![]() |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc - một nhà "xuất nhập khẩu" văn hóa - nói về bộ sách và về những quỹ phát triển văn hóa mà ông là chủ tịch.
* Thưa ông, bộ sách này rất có ích trong việc giới thiệu văn hóa VN với người nước ngoài?
- Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Sự thực là ý tưởng để làm bộ sách này là của anh Hữu Tiến. Sau năm năm làm tờ tạp chí tiếng Anh, anh ấy thấy người nước ngoài họ có nhiều thắc mắc về văn hóa VN nên mới nảy ra ý định làm một bộ sách để giải đáp những câu hỏi cơ bản về văn hóa VN ở các lĩnh vực như chèo, tuồng, hội họa... Sau khi trình bày với tôi và bà Lady Borton, được chúng tôi hưởng ứng, nhóm các anh ấy soạn ra các câu hỏi ở từng lĩnh vực.
Bộ sách hướng tới nhiều đối tượng. Thứ nhất là những người dạy tiếng Anh và sinh viên học tiếng Anh, khi phải dịch và nói tiếng Anh về văn hóa VN tôi thấy họ lúng túng lắm.
Bộ sách cũng rất hợp với những người nước ngoài mà muốn hiểu một cách sơ bộ nhưng lại cơ bản về văn hóa VN.
Thứ ba là những người nói tiếng Anh, tiếng Mỹ ở nước ngoài muốn học tiếng Việt cũng có thể sử dụng được.
Ngoài ra những hướng dẫn viên du lịch và các cơ quan đón tiếp khách nước ngoài về văn hóa sử dụng cuốn này cũng rất tốt. Thí dụ vừa rồi NSND Trọng Khôi mua 70 bộ để làm quà khi ông dự một hội nghị tại Mexico, ai được tặng cũng thích.
* Thưa, tất nhiên không phải đến bộ sách này ông mới giới thiệu văn hóa VN cho người nước ngoài?
- Người ta bảo tôi là người xuất nhập khẩu văn hóa. Năm 1995, tôi đã ra quyển Chân dung văn hóa VN dày nghìn trang. Hằng tuần tôi viết cho tờ Vietnam News một mục về văn hóa VN đã 11 năm nay rồi, mỗi chủ nhật một bài.
Cuốn này đến nay đã tái bản ba lần, đều bán hết. Sắp tới tôi sẽ tái bản lần thứ tư với số trang có thể lên tới 1.500 trang tập hợp từ hơn 10 năm viết cho Vietnam News.
![]() |
![]() |
Điều quan trọng là qua bộ sách này giải đáp được những cái cơ bản nhất mà người ta thắc mắc trong từng lĩnh vực nên tuy rằng nó nhỏ nhưng như là vitamin, đúc lại được rất nhiều. Còn quyển hơn một nghìn trang của tôi thì nó đi sâu hơn nhưng với những người chỉ cần biết những điều cơ bản thì bộ sách bỏ túi này rất tốt.
* Nhân ông nói đến việc xuất nhập khẩu văn hóa, có thể nói Quỹ phát triển văn hóa VN - Thụy Điển do ông làm chủ tịch đã làm được rất nhiều cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa VN?
- Quỹ văn hóa VN - Thụy Điển cho đến nay đã thành lập được hơn 10 năm, đã làm được hơn một nghìn dự án về văn hóa, mục đích là để bảo vệ di sản và đồng thời phát triển văn hóa hiện đại.
Phía Thụy Điển đưa ra sáng kiến thành lập quỹ này là rất độc đáo: Ngoài số tiền rất lớn mà Thụy Điển đã tài trợ cho VN về vấn đề văn hóa thông qua Bộ Văn hóa - Thông tin thì họ muốn làm một quỹ nhỏ mỗi năm tài trợ khoảng độ 150 nghìn đô-la.
Quỹ đó không lớn nhưng phía Thụy Điển muốn Quỹ có tính chất thế này: Bổ sung cho những gì mà Bộ Văn hóa - Thông tin không với tới được vì nó hơi vụn vặt nhưng lại rất quan trọng, bởi một di sản văn hóa con con có khi lại có giá trị hơn cả một tòa nhà; những cái Bộ Văn hóa - Thông tin bỏ sót vì nó ở xa, vùng dân tộc hải đảo. Thứ hai là muốn đồng tiền của Quỹ đi đến tận cơ sở không phải mất một xu nào qua các cấp trung gian.
Phương pháp thực hiện là có một Hội đồng điều hành mà các thành viên là chuyên gia ở từng lĩnh vực. Khi có ý kiến đề nghị xin cấp tiền từ cơ sở thì người ở lĩnh vực đó chịu trách nhiệm nghiên cứu, xem xét sau đó báo cáo trước hội đồng. Các thành viên hội đồng bỏ phiếu kín để đồng ý hay không đồng ý duyệt dự án đó. Trong hơn 10 năm chúng tôi làm, chưa nhận được một đơn khiếu nại tố cáo nào. Đó là thành công của Quỹ.
* Thưa ông, trong tương lai Quỹ phát triển văn hóa VN - Thụy Điển và cả Quỹ văn hóa VN - Đan Mạch sẽ vẫn được tiếp tục?
- Sau khi thấy Quỹ văn hóa VN - Thụy Điển có hiệu quả Đan Mạch cũng thành lập Quỹ văn hóa VN - Đan Mạch và cũng mời tôi làm chủ tịch.
Tôi thấy hai quỹ, hai mươi quỹ chứ hai trăm quỹ với VN còn thiếu vì chúng ta còn quá nhiều việc phải làm. Rất nhiều di sản đang bị mất một cách xót xa. Trong hơn 10 năm riêng đối với di sản chúng tôi đã thực hiện được hơn 100 dự án. Nhưng di sản VN khác phương Tây, nghệ thuật dân gian và kiến trúc, điêu khắc rải rác ở hơn một vạn làng xã. Chiến tranh, khí hậu tàn phá. Cho nên nơi nào có di sản cần bảo vệ chúng tôi cố gắng đáp ứng cũng chỉ được phần nào.
Hằng năm, Thụy Điển đều cử người đi kiểm tra các dự án đã thực hiện nếu thấy hiệu quả họ mới tiếp tục cho Quỹ hoạt động. Hiện nay cả Thụy Điển và Đan Mạch đều cho hai quỹ này tiếp tục hoạt động trong vòng ba năm tới. Sau đó tùy tình hình họ sẽ quyết định có hợp tác tiếp hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận