02/12/2018 15:22 GMT+7

Chiếc cần câu từ 'Tiếp sức nhà nông cho con đến trường'

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Trong khó khăn, một khoản vốn làm ăn đã đến với vợ chồng nông dân Nguyễn Văn Lơ Me (36 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long).

Chiếc cần câu từ Tiếp sức nhà nông cho con đến trường - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lơ Me nuôi ước mơ có vốn để gầy thêm đàn bò dành dụm cho các con ăn học tới chốn - Ảnh: CHÍ HẠNH

Mỗi khi đi ngang qua căn nhà nhỏ nằm ven cánh đồng ở ấp 4, xã Tân An Luông ai cũng có thể nghe tiếng búa va vào đe sắt chan chát. Đó là công việc kiếm sống hằng ngày của chị Hà Kim Nhân (37 tuổi, vợ anh Me). Chị Nhân quê ở xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, cách đây 8 năm nhờ người se duyên anh chị nên nghĩa vợ chồng.

Chồng phụ hồ, vợ đục dây sên

Lấy nhau, vợ chồng anh Me không có ruộng đất để canh tác và xây nhà sinh sống. Họ đành xin về ở đậu bên phía cha mẹ anh Me. Nhận thức được việc có lao động mới hi vọng đổi đời, anh Me và vợ luôn chịu khó, cực lực làm đủ thứ việc kiếm kế mưu sinh.

Hằng ngày, anh Me theo bạn đi làm phụ hồ khắp xứ, còn chị Nhân ở nhà nhận dây sên xe máy cũ về đục gia công kiếm tiền. Làm lụng vất vả nhưng số tiền hai vợ chồng kiếm được chỉ chừng hơn 200.000 đồng. Phải tính toán, tằn tiện lắm anh chị mới đủ chi phí lo sinh hoạt và cho hai con đến trường.

Cách nay khoảng 3 năm, có nhà hảo tâm thấy gia cảnh khó khăn của vợ chồng anh nên xây tặng căn nhà 40m2 trên khu đất vườn của cha mẹ anh Me. Họ còn tặng thêm một con bò để giúp anh chị làm vốn, anh Me coi đây là tài sản quý giá nhất mà mình có được từ trước tới giờ. Để con có chút tiền nuôi cháu ăn học, cha mẹ anh Me cũng cho mượn khu vườn 1.000m2 để anh trồng hơn 40 gốc dừa.

"Làm nghề phụ hồ đã hơn 10 năm nay rồi, công việc rất bấp bênh vì không phải lúc nào cũng có công trình để làm. Cuộc sống gia đình cũng trông chờ vào 40 gốc dừa trong vườn nhiều lắm, đôi ba tháng lại hái bán một lần. Cứ mỗi lần như vậy kiếm được 200.000 - 300.000 đồng phòng thân", anh Me nói.

Ở nhà chăm hai con còn nhỏ, một đứa đang học lớp 2 và một đứa đang học mẫu giáo nên chị Nhân tranh thủ thời gian nhận dây sên cũ về làm. Chị Nhân ngồi đục dây sên suốt từ sáng đến tối, có khi bong tróc cả móng tay, chảy máu vì đe búa. Nhưng thu nhập cũng chỉ khoảng 60.000 đồng.

Dành cho tương lai

Dù nghèo, nhưng vợ chồng anh Me luôn cố gắng lao động không ngừng nghỉ để chăm lo cho con cái chu đáo, ăn học để thay đổi cuộc đời. Là một trong số 20 hộ được nhận hỗ trợ vốn 20 triệu đồng không lãi suất trong 2 năm do báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam trao theo chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường", anh Me vô cùng hồ hởi.

Ông Hồ Văn Thùy - chủ tịch Hội nông dân xã Tân An Luông - cho biết hộ anh Me là hộ cận nghèo, gia cảnh khó khăn của xã, bản thân vợ chồng anh Me rất chí thú làm ăn, chịu khó lo cho con ăn học.

Trước đây, anh Me có chăn nuôi heo kiếm thêm thu nhập, nhưng thời gian vừa qua heo thịt gặp khó khăn, rớt giá nên thất bại. Nếu được hỗ trợ vốn, địa phương tin tưởng anh sẽ cố gắng phấn đấu, sử dụng vốn làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thoát khỏi diện hộ cận nghèo của xã.

Anh Me chia sẻ: "Vợ chồng tôi xem đây là chiếc cần câu, một phần tiền tôi sẽ đầu tư nuôi gia cầm ngắn ngày để xoay vốn nhanh, có đồng ra đồng vô xoay xở kinh phí gia đình. Phần vốn còn lại tôi sẽ đổi một con bò mẹ giống tốt, khỏe hơn để nhân giống để dành cho tương lai".

Có vốn nuôi heo, cho con vào đại học

Những ngày này, trên nét mặt của vợ chồng ông Thái Văn Mẫn (47 tuổi, ngụ ấp Đông Hòa 1, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa hết niềm vui vì kinh tế gia đình đang dần ổn định, phát triển tốt.

Ông Mẫn là hộ được nhận hỗ trợ vốn 20 triệu đồng không lãi suất của chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" giai đoạn 2016-2018 do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tổ chức.

Ông Mẫn cho biết lúc nhận tiền hỗ trợ vốn, ông đã đầu tư một phần vào 3 đợt nuôi heo và có lời, số tiền còn lại lo cho hai con đang học THPT. Vợ chồng ông Mẫn còn thuê thêm 5.000m2 đất rẫy để trồng rau màu cung cấp cho chợ đầu mối ở thị xã.

Ông Mẫn nói: "Gia đình tôi có 2 con, khi nhận vốn đứa con trai đầu đang học lớp 12. Cũng nhờ số tiền 20 triệu đồng mà tôi đã xoay xở cho con trai ăn học tử tế, nó đậu vào ngành công nghệ hóa Đại học Bách khoa TP.HCM với hơn 28 điểm. Bây giờ, đứa đầu là sinh viên năm thứ 2, đã biết tự đi làm thêm kiếm tiền lo học phí, sinh hoạt. Giờ tôi nhẹ lắm!".

"Chương trình hỗ trợ vốn của báo Tuổi Trẻ rất ý nghĩa, ngoài việc giúp bà con có vốn làm ăn sinh lời, chương trình còn cấp học bổng cho các con em. Hồi đó, nếu không có chương trình này gia đình tôi chắc rất vất vả", ông Mẫn nói trong sự vui mừng.

Ngày 2-12, chương trình "Tiếp sức nhà nông cho con đến trường" trao khoản vốn không lãi suất trị giá 400 triệu đồng (20 triệu đồng/hộ) và hỗ trợ phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 60 triệu đồng (3 triệu đồng/hộ) cho 20 hộ nông dân hai xã Trung Hiệp và Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Các hộ này sẽ sử dụng khoản vốn nêu trên để chăn nuôi nhằm thoát nghèo và có điều kiện lo cho con cái ăn học.

Dịp này, chương trình cũng trao thưởng 20 triệu đồng cho 20 học sinh, sinh viên (1 triệu đồng/em) vượt khó là con của 20 hộ nông dân tham gia chương trình.

Trao thưởng 'Tiếp sức con nhà nông đến trường' tại Nghệ An Trao thưởng "Tiếp sức con nhà nông đến trường" tại Nghệ An

TTO - Những đồng vốn nghĩa tình không chỉ giúp các hộ nông dân Nghệ An phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà còn có điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên