Hòa - Vạn Ninh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), dưới trời xanh nắng vàng, Randy Duke Cunningham - người cựu phi công chiến đấu của hải quân Mỹ năm nào giờ đã già, tóc bạc trắng, quỳ gối trước nấm mộ nhỏ.

Đó là mộ của liệt sĩ Trà Văn Kiếm.

Viên phi công Mỹ rơi nước mắt. Sự hối hận cùng với lòng kính phục sự kiên cường của người phi công Việt Nam đã khiến ông ray rứt gần 50 năm qua. Tuổi cao, khớp gối bị thoái hóa phải bọc thép, khó khăn lắm Cunningham mới quỳ xuống được. Ông khóc, xin lỗi và xin được tha thứ.

Cunningham run run nói: "Ông ấy đang ở đây... Tôi cảm nhận rõ ông ấy đang ở đây. Hôm nay là ngày khó khăn nhất trong đời tôi khi phải đối diện với anh. Đã hơn 46 năm nhưng tôi vẫn mong có ngày gặp anh và nói lời xin lỗi.

Tôi rất kính phục anh. Hôm nay đến được đây, tôi cảm thấy được giải thoát phần nào. Những năm qua tôi luôn gặp ác mộng...".

Có lẽ Cunningham sẽ không thể nào hiểu hết nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra cho mỗi gia đình người dân Việt Nam.

26 năm trên cõi đời, những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất thì đối thủ của ông - Trà Văn Kiếm - phải lớn lên trong đau thương, mất mát, chia ly khi đất nước bị xâm chiếm, gia đình tan nát. Bên nội, bên ngoại anh có hơn 10 người là liệt sĩ.

Cha anh là tiểu đội trưởng, bị thực dân Pháp chặt đầu khi mới 29 tuổi. Anh trai anh hi sinh năm 1970. Tám tuổi, Trà Văn Kiếm đã xa gia đình, được bí mật đưa ra Bắc đào tạo và đi biền biệt cho đến ngày hi sinh...

Thiếu úy Trà Văn Kiếm sinh ra ở Khánh Hòa. Anh được đào tạo phi công ở Liên Xô từ năm 1966 đến năm 1969 trở về nước. Khi ra trận, thiếu úy Trà Văn Kiếm là một phi công non nớt kinh nghiệm với chỉ hơn 200 giờ bay. Đó là lần đầu tiên anh xuất kích.

Ngay trận không chiến định mệnh ấy, anh đã phải đối đầu, đấu trí với Randy Duke Cunningham - phi công chiến đấu sừng sỏ của hải quân Mỹ.

Đánh đến giọt dầu cuối cùng

kiem 1

Học viên Trà Văn Kiếm (phải) và bạn học trong khóa đào tạo phi công ở Liên Xô - Ảnh: chụp lại từ tư liệu gia đình

"Ngày 10-5-1972 là một ngày đối đầu khốc liệt. Bình thường tôi chỉ mất 30 giây để giải quyết xong chiến trường nhưng hôm đó tôi đã mất ba phút!

Tôi đã nghĩ mình đã gặp phải phi công giỏi nhất của không quân Bắc Việt hoặc một phi công giỏi người Liên Xô. Nhưng sau này tôi mới biết đó là một phi công Việt Nam trẻ.

Tôi rất bất ngờ".

Ông Cunningham nhìn nhận: đó là một phi công cực kỳ dũng mãnh và xuất sắc, "đã hai lần anh ấy đẩy tôi rơi vào tình thế rất nguy hiểm và tôi phải vận dụng hết tất cả kỹ năng được học mới sống sót".

Phi công Nguyễn Văn Thọ (biên đội trưởng biên đội Mig-17 ngày 10-5-1972) kể về trận chiến: "Khi số 3 đã bị bắn rơi, tôi lệnh cho số 4 Trà Văn Kiếm thoát đi nhưng Kiếm cứ tiếp tục bám theo con F4.

Máy bay Mỹ rất nhiều. Kiếm phải liên tục tránh tên lửa từ máy bay Mỹ phóng ra. Khi máy bay của tôi bị rung lắc buộc phải nhảy dù, đang bay lơ lửng tôi vẫn thấy Kiếm quần nhau với các máy bay tiêm kích của Mỹ".

Đó là khoảnh khắc cuối cùng về Trà Văn Kiếm mà đồng đội nhìn thấy anh trên bầu trời. Chiếc máy bay Mig-17 số hiệu 2012 rơi ở phía tây nam huyện Thanh Hà (Hải Dương).

Đại tá phi công, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ cho biết máy bay của thiếu úy Trà Văn Kiếm khi quần thảo với chiếc F4 là đã xác định bám sát đánh đến giọt dầu cuối cùng, vì đối phương cũng trong tình trạng đó. Đó là tinh thần hết sức dũng cảm.

Chính chiếc F4 của Cunningham vì bị động quần thảo với phi công Trà Văn Kiếm suốt ba phút nên cũng cạn dầu, khi bay ra biển bị tên lửa phòng bủa vây, không có cơ hội lạng lách, phải nhảy dù và được tàu sân bay đến cứu.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên