06/05/2025 10:03 GMT+7

Chia tay nhà văn hóa Hữu Ngọc

Tang lễ nhà văn hóa Hữu Ngọc chiều 5-5 tại Hà Nội không chỉ đón nhận nhiều tình cảm tôn kính, yêu thương của người Việt mà còn có nhiều tình cảm từ bạn bè quốc tế.

Hữu ngọc - Ảnh 1.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc vừa qua đời tại Hà Nội, hưởng đại thọ 107 tuổi - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Họa sĩ Đặng Thị Khuê, người từng làm việc với ông Hữu Ngọc ở Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, nói bà từng được đọc những lá thư người nước ngoài viết cho Hữu Ngọc mới thấy ảnh hưởng của ông rất lớn.

Hữu Ngọc đi bộ cả đời, ông không biết đi loại xe nào. Nhà ông ở cuối phố Khâm Thiên, gần Ô Chợ Dừa, ngày ngày ông đều đi bộ tới phố Trần Hưng Đạo để làm việc, vừa đi vừa ngắm Hà Nội.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng

Tấm gương lớn

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người cũng có nhiều duyên nợ với Hữu Ngọc khi hai người là "hàng xóm" nhiều năm ở ngôi nhà 46 Trần Hưng Đạo.

Đây là trụ sở của Nhà xuất bản Thế Giới mà Hữu Ngọc từng làm giám đốc và tiếp tục có phòng làm việc nhỏ ở đó tới cuối đời, đồng thời cũng là nơi ông Quốc ngồi làm việc.

Ông Quốc còn có mối duyên khác với Hữu Ngọc. Khi ông Quốc làm các hội thảo về vấn đề binh vận, hàng binh trong kháng chiến chống Pháp thì Hữu Ngọc tham gia với vai trò diễn giả am hiểu lẫn người trong cuộc thực thi nhiệm vụ ấy.

Ông Quốc nói ngoài vai trò người bắc chiếc cầu văn hóa giữa Việt Nam và thế giới, Hữu Ngọc còn có vai trò lớn trong công tác binh vận hồi kháng chiến chống Pháp nhưng ít được nhắc đến. Nhờ thông thạo tiếng Anh, Pháp, Đức nên ông tham gia làm công tác binh vận tại Cục Địch vận.

Sau ngày hòa bình lập lại, ông làm chủ yếu về văn hóa, lại có thời gian dài cộng tác với những trí thức lớn như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện để làm mấy tờ báo tiếng nước ngoài rất danh giá lúc bấy giờ.

Ông tiếp tục đóng góp với vai trò giám đốc Nhà xuất bản Ngoại Văn và viết rất nhiều bài báo về văn hóa cho các báo, sau này tập hợp thành hàng chục đầu sách văn hóa giá trị. Khi nghỉ hưu, ông lại làm chủ tịch các quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển... đóng góp rất lớn cho văn hóa Việt Nam.

"Về học thuật lẫn hoạt động xã hội, ông Hữu Ngọc thật sự là một đại sứ truyền tải văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và tiếp thu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt ông hướng về giới trẻ.

Những cuốn sách của ông không đi sâu vào khảo cứu mà viết dễ hiểu, trẻ trung bằng nhiều thể loại khác nhau. Tôi nhớ khi ông trăm tuổi vẫn đều đều đến phòng làm việc của mình ở 46 Trần Hưng Đạo trao truyền tri thức cho thế hệ sau.

Ông rất chân thành, không cầu kỳ, kiêu ngạo mặc dù sự nghiệp của ông rất to lớn", ông Dương Trung Quốc nói Hữu Ngọc là một tấm gương lớn đối với ông.

Có bốn năm làm việc gần gũi với chủ tịch Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển Hữu Ngọc ở quỹ này, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói Hữu Ngọc để lại trong ông nhiều tình cảm tốt đẹp.

Đó là một người rất chịu đọc, có nhiều ngoại ngữ, chăm viết, dịch thuật. Khi viết về văn hóa, Hữu Ngọc luôn biến tất cả chuyện to tát thành bình thường, thành chuyện sinh hoạt hằng ngày rất vui, dễ hiểu.

Đặc biệt Hữu Ngọc rất khiêm nhường, khi không biết thì ông không ngần ngại hỏi, ai cũng hỏi, không câu nệ gì cả. Nhờ vậy mà ông thu nạp được kiến thức Đông Tây kim cổ. Khi làm chủ tịch Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, ông là người "rất thoáng đãng và hoàn toàn không tư lợi".

Hữu Ngọc là người làng Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, vùng Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh ngày nay). Ông Thượng nói làng này rất có học, xưa là nơi sản xuất bút nghiên. Dân làng này rất thông minh và Hữu Ngọc là người con được hưởng tinh túy của đất Kinh Bắc.

Hữu ngọc - Ảnh 2.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc (năm 2004), người bắc nhịp cầu văn hóa Việt Nam với thế giới trong thế kỷ 20 - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Người trí thức uyên bác, đức độ

Họa sĩ Đặng Thị Khuê nói nhìn vào ông người ta thấy hình ảnh một trí thức nho nhã Việt Nam. Tài năng, nhân cách quá mẫu mực, là người có tầm suy nghĩ xuyên thế kỷ nhưng Hữu Ngọc rất khiêm tốn và hóm hỉnh.

Bà Khuê nói bà rất ngưỡng mộ và biết ơn Hữu Ngọc vì những hiểu biết về văn hóa bà có được phần nhiều là từ những tháng năm làm việc với Hữu Ngọc ở Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển.

Bà Ngô Thị Phương Dung - nguyên cán bộ tại Đại sứ quán Thụy Điển, người trực tiếp phụ trách dự án Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển từ phía Thụy Điển, người có 15 năm làm việc cùng Hữu Ngọc ở quỹ này - rất ấn tượng với sự hiểu biết và nhân cách của một trí thức lớn như Hữu Ngọc.

Bà cho biết đại sứ Thụy Điển lúc bấy giờ là Borje Ljunggren rất yêu Việt Nam, muốn thành lập một quỹ văn hóa không qua nhà nước mà có thể trực tiếp tài trợ cho người dân, nghệ sĩ. Và Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển ra đời, Hữu Ngọc là người được chọn mời làm chủ tịch quỹ.

Ông đã thành lập hội đồng quản lý quỹ gồm những tên tuổi uy tín lúc bấy giờ như họa sĩ Phan Cẩm Thượng, đạo diễn Phạm Thị Thành, đạo diễn Đình Quang (nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin), nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà báo Phạm Phú Bằng...

15 năm làm việc với nhà văn hóa Hữu Ngọc, bà Dung coi ông là từ điển văn hóa sống về Việt Nam. Ông là người uyên bác, đức độ, có tâm, làm việc hết mình, rất am hiểu văn hóa truyền thống của Việt Nam nhưng lại rất cấp tiến.

Trong hơn 10 năm hoạt động của quỹ, hơn 2.000 dự án lớn nhỏ khác nhau đã được thực hiện, hỗ trợ rất lớn cho bảo vệ di sản cũng như hỗ trợ cho nhiều nghệ sĩ phát triển sự nghiệp, trong đó có việc phục hồi, bảo vệ các sắc phong...

Chia tay nhà văn hóa Hữu Ngọc - Ảnh 2.Vĩnh biệt nhà văn hóa Hữu Ngọc

Nhà văn hóa Hữu Ngọc, học giả có tiếng của thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, người bắc nhịp cầu văn hóa Việt Nam với thế giới, qua đời tại Hà Nội, hưởng đại thọ 107 tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên