09/11/2016 11:19 GMT+7

​Chỉ thấy các đoàn kiểm tra đến doanh nghiệp có lãi

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM nêu thực tế này khi thảo luận về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng 9-11.

Đại biểu Lâm Đình Thắng – Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM - Ảnh: VIỄN SỰ
Đại biểu Lâm Đình Thắng - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM - Ảnh: VIỄN SỰ

Đại biểu Châu cho biết điều 32 của dự thảo có quy định về việc lập các đoàn kiểm tra hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu quan trọng nhất được hiểu là hướng dẫn giúp đỡ tạo điều kiện cho doanh nghiệp. “Nhưng các doanh nghiệp không hiểu quy định này như chúng ta hiểu. Thực tế buộc họ hiểu rằng kiểm tra là mang tính “vạch lá tìm sâu”, “bói ra ma quét nhà ra rác”.

Nói hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp rất sợ

Bà Châu thông tin một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết những năm gần đây họ chịu đến 3 đoàn kiểm tra của Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Tổng cục thuế... Trong khi quy định của Chính phủ thì một doanh nghiệp không bị quá hai đoàn kiểm tra một năm.

“Đi kiểm tra ai cũng nói mục đích là để hỗ trợ, giúp đỡ nhưng doanh nghiệp nói là họ phải chừa một khoản ngân sách, chi phí cho những đoàn kiểm tra này (?). Thường các đoàn kiểm tra cũng nhắm vào các doanh nghiệp làm ăn có lãi” - đại biểu Tô Thị Bích Châu nêu thực tế.

Đại biểu Châu nói bà từng đặt câu hỏi tại sao các đoàn không đi kiểm tra những doanh nghiệp không có lãi để hỗ trợ, tạo điều kiện cho họ phát triển và được trả lời kiểm tra các doanh nghiệp có lại là để... ưu tiên và vinh danh. “Nhưng thực sự là cử tri và doanh nghiệp vừa và nhỏ than rất nhiều những điều này” - đại biểu này cho biết.

“Không nên tạo ra những đoàn kiểm tra giám sát mà phải tổ chức hội nghị hội thảo rồi thống kê khảo sát ý kiến để hỗ trợ. Còn nếu không quy định rõ, nói là hỗ trợ nhưng hình thành những đoàn kiểm tra đi thẳng tới doanh nghiệp như hiện nay thì doanh nghiệp rất sợ” - đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.

Có luật nhưng doanh nghiệp chưa tin

Đại biểu Lâm Đình Thắng - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM đánh giá Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý nghĩa rất lớn với cộng đồng doanh nhân, do đó phải ban hành sớm, đưa vào áp dụng thực tiễn sớm, để tận dụng được làn sóng khởi nghiệp đang dâng cao.

Tuy nhiên, đại biểu Lâm Đình Thắng lo lắng: “Tâm lý của nhiều doanh nghiệp chưa tin tưởng hoàn toàn là luật sẽ được áp dụng trong cuộc sống”.

“Đây là một tâm lý rất rõ, các anh chị đại diện cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp thì rất ủng hộ, rất quan tâm. Nhưng từng doanh nghiệp trong hiệp hội thì lại không quan tâm".

"Vì từ trước đến nay nghị định 56 (tiền thân của dự luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ) gần như không được thông tin nhiều tới doanh nghiệp và họ cũng không tận dụng được. Có hay không có nghị định 56 thì họ vẫn làm ăn tốt, nên họ không quan tâm đến luật này” - đại biểu Lâm Đình Thắng nêu thực tế.

Trong quá trình góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Thắng cũng cho biết các doanh nghiệp nghị ngờ: “Luật ghi hỗ trợ nhưng thực tiễn có phải xin cho hay không? Có thực tế là cơ chế hỗ trợ khi đi vào cuộc sống lại là cơ chế xin cho. Niềm tin của doanh nghiệp vì thế không hoàn toàn tuyệt đối”.

Phó bí thư thường trực Thành Đoàn TP.HCM đề nghị khi dự luật này được thông qua thì phải đưa vào cuộc sống theo một cách khác với hiện nay. Làm sao để tất cả các cộng đồng doanh nghiệp biết từng điều khoản cụ thể, tận dụng được quyền lợi của mình.

“Đồng thời cơ quan tổ chức cá nhân của nhà nước phải biết được nhiệm vụ để hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải là ban hành theo cơ chế hành chính như bấy lâu nay” - đại biểu Lâm Đình Thắng nói.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên